II. Sử dụng mạng lưới truyền thanh cơ sở 1 Khái niệm, đặc điểm
4. Biên soạn đề cương tuyên truyền phổ biến, giáo dục
Đề cương phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo là loại tài liệu giới thiệu một cách ngắn gọn, súc tích, cô đọng những nội dung cần tuyên truyền. Dựa vào đó, tuyên truyền viên giải thích, phổ biến một văn bản pháp luật hoặc một nội dung pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Đề cương phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo thường được các tuyên truyền viên, báo cáo viên, đặc biệt ở cấp xã sử dụng, bởi loại hình này phù hợp với cách thức tuyên truyền ở cấp xã. Để tạo điều kiện cho các tuyên truyền viên, báo cáo viên có thể sử dụng đề cương một cách linh hoạt, dễ dàng và khai thác hiệu quả tài liệu này, một đề cương phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo cần phải đảm bảo những yêu cầu như sau:
- Về hình thức: bố cục đề cương phải rõ ràng, chặt chẽ, hợp lý. Ngôn ngữ được sử dụng trong đề cương phải là ngôn ngữ đại chúng, cách hành văn giản dị, trong sáng, dễ hiểu. Diễn đạt mạch lạch, súc tích, ngắn gọn. Độ dài của đề cương tuỳ thuộc vào vấn đề được phổ biến.
- Về nội dung: đề cương phải nêu bật được các ý chính của vấn đề, tạo điều kiện cho người sử dụng hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của văn bản pháp luật, nắm được các ý trọng tâm của vấn đề, cách vận dụng các quy định pháp luật trong quan hệ xã hội.
Để đảm bảo những yêu cầu trên, việc xây dựng đề cương cần đảm bảo các nội dung sau:
Phần 1. Những vấn đề chung.
- Nêu ý nghĩa, sự cần thiết ban hành văn bản pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Ý nghĩa, vai trò của văn bản trong hệ thống các văn bản pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo việc xây dựng văn bản, tư tưởng chủ đạo và yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo.
Phần 2. Nội dung đề cương
- Đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh của văn bản;
- Quyền, nghĩa vụ của các chủ thể và những người có liên quan; - Các quy định về trình tự, thủ tục phải thực hiện;
- Những điểm mới của văn bản so với quy định của pháp luật hiện hành, những điểm sửa đổi, bổ sung và lý do sửa đổi, bổ sung, ý nghĩa của việc sửa đổi, bổ sung. Khi cần thiết có thể nêu một số ý kiến tranh luận, những vấn đề đang tồn tại;
- Trong điều kiện có thể, đề cương phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo nên có các tài liệu tham khảo kèm theo, bao gồm các số liệu, các trích dẫn để khẳng định, chứng minh, so sánh, mở rộng những vấn đề nêu trong đề cương.
Phần 3. Hướng dẫn thực hiện
Phần hướng dẫn thực hiện nhằm giúp người dân hiểu và thực hiện đúng các quy định pháp luật. Bởi vậy, cần nhắc lại và nhấn mạnh một số nội dung liên
quan trực tiếp đến người dân, giúp họ hiểu được khi tiến hành khiếu nại, tố cáo, họ cần phải làm gì, cụ thể là:
- Các quy định về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo; - Các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện việc khiếu nại, tố cáo;
- Các quy định về quyền, nghĩa vụ của của người bị khiếu nại, tố cáo; người giải quyết khiếu nại, tố cáo;
- Những điểm mới của pháp luật khiếu nại, tố cáo hiện hành so với trước đây: ví dụ: quyền mời luật sư giúp đỡ.
Đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật về khiếu nại, tố cáo cần phải làm cho đối tượng được tuyên truyền hiểu chính xác nội dung, ý nghĩa của văn bản, có thể áp dụng các điều luật một cách dễ dàng, thống nhất trong đời sống xã hội. Để đáp ứng được điều này đòi hỏi khi biên soạn đề cương phải tuân theo các bước như sau:
- Bước 1: Nghiên cứu văn bản cần phổ biến, giáo dục, nhằm:
+ Xác định tư tưởng chủ đạo và nguyên tắc chi phối quá trình soạn thảo văn bản;
+ Nắm vững đối tượng điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh của văn bản, nhất là các đối tượng đặc biệt có các quy phạm điều chỉnh riêng, ví dụ như việc quy định thời hiệu khiếu nại với đối tượng là vùng sâu, vùng xa, người ốm đau, bệnh tật...;
+ Hiểu được tinh thần, ý nghĩa thực sự của các điều luật;
+ Xác định các tiêu chí trọng tâm cần tập trung phổ biến giúp cho đối tượng dễ khai thác sử dụng.
Việc nghiên cứu sâu văn bản là bước rất cần thiết của quá trình biên soạn, giúp người viết truyền đạt chính xác nội dung, phân tích rõ các khái niệm, các vấn đề trọng tâm của văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng sử dụng.
- Bước 2: Nghiên cứu các tài liệu liên quan.
Nhằm tăng cường sự hiểu biết về văn bản pháp luật khiếu nại, tố cáo, cần thu thập, nghiên cứu kỹ các tài liệu có liên quan trong quá trình xây dựng văn bản như: tờ trình về việc ban hành văn bản, bản tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo văn bản, các văn kiện của Đảng, chính sách của nhà nước, các tài liệu trong nước và nước ngoài về các vấn đề liên quan đến nội dung văn bản để nắm được
xuất xứ của văn bản (nếu là văn bản ban hành lần đầu), văn bản gốc và yêu cầu thực tế khách quan liên quan đến nội dung cần sửa đổi, bổ sung (đối với văn bản sửa đổi bổ sung).
Bước này giúp cho báo cáo viên có cơ sở để giải thích chính xác và sâu sắc ý nghĩa, tinh thần của các quy phạm, phân tích những điểm mới đưa ra trong văn bản hoặc những điểm sửa đổi, bổ sung, cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn, sự cần thiết của những điểm mới, những điểm sửa đổi bổ sung.
Báo cáo viên nghiên cứu về tình hình kinh tế - xã hội, phong tục, truyền thống; tình hình vi phạm pháp luật; yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực khiếu nại, tố cáo; tình hình kinh tế xã hội liên quan.
- Bước 3: Biên soạn đề cương.
+ Trước khi viết đề cương hoàn chỉnh cần xây dựng dự thảo khung.
+ Sau khi hoàn chỉnh dự thảo khung đề cương, dựa trên cơ sở khung đề cương và các tài liệu đã được nghiên cứu để biên soạn đề cương hoàn chỉnh.
Để tránh các sai sót có thể xảy ra trong quá trình biên soạn, sau khi xây dựng bản đề cương, cần biên tập, chỉnh lý để kiểm tra tính chính xác về nội dung văn bản, cách hành văn, ngôn ngữ sử dụng trong đề cương, kiểm tra các lỗi câu, lỗi chính tả.