Hạn chế trong quy định các biện pháp ngăn chặn

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 97 - 98)

7. Kết cấu luận văn

3.1.3.Hạn chế trong quy định các biện pháp ngăn chặn

+ Quy định các căn cứ áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng, nhất là biện pháp ngăn chặn còn chưa đầy đủ, rõ ràng. BLTTHS mới chỉ quy định cụ thể căn cứ của việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, tạm giữ mà chưa quy định cụ thể căn cứ áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác như bảo lĩnh, cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Thậm chí quy định về căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam, tạm giữ cũng còn chung chung dẫn tới tạo cách hiểu không thống nhất, tạo sự tùy tiện trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn này gây ảnh hưởng tới quyền con người. Căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam quá rộng, điều kiện chưa cụ thể, thậm chí còn mâu thuẫn với các điều luật có liên quan, ví dụ: Điều 79 BLTTHS quy định biện pháp ngăn chặn chỉ được áp dụng khi có một trong những căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử; sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án. Nếu không có một trong những căn cứ đó thì dù bị can, bị cáo phạm tội gì cũng không được bắt tạm giam, đây là điều kiện cần và đủ để thực hiện việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, tuy nhiên tại điểm a khoản 1 điều 88 BLTTHS lại quy định tạm giam có thể được áp dụng đối với “bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng”. Như vậy, quy định của điểm a khoản 1 điều 88 BLTTHS không phù hợp với điều 79 BLTTHS. Bên cạnh đó, các quy định về áp dụng các biện pháp khác ngoài tạm giam như biện pháp ngăn chặn bảo lãnh, đặt tiền hoặc tài sản khác để đảm bảo chưa thật sự đầy đủ trong BLTTHS dẫn tới trong thực tiễn các cơ quan THTT rất hạn chế việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn

này. Thực trạng này đang thực sự đang trái với xu thế chung của thế giới về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong TTHS;

Thực tế đang cho thấy việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam trong quá trình điều tra, truy tố vụ án hình sự của các cơ quan THTT trong những năm qua còn tương đối phổ biến, căn cứ, trình tự áp dụng đôi khi không thống nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc bảo vệ quyền con người trong TTHS mà nguyên nhân của nó do:

+ BLTTHS quy cho người có thẩm quyền khả năng tùy nghi quá cao trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, dễ dẫn đến ảnh hưởng đến quyền con người của người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn. Ví dụ: điều 79, điểm b khoản 1 điều 88, khoản 2 điều 228 BLTTHS quy định biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng khi “có căn cứ chứng tỏ rằng”, “có căn cứ cho rằng”…; còn căn cứ đó cụ thể là gì, căn cứ đó có buộc phải chứng minh không thì không được quy định rõ ràng. Vì thế, trong thực tiễn, các căn cứ đó hoàn toàn được xác định theo đánh giá chủ quan của người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Điều này dễ dẫn đến sự lạm dụng trong áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Khoa học luật TTHS đã chứng minh rằng ngay tên gọi của điều luật đã nói lên bản chất của “Biện pháp ngăn chặn” tức là trước tiên nó chỉ được áp dụng khi có yêu cầu phải ngăn chặn và có căn cứ rõ ràng chứng minh nếu không áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định thì hậu quả “bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử; sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án” sẽ xảy ra. Quy định hiện hành của BLTTHS về biện pháp ngăn chặn, đặc biệt là quy định về căn cứ áp dụng thực sự chưa phù hợp với yêu cầu bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật TTHS.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật tố tụng hình sự việt nam (Trang 97 - 98)