7. Cấu trúc của luận văn
3.2. Xây dựng An toàn khu
Đầu năm 1942, Trung ương Đảng chủ trương xây dựng vùng chung quanh Hà Nội thành những cơ sở gọi là An toàn khu. Nhưng không phải chỉ đến thời điểm này mới có An toàn khu. Mầm mống của nó đã được hình thành từ cuối năm 1939, khi những hoạt động của Đảng từ công khai rút vào bí mật.
Để chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang, phải xây dựng căn cứ địa cách mạng, làm chỗ dựa cho hoạt động của các lực lượng vũ trang cách mạng. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, ta đã xây dựng hai khu căn cứ Bắc Sơn – Võ Nhai và Cao Bằng, những nơi có phong trào mạnh, là địa bàn hoạt động của ba trung đội Cứu quốc quân và của các đội tự vệ vũ trang. Các căn cứ ấy phần lớn là ở vùng rừng núi. Nhưng xét thấy, khu căn cứ làm nơi hoạt động của các cơ quan lãnh đạo không thể chỉ nhằm mục đích phục vụ hoạt động của các lực lượng vũ trang mà phải lấy mục tiêu phục vụ cho công tác chỉ đạo. Xuất phát từ nhu cầu như vậy, Thường vụ Trung ương quyết định không đặt cơ quan đầu não ở vùng núi rừng, nhưng cũng không đặt nó trong nội thành mà đặt chung quanh Hà Nội, cách thủ đô khoảng 10-15km ở vùng giáp ranh giữa hai hoặc ba tỉnh. Xứ ủy Bắc Kỳ cũng theo hướng đó mà đặt cơ quan Xứ ủy ở cách Trung ương chừng một ngày đường. Vùng đặt cơ quan lãnh đạo của Trung ương và Xứ ủy gọi là An toàn khu (ATK).
67
Vùng chung quanh Hà Nội tuy không có rừng rậm, núi cao nhưng là vùng đông dân, nhân dân yêu nước, nhiều cơ sở cách mạng mạnh, lại có địa hình thuận tiện, nằm hai bên sông Hồng và sông Đuống, có đường giao thông thuận tiện đi lại vào thành phố và đi ra cả nước, mạng lưới mật thám lại không dày đặc như trong nội thành, khi địch bao vây, ta có thể thoát ra dễ dàng.
Trung ương quy định An toàn khu của Trung ương, An toàn khu của Xứ ủy phải được tổ chức thật sự nghiêm ngặt, tuyệt đối bí mật. Để đảm bảo an toàn, Trung ương tổ chức ra đội công tác. Nhiệm vụ của đội là bảo vệ các cơ sở cách mạng, bảo vệ cán bộ. Những người được lựa chọn vào đội công tác phải là những người được Đảng thực sự tin cậy. Trong công tác, việc tổ chức tuyên truyền, giác ngộ quần chúng phải làm hết sức thận trọng, kín đáo, không rải truyền đơn, treo cờ, tổ chức mít tinh. Mọi việc liên lạc giữa Trung ương với Xứ ủy, giữa các đồng chí Thường vụ Trung ương với cán bộ công tác ở Trung ương được quy định ở những nơi thắng cảnh, quán cơm và gốc cây cổ thụ. Không có liên lạc ngang, mỗi người chỉ biết một phạm vi nhất định. Người này không biết nơi ở và làm việc của người khác và ngược lại [54, tr. 130].
Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra. Thực dân Pháp ở Đông Dương nhân cơ hội này thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng đang lên. Chúng áp dụng mọi thủ đoạn thâm độc, phối hợp với lực lượng mật thám điều tra tin tức, khủng bố, bắt bớ cán bộ và quần chúng cách mạng của ta. Trước tình hình đó, mọi hoạt động cách mạng của Đảng rút vào hoạt động bí mật và chuyển trọng tâm công tác về nông thôn.
