3.1.1.1 Lịch sử hình thành
Chợ Gạo xưa là tên một ngôi chợ, đóng ở làng Bình Phan, do ông Trần Văn Nguyệt thành lập vào thời Cảnh Hưng. Vào cuối thế kỷ XVIII, Chợ Gạo là một trung tâm mua bán gạo. Vào thời nhà Nguyễn, vùng đất Chợ Gạo ngày nay thuộc một phần của huyện Kiến Hòa thuộc phủ Kiến An, dinh Trấn Định, sau đó là dinh Định Tường.
Ngày 22/03/1912, quận Chợ Gạo được thành lập thuộc tỉnh Mỹ Tho, có 2 tổng: Hòa Hảo (7 làng), Thạnh Phong (6 làng). Ngày 01/01/1928, quận Chợ Gạo nhận thêm tổng Thạnh Quơn (7 làng) từ quận Bến Tranh giải thể. Quận lỵ Chợ Gạo đặt tại làng Bình Phan (tổng Hòa Hảo), vốn cũng là nơi đặt ngôi chợ có tên là Chợ Gạo.
Năm 1956, quận Chợ Gạo thuộc tỉnh Định Tường, các làng trở thành xã, trả tổng Thạnh Quơn về cho quận Bến Tranh quản lý. Ngày 27/02/1964, dời quận lỵ từ xã Bình Phan tới xã Tân Thuận Bình. Sau ngày 30/04/1975, Chợ Gạo trở thành huyện của tỉnh Tiền Giang. Cuối năm 2004, huyện Chợ Gạo bao gồm 18 xã, 1 thị trấn.
Ngày 26/09/2009, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 28/NQ- CP về việc điều chỉnh địa giới huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo để mở rộng địa giới hành chính thành phố Mỹ Tho, điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập xã thuộc thành phố Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Chợ Gạo còn lại 22.943,39 ha diện tích tự nhiên và 183.241 nhân khẩu, có 19 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm: thị trấn Chợ Gạo, và các xã: Quơn Long, Bình Phục Nhất, Bình Phan, An Thạnh Thủy, Bình Ninh, Hòa Định, Xuân Đông, Long Bình Điền, Song Bình, Đăng Hưng Phước, Tân Thuận Bình, Thanh Bình, Lương Hòa Lạc, Phú Kiết, Mỹ Tịnh An, Tân Bình Thạnh, Trung Hòa và Hòa Tịnh.
20
3.1.1.2 Vị trí địa lý và hành chính
Huyện Chợ Gạo là một trong bốn huyện phía Đông của Tỉnh Tiền Giang, cách thành phố Mỹ Tho – trung tâm tỉnh Tiền Giang 10km, thuộc hạ lưu sông Tiền với chiều dài đường sông 17km, chiều rộng trung bình của huyện từ Bắc đến Nam là 14km, chiều dài trung bình từ Đông sang Tây là 18km. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có hệ thống giao thông đường bộ liên thông các xã và có Quốc lộ 50 nối liền Quốc lộ 1 đi thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi hàng hóa. Bên cạnh đó, Chợ Gạo có hệ thống giao thông thủy lớn với kênh Chợ Gạo nối liền sông Tiền với rạch Kỳ Hôn, chảy qua hướng Nam – Bắc từ Long An về thành phố Hồ Chí Minh là cầu nối quan trọng cho việc vận chuyển vật tư và trao đổi hàng hóa từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại.
Ranh giới hành chính được xác định như sau: -Phía Đông giáp: huyện Gò Công Tây;
-Phía Tây giáp: huyện Châu Thành và thành phố Mỹ Tho; -Phía Nam giáp: sông Tiền và tỉnh Bến Tre;
- Phía Bắc giáp: huyện Châu Thành và tỉnh Long An.
3.1.1.3 Điều kiện tự nhiên
Diện tích tự nhiên của huyện Chợ Gạo tính đến năm 2013 là 23.139,5 ha; trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 19.421,1 ha chiếm 83,9% bao gồm: đất sản xuất nông nghiệp là 19.406,5 ha (chiếm 99,7%), đất nuôi trồng thủy sản là 51,6 ha (chiếm 0,27%), đất nông nghiệp khác là 8,4 ha (chiếm 0,03%); diện tích phi nông nghiệp là 3.733 ha bao gồm: đất ở, đất chuyên dùng, đất tôn giáo, tín ngưỡng,…
Chợ Gạo là huyện thuần nông, với khoảng 80% hộ là nông dân. Gắn với việc sản xuất nông nghiệp, địa bàn huyện được chia làm 2 vùng gồm:
Vùng thuộc hệ ngọt hóa Gò Công bao gồm 7 đơn vị. Vùng này chuyên sản xuất các loại lúa thơm phục vụ xuất khẩu, sản xuất rau màu và cũng là khu vực trồng tập trung các cây công nghiệp dừa với diện tích hơn 5.000 ha, ca cao khoảng 955 ha.
Các xã thuộc hệ Bảo Định gồm 12 đơn vị, là vùng chuyên sản xuất nếp bè khoảng 2.500 ha, trồng hoa màu và là vùng trồng cây ăn trái tập trung, trong đó có hơn 2.800 ha được bảo hộ xuất khẩu.
21
Khí hậu của huyện Chợ Gạo có tính chất nhiệt đới gió mùa nên nhiệt độ bình quân cao và nóng quanh năm với nhiệt độ trung bình cả năm là 28,10C. Thời tiết trong năm của huyện Chợ Gạo có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa nắng kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình từ 1200 - 1400mm/năm, phân bố ít dần từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông. Độ ẩm trung bình là 80-85%.
Huyện Chợ Gạo chịu ảnh hưởng của 2 hướng gió chính là gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam. Địa hình chung của huyện tương đối bằng phẳng với độ dốc là 1%, tuy nhiên lại có 1 số gò cao hơn so với địa hình chung như xã Xuân Đông, Bình Phan, Bình Phục Nhất. Chợ Gạo nằm trong vùng khí hậu chung của đồng bằng sông Cửu Long đó là nhiệt đới gió mùa với đặc điểm là nền nhiệt cao và ổn đinh quanh năm, ít xảy ra thiên tai như bão, lũ,… Ngoài ra với hệ thống sông ngòi chằng chịt thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp cũng như là lưu thông hàng hóa giữa các vùng.