IV. TÍNH PHÁP CHẾ
1. Xây dựng văn bản pháp luật
Điều 12 - Hiến pháp 1992 đặt ra yêu cầu không ngừng tăng cường pháp chế, coi pháp chế là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của Nhà nước và là nguyên tắc là tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Đảm bảo tính thống nhất của pháp chế là pháp luật phải được nhận thức, thực hiện thống nhất trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia và tất cả các ngành. Văn bản của cơ quan Nhà nước ở địa phương phải phù hợp, không mâu thuẫn với các văn bản pháp luật do các cơ quan Nhà nước ở Trung ương ban hành, đây là những điều kiện khách quan của sự phát triển xã hội và những phương tiện do Nhà nước và các tổ chức xã hội tạo ra nhằm đảm bảo cho các chủ thể pháp luật thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp của Nhà nước ổn định chế độ xã hội.
Hiện nay, chúng ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền, việc xây dựng và củng cố nền pháp chế xã hội chủ nghĩa là vấn đề tất yếu. Hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật đất đai nói riêng đã đáp ứng phần nào yêu cầu của xã hội trong thời kỳ đổi mới. Song luật đất đai hiện hành và các văn bản pháp luật cụ thể hoá Luật đất đai còn nhiều quy định chung chung, chồng chéo, tính thực thi chưa cao nên việc áp dụng vào thực tiễn đời sống
còn nhiều hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó việc thi hành pháp luật đất đai chưa đồng bộ, triệt để do các cơ quan chức năng còn thiếu kinh nghiệm, chưa phát huy được vai trò trách nhiệm trong việc triển khai, thực hiện pháp luật và ý thức thực hiện, áp dụng pháp luật của người dân chưa đầy đủ.