Tháng 10/1939, Hoàng Văn Thụ chuyển về Vạn Phúc hoạt động, cơ quan của Xứ ủy Bắc Kỳ rời Hà Nội chuyển về làng Vạn Phúc, gần thị xã Hà Đông. Trạm giao thông, liên lạc của Xứ ủy cũng về làng này. Báo Giải phóng,
68
cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy cũng chuyển về đây. Ở Hà Đông lúc này các cơ sở Đảng được phát triển cả ở bề rộng và bề sâu. Là người đã có một thời gian dài hoạt động và xây dựng các cơ sở Đảng ở đây, nên Hoàng Văn Thụ hoàn toàn hiểu rõ những thuận lợi cho cách mạng ở địa phương này. Ông nhận xét Hà Đông tuy chỉ trên một trăm đảng viên nhưng là cơ sở có nhiều hoạt động nổi, các cơ sở và đặc biệt là cán bộ lãnh đạo của Hà Đông cũng như của Xứ ủy đóng ở Hà Đông đều ít bị lộ hơn là các tỉnh có phong trào và những hoạt động của Đảng từ những năm 1930. Ông còn cho rằng ở thành phố bộ máy cai trị của địch mạnh hơn ở nông thôn, ở nông thôn địch sơ hở hơn ở thành thị [49, tr. 185]. Chính vì thế, làng Vạn Phúc hoàn toàn phù hợp với những yêu cầu của Xứ ủy để ra về một vùng an toàn cho cách mạng.
Tại Vạn Phúc, Hoàng Văn Thụ được bố trí ở nhà ông Phúc Khánh ở xóm trong. Vạn Phúc là nơi đặt trạm liên lạc của Xứ ủy. Nhà ông Phúc Khánh là nơi làm việc và tiếp khách của Hoàng Văn Thụ. Ngoài ra Vạn Phúc còn được giao nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở tốt để làm nơi hội họp của Xứ ủy và phục vụ cấp trên. Thời gian ở đây, Hoàng Văn Thụ rất quan tâm xây dựng cơ sở Vạn Phúc. Mặc dù bận nhiều công việc nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian sinh hoạt, gặp gỡ và bồi dưỡng các gia đình cơ sở.
Mùa thu 1939, Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ đã về làm việc ở Vạn Phúc một thời gian trước khi vào Nam chủ trì Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 6. Cũng tại đây, Xứ uỷ Bắc kỳ mở Hội nghị cán bộ do Hoàng Văn Thụ chủ trì. Việc cơ quan Xứ ủy về Vạn Phúc là dấu hiệu mầm mống ra đời của An toàn khu. Qua một thời gian ở Vạn Phúc, Hoàng Văn Thụ đã đánh giá đầy đủ tình hình, khả năng và triển vọng của Vạn Phúc. Căn cứ vào chủ trương của Trung ương ông đã quyết định xây dựng An toàn khu (ATK) ở Vạn Phúc và một số làng ở vùng nam Hoài Đức (Hà Đông cũ, nay thuộc Hà Nội).
69
Chọn Vạn Phúc làm cơ sở hoạt động bí mật vì nó liền kề với thị xã Hà Đông, mà Hà Đông lại nằm cạnh Hà Nội, việc đi lại, liên lạc thuận tiện. Vạn Phúc còn nằm giữa hai đường giao thông thủy bộ. Phía đông có sông Nhuệ, phía tây nối với đường 70, phía nam là thị xã Hà Đông và phía bắc giáp với hai làng Ngọc Trụ và Đại Mỗ. Với vị trí như thế, việc tiến thoái dễ dàng. Vạn Phúc là nơi có phong trào cách mạng phát triển mạnh ở vùng Hà Đông. Mặc dù ở gần cơ quan đầu não của địch nhưng nhờ công tác giữ gìn bí mật tốt, hơn nữa đặc điểm thợ dệt đi lại đông nên địch khó có thể phát hiện [54, tr. 132]. Mặt khác, lực lượng cách mạng Vạn Phúc còn khéo lợi dụng mẫu thuẫn ở địa phương, lợi dụng sự “đỡ đầu” của Hoàng Trọng Phu (Tổng đốc Hà Đông) để che mắt địch, tạo được một phần an toàn cho cơ sở cách mạng.
Vạn Phúc được Xứ ủy đánh giá rất tốt, song vì địa lý quá gần địch nên chưa thật an toàn. Vì vậy, cơ quan Xứ ủy đặt ở Vạn Phúc nhưng Xứ ủy quyết định mở rộng An toàn khu ra các làng xung quanh (La Cả, Yên Lộ, Đồng Nhân, La Dương, Tây Mỗ, Đại Mỗ). Từ đây Vạn Phúc chính thức trở thành một An toàn khu của Đảng, nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử nước nhà. Cũng nhờ có Xứ ủy đặt ở đây mà mọi chủ trương của Đảng được thực hiện sớm hơn các nơi khác.
