3.1. Thành phần nhện nhỏ hại chè và tác hại của loài nhện đỏ nâu (Oligonychus coffeae N.) tại vùng chè Ba Vì – Hà Nội
3.1.1.Thành phần nhện nhỏ hại chè tại Ba Vì – Hà Nội
Cây chè thường xuyên bị nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại dẫn đến giảm năng suất, chất lượng và đặc biệt là phải tăng cường việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật dẫn đễn ô nhiễm môi trường cao và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của chính những người nông dân trồng chè cũng như những người thường xuyên sử dụng các sản phẩm từ chè.
Khác với các vùng trồng chè khác như Thái Nguyên, Phú Thọ…, cây chè tuy cũng đã có mặt trên đất Ba Vì từ lâu nhưng cơ cấu giống vẫn ít thay đổi, nhân dân Ba Vì vẫn trồng 2 giống chè cũ là giống chè Trung du và giống chè PH1, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn rất hạn chế, công tác tập huấn khuyến nông cho người trồng chè hầu như chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó cũng còn rất thiếu các chương trình nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật cho người nông dân. Trong công tác phòng trừ sâu bệnh hại trên cây chè hầu hết người trồng chè chỉ chú ý đến các đối tượng gây hại trực tiếp phần búp non như rầy xanh hoặc bọ trĩ, mà rất ít quan tâm đến các loài nhện nhỏ gây hại. Đây là một trong những đối tượng gây hại quan trọng trên cây chè và được chú trọng phòng trừ ở các nhiều vùng trồng chè khác trên cả nước.
Theo các kết quả nghiên cứu trước đây tại Việt Nam có 5 loài nhện nhỏ gây hại trên chè bao gồm nhện đỏ nâu, nhện sọc trắng, nhện vàng, nhện hồng và nhện đỏ tươi. Tuy nhiên ở mỗi vùng sinh thái khác nhau thì số loài nhện có mặt cũng khác nhau, việc xác định sự có mặt cũng như mức độ gây hại của
từng loài là vô cùng cần thiết để có thể xác định các biện pháp phòng chống hiệu quả.
Hình 3.1. Triệu trứng gây hại của nhện đỏ nâu trên lá chè tại Ba Vì – Hà Nội
Kết quả điều tra thành phần nhện nhỏ gây hại trên chè tại vùng chè tại Ba Vì từ tháng 11/ 2010 đến tháng 6/ 2011 đã thu được 2 loài nhện nhỏ hại chè, kết quả được trình bày ở bảng 3.1.
Bảng 3.1. Thành phần nhện nhỏ hại chè tại Ba Vì – Hà Nội (11/2010 -6/2011)
TT TT Tên Việt Nam Tên khoa học Họ Mức độ
phổ biến
1 Nhện đỏ nâu Oligonychus coffeae N. Tetranychidae +++ 2 Nhện sọc trắng Calacarus carinatus G. Eriophyidae +
Ghi chú: + < 25% số cây có nhện (ít phổ biến) +++ > 50% cây có nhện (rất phổ biến)
Qua kết quả cho thấy trong thời gian điều tra tại vùng trồng chè Ba Vì chúng tôi ghi nhận được 2 loài nhện nhỏ hại chè là loài nhện đỏ nâu
Oligonychus coffeae N. và nhện sọc trắng Calacarus carinatus G, trong đó
nhện đỏ nâu là loài quan trọng nhất luôn xuất hiện với tần suất bắt gặp rất cao trong tất cả các lần điều tra, còn loài nhện sọc trắng xuất hiện rất ít, chỉ rải rác ở một vài điểm với mật độ rất thấp. Ngoài hai loài nhện này thì tại Ba Vì chúng tôi chưa phát hiện thấy sự có mặt của các loài nhện hại chè khác. Như vậy nhện đỏ nâu cũng là một đối tượng gây hại nguy hiểm cho vùng trồng chè Ba Vì, điều này cho thấy tính chất nguy hiểm của nhện đỏ nâu đối với sản xuất chè tại Việt Nam nói chung và vùng trồng chè Ba Vì nói riêng. Thực tế điều tra cũng cho thấy nhện đỏ nâu có mặt thường xuyên trên các vườn chè ở các giai đoạn khác nhau với mật độ khác nhau và hầu như gây hại quanh năm gây ảnh hưởng đáng kể đến năng suất, chất lượng cũng như làm tăng chi phí trong sản xuất chè tại đây.
Kết quả này cũng có thể lý giải là do sinh thái vùng chè Ba Vì khác với với các vùng sinh thái khác, các biện pháp tác động cũng không giống nhau
và thời gian thực hiện nghiên cứu của chúng tôi có hạn do vậy mà thành phần loài nhện nhỏ hại chè cũng ít hơn so với các công trình nghiên cứu trước đây ở các vùng chè khác (Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ…)của các tác giả như Nguyễn Văn Đĩnh (1994), Nguyễn Văn Thiệp (1994), Nguyễn Thái Thắng (2000)…