Thành phố Vinh có lực lượng thanh niên đông đảo, với hơn 49.780 đoàn viên thanh niên trong độ tuổi, trong đó hơn 34.520 đoàn viên thanh niên trong tập hợp, chiếm 70%. Cơ cấu tập trung tại 3 khối: trường học chiếm 65.5%; khối phường, xã chiếm 29.5%; khối cơ quan, doanh nghiệp chiếm 5%. Tổng số cơ sở: 79 trong đó, khối phường, xã: 25; Trường học: 18 và khối cơ quan, doanh nghiệp: 36; Thanh niên tôn giáo 1770 người, chiếm 5.4%; nữ thanh niên 16.450 người chiếm 47.6% [10; 1].
Thanh niên thành phố Vinh đa số là tốt, có tinh thần yêu nước, biết giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc và quê hương. Thanh niên ngày càng tin tưởng và tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, tích cực tham gia vào các phong trào và hành động của Đoàn, Hội. Ngày nay thanh niên có trình độ vấn cao, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, năng động sáng tạo, có tầm nhìn rộng và cũng rất nhạy bén với thời cuộc, có khát vọng vươn lên và đưa quê hương đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Điều phấn khởi là đã và đang xuất hiện nhiều tài năng trẻ, nhiều tấm gương trong sản xuất kinh doanh, lập thân, lập nghiệp, trong khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại, trong văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc…
Tuy nhiên bên cạnh đó còn có một bộ phận thanh niên suy giảm niềm tin, thiếu lý tưởng hoài bão, chưa được thử thách về bản lĩnh chính trị, dao động về lập trường, thờ ơ với vận mệnh của đất nước. Một bộ phận thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn có trình độ học vấn còn thấp; nhiều thanh niên thiếu kiến thức, kỹ năng trong lao động và hội nhập quốc tế. Tính độc lập, chủ động, sáng tạo, năng lực thực hành sau đào tạo của thanh niên còn yếu, chưa đáp ứng được
yêu cầu CNH, HĐH. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên, đặc biệt là tệ nạn ma tuý, mại dâm theo chiều hướng gia tăng.
- Thanh niên nông thôn
Thanh niên nông thôn có khoảng 5.000 người, chiếm 10% tổng số thanh niên [10; 21], là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tiềm năng của thanh niên nông thôn rất to lớn, họ là nhân tố tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phát triển sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá. Với lòng nhiệt tình hăng say trong lao động sản xuất, họ luôn mong muốn được Nhà nước cho vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp, giúp đỡ tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, thời gian nông nhàn chiếm tới 2/3 thời gian của thanh niên nông thôn, đây là thời kỳ thanh niên nông thôn thường rời quê để tìm kiếm việc làm ở những nơi xa.
- Thanh niên công nhân, viên chức
Thanh niên công nhân, viên chức trong thành phố có khoảng hơn 4000 người, chiếm 4,5% tổng số thanh niên [10; 21] và gần 70% lực lượng lao động thường xuyên trong các ngành sản xuất và các đơn vị hành chính sự nghiệp. Trước đòi hỏi của thời kỳ CNH, HĐH và thử thách của cơ chế thị trường, thanh niên công nhân, viên chức đã tích cực, tự giác học tập, nâng cao trình độ, nhanh chóng nắm bắt công nghệ mới, kỹ thuật hiện đại, rèn luyện nâng cao tay nghề; là những người đóng vai trò quan trọng trong một số ngành như: Dệt may, tài chính ngân hàng, bưu chính viễn thông, xây dựng…
Ở một số doanh nghiệp, tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thua lỗ kéo dài, công việc không ổn định, đời sống khó khăn, người gánh chịu nặng nề nhất là thanh niên, một số doanh nghiệp có tình trạng làm thêm giờ quá mức qui định, điều kiện lao động căng thẳng, thu nhập không tương xứng.
Nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên công nhân, viên chức phong phú, đa dạng. Trong đó, nổi bật là mong muốn có việc làm và thu nhập đảm bảo, tiếp đó là các nhu cầu đối xử công bằng, muốn có điều kiện để tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, được tham gia các hoạt động văn hóa - thể thao.
- Thanh niên các lực lượng vũ trang
Thanh niên trong các lực lượng vũ trang của thành phố có 1020 người (bao gồm công an, quân đội) [10; 21], chiếm tỷ lệ cao trong tổng số cán bộ chiến sỹ toàn lực lượng. Thanh niên trong các lực lượng vũ trang có nhận thức đúng đắn về nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, sống năng động và thực tế hơn, mong muốn được tạo điều kiện để học thêm văn hoá, hoặc nghề trong thời gian tại ngũ để vừa có thể hoàn thành nhiệm vụ trước mắt, vừa có kiến thức, nghề nghiệp cần thiết cho việc lập thân, lập nghiệp sau này khi hoàn thành nghĩa vụ trở về.
- Thanh niên học sinh, sinh viên
Thanh niên học sinh, sinh viên thành phố Vinh có 22650 người, chiếm 45,5% tổng số thanh niên toàn thành phố [10; 21], học tập trong các trường có cơ sở Đoàn trực thuộc Thành đoàn, bao gồm: 11 trường trung học phổ thông, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, 1 trường đại học, 2 trường cao đẳng, 4 trường trung học chuyên nghiệp dạy nghề.
Học sinh, sinh viên quan tâm nhiều đến vấn đề thời cuộc, tính tích cực xã hội của học sinh, sinh viên được nâng cao, các hoạt động chính trị - xã hội của học sinh, sinh viên được xã hội đánh giá rất cao. Hàng năm có trên 75% học sinh trung học phổ thông được xếp loại đạo đức khá, tốt, khoảng 62% thi đỗ đại học, cao đẳng; đội tuyển học sinh giỏi đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp.
Tuy nhiên, vấn đề tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống của học sinh, sinh viên còn nhiều điều đáng quan tâm. Một bộ phận học sinh, sinh viên thờ ơ
không quan tâm tới các vấn đề chính trị - xã hội, ngại tham gia các hoạt động đoàn thể, các hoạt động xã hội.
- Thanh niên trí thức
Trí thức trẻ chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số thanh niên thành phố Vinh, tập trung ở một số trường đại học, cao đẳng, chuyên nghiệp dạy nghề, giáo viên các trường trung học phổ thông, một số ít trong các cơ quan quản lý nhà nước cấp Thành phố, phường xã và trong các doanh nghiệp.
Trí thức trẻ hiện nay năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với công việc chuyên môn và thực tiễn xã hội, có đầu óc thực tế hơn trong cuộc sống. Vinh là nơi có truyền thống hiếu học, song qua khảo sát có tới 60% số sinh viên tốt nghiệp đại học khó có điều kiện được nhận công tác ở quê hương. Tuy đa số tin tưởng và phấn khởi trước những thành tựu bước đầu của công cuộc đổi mới, song còn nhiều băn khoăn đối với nạn hối lộ, tham nhũng, sa sút về lối sống, đạo lý. Tâm trạng chung của trí thức trẻ là thiết tha mong muốn được tin dùng và đối xử công bằng, được tạo môi trường thuận lợi để phát huy tài năng, mong muốn được đánh giá công bằng, công khai, dân chủ, để không lẫn lộn giữa người có thực tài với kẻ cơ hội.
- Thanh niên tôn giáo
Thanh niên công giáo chiếm tỷ lệ 5,4%, có 1770 người, trong đó đoàn viên là 720 [10; 21]. Thanh niên công giáo cơ bản là tốt, đa số ủng hộ công cuộc đổi mới, mong muốn ổn định xã hội, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; biết phân biệt đúng sai, không tán thành các hoạt động lợi dụng tôn giáo; tin tưởng và chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, học tập rèn luyện; thích các hoạt động xã hội, sinh hoạt cộng đồng, trọng đức tin.
Tuy vậy, thanh niên công giáo chịu ảnh hưởng lớn vào truyền thống tín ngưỡng của gia đình, giáo lý và các chức sắc tôn giáo. Vì vậy, thanh niên công
giáo ngại vào Đoàn, sợ vào Đoàn thì mất Đạo; trình độ văn hoá hạn chế, chủ yếu mới học hết phổ thông trung học, số ít học hết tiểu học. Một bộ phận còn mặc cảm, bị ảnh hưởng của các luận điệu tuyên truyền của một số phần tử lợi dụng tôn giáo; các hội đoàn tôn giáo phục hồi và phát triển đang tập hợp thu hút một số lượng không ít thanh niên.
- Thanh niên đô thị
Thanh niên đô thị thành phố Vinh có hơn 10.000 người, chiếm 20% tổng số thanh niên toàn thành phố, tập trung ở 16 phường [10; 21]. Đây là đối tượng đặc thù, rất đa dạng và phức tạp, không thuần nhất về thành phần xuất thân, trình độ học vấn, hoàn cảnh gia đình, việc làm, nghề nghiệp, dẫn đến sự khác biệt về nhận thức chính trị, ý thức cộng đồng, nhu cầu, nguyện vọng. Thanh niên đô thị biến động thường xuyên về số lượng, mặc dù cuộc sống cá nhân còn nhiều khó khăn, việc làm chưa có hoặc chưa ổn định, nhưng hầu hết tin tưởng vào công cuộc đổi mới, quan tâm đến tình hình kinh tế, chính trị, quan tâm đến việc học tập nâng cao tri thức để có thể tìm kiếm việc làm và nâng cao nhận thức về mọi mặt.
Việc làm và nghề nghiệp vẫn là vấn đề bức xúc nhất của thanh niên đô thị thành phố Vinh. Công tác tập hợp đoàn kết thanh niên khu vực đô thị đang gặp nhiều khó khăn. Số thanh niên tham gia thường xuyên các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội chỉ chiếm 45%, chủ yếu là số Đoàn viên, thanh niên tích cực, có việc làm tương đối ổn định hoặc gia đình có điều kiện. Các tệ nạn xã