Trước những biến chuyển thuận lợi của tình hình cách mạng cả nước, đầu năm 1940, Xứ ủy Bắc Kỳ đã triệu tập Hội nghị cán bộ mở rộng tại nhà đồng chí Hà Xuân Tý, Đảng viên chi bộ Đảng xã Vạn Phúc (Hà Đông – Hà Nội). Hội nghị bàn về vấn đề đẩy mạnh tập hợp lực lượng trong mặt trận dân tộc phản đế, chuẩn bị mọi điều kiện có thể chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới khi tình hình chuyển biến. Hội nghị đã tiến hành bầu kiện toàn Ban lãnh đạo Xứ ủy, Hoàng Văn Thụ được bầu làm Bí thư Xứ ủy.
Sau khi thống nhất chủ trương chỉ đạo của Xứ ủy, tại Hội nghị này, Hoàng Văn Thụ đã trao đổi, căn dặn các đại biểu dự Hội nghị. Ông cho rằng
70
việc quan trọng bậc nhất trong tình thế hiện nay là bảo toàn cán bộ và cơ sở Đảng. Muốn làm như vậy phải giữ vững đúng nguyên tắc bí mật của Đảng, cần tìm mọi cách để che mắt địch vì hiện nay chúng đang giăng lưới khắp nơi để truy nã các đồng chí của chúng ta. Nếu chúng ta giữ đúng nguyên tắc bí mật của Đảng thì kẻ thù không làm gì nổi chúng ta. Ông còn dặn dò các cán bộ là phải lo đến việc giữ vững cơ sở ở Hà Nội. Vô luận tình thế khó khăn thế nào, cơ sở ở Hà Nội phải được duy trì và Thành ủy phải có mặt ở mọi nơi có phong trào quần chúng tốt [49, tr. 173].
Từ giữa năm 1940, hoảng sợ trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, thực dân Pháp liên tục tăng cường mọi lực lượng lùng sục, vây ráp, truy bắt cán bộ cách mạng ở khắm nơi. Trước sự truy lùng gay gắt của địch ở thị xã Hà Đông và làng Vạn Phúc, Hoàng Văn Thụ đã đề nghị Xứ ủy chuyển toàn bộ cơ quan từ Vạn Phúc sang Vĩnh Ninh (Hoài Đức – Hà Nội) và Văn Điển (Hà Nội). Để che mắt địch, giữ gìn bí mật cho cơ quan Xứ ủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông Dương Nhật Đại cùng gia đình Dương Quảng Bàn (một cơ sở cách mạng ở huyện Thanh Oai) đã bố trí, đầu tư tiền mở một hiệu thuốc bắc ở gần cổng làng Vĩnh Ninh (Văn Điển – Thanh Trì – Hà Nội), bố trí cho Hoàng Văn Thụ và một số đồng chí trong vai người bệnh đến điều trị tại hiệu thuốc. Ít lâu sau, trạm liên lạc của Xứ ủy ở Văn Điển bị lộ, một số cán bộ bị địch bắt, Hoàng Văn Thụ cùng cơ quan Xứ ủy lại dời Vĩnh Ninh sang làng Thượng Cát (Hoài Đức) và sau lại dời về hai làng Dương Xá (huyện Phú Thụy) và làng An Mỹ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Đây là vùng đất nằm bên bờ sông Đuống, giáp Từ Sơn, Tiên Du, Yên Viên, Hà Bắc là một trong những nơi có cơ sở cách mạng vững. Ngay từ tháng 8-1929, Đảng bộ Đông Dương cộng sản Đảng Bắc Ninh – Bắc Giang đã được thành lập. Từ đấy trở đi, cơ sở cách mạng luôn luôn được duy trì và phát triển. Bắc Ninh – Bắc Giang có vị trí quan trọng, phong trào cách mạng rất vững chắc,
71
Trung ương Đảng đã xây dựng tại đây một hệ thống các cơ sở, tạo thành đường dây liên lạc giữa miền xuôi với miền ngược, giữa Trung ương với Xứ ủy Bắc Kỳ. Cơ sở quần chúng ở các làng Liễu Ngạn, Liễu Khê thuộc Thuận Thành được củng cố vững chắc, chỗ dựa chủ yếu của cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ khi di chuyển về đây. Rồi từ các cơ sở ở Thuận Thành, một đường dây liên lạc thường xuyên quốc lộ 1A, đường số 13B, qua trục Yên Viên, Đình Bảng, Phù Lưu, Cẩm Giang, Thị Cầu, Đáp Cầu, Phủ Lạng Thương... đã giúp cho Trung ương rất nhiều trong việc thiết lập hệ thống “đỏ” từ trung ương tới các địa phương.
Sau Hội nghị Trung ương lần thứ VII, Hoàng Văn Thụ cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng về đóng tại gia đình ông Đám Thi ở làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Căn gác bí mật trên tầng 2 của nhà ông Đám Thi thường là nơi hội họp, làm việc của Ban Thường vụ Trung ương với cán bộ các Đảng bộ địa phương. Để giữ gìn bí mật trong khi tiếp xúc làm việc với cán bộ các địa phương tới báo cáo tình hình, nhận chỉ thị của Trung ương, Hoàng Văn Thụ và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương còn thường xuyên cải trang, địa phương chuyển địa điểm làm việc bí mật trong chùa Đồng Kỵ để tránh sự khủng bố của kẻ thù.
Trong thời gian ở và làm việc tại làng Đình Bảng và chùa Đồng Kỵ, Hoàng Văn Thụ luôn được ông Đám Thi, sư thầy Thông Tuệ ở chủa Đồng Kỵ hết lòng chở che và giúp đỡ. Nhờ có sự giúp đỡ tích cực của gia đình ông Đám Thi, sư thầy Thông Huệ, các nhà sư trong chùa Đồng Kỵ và các cơ sở quần chúng trung kiên ở Đình Bảng và Đồng Kỵ mà bọn mật thám với trăm phương ngàn kế cũng không sao phát hiện được Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương vẫn hàng ngày, hàng giờ đi lại, hoạt động ngay trước mắt chúng.
72
Cuối năm 1940, cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ không ở Thuận Thành nữa, mà chuyển về Phú Thọ. Ở Phú Thọ một thời gian lại chuyển sang Vĩnh Yên. Nhưng ở Vĩnh Yên thấy vẫn còn xa Hà Nội, không tiện cho việc chỉ đạo phong trào, Hoàng Văn Thụ và Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định chuyển về Đông Anh và ngoại thành Hà Nội. Khi chuyển về tại huyện Đông Anh, tên “An toàn khu” chính thức được đặt ra.
Huyện Đông Anh có đủ các điều kiện để xây dựng ATK đáp ứng được các yêu cầu do Thường vụ Trung ương đề ra, đó là: nằm sát cơ quan đầu não của địch ở Hà Nội, hàng ngày ta có điều kiện nắm được tình hình địch, tình hình thế giới và cách mạng cả nước, từ đó có chủ trương kịp thời chỉ đạo phong trào; có vị trí giao thông thuận tiện, người buôn bán ngược xuôi nhiều nên địch ít chú ý.
Để bảo vệ An toàn khu mà cơ quan đầu não ở Đông Anh, Trung ương đã lập đội công tác đầu tiên gồm: Nguyễn Trọng Tỉnh, Trần Thị Sáu, Bạch Thành Phong. Trần Thị Sáu trở thành người liên lạc cho Hoàng Văn Thụ khi ông ở Đông Anh cùng với Xứ ủy. Sau đó, các cơ sở cách mạng trong ATK ngày càng được phát triển rộng, nhiệm vụ trở nên nặng nề hơn, Ban Thường vụ Trung ương trong đó có Hoàng Văn Thụ đã quyết định tăng cường cho đội công tác nhiều cán bộ. Đội công tác có nhiệm vụ xây dựng cơ sở, giác ngộ quần chúng để quần chúng giúp đỡ, che giấu cán bộ từ các nơi về làm việc, không để kẻ địch nghi ngờ.
Nhờ có việc tổ chức ra An toàn khu, trong những năm hoạt động bí mật, cơ quan của Trung ương Đảng vẫn an toàn. Điều quan trọng là nhờ có tổ chức An toàn khu chung quanh Hà Nội, Trung ương đã bắt mạch nhanh chóng chính xác thời cuộc đảm bảo thông tin liên lạc giữa các xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Nhờ có việc tổ chức tốt An toàn khu mà Đảng ta đã nắm bắt kịp thời cơ ngàn năm có một của thời kỳ Cách mạng tháng Tám. Để có được
73
điều này một phần là nhờ công lao của Hoàng Văn Thụ. Là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, ông đã có những đánh giá và nhận định sáng suốt về những vùng đất được lựa chọn làm An toàn khu. Những hoạt động của ông đã góp phần củng cố và phát triển các căn cứ địa cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng trong giai đoạn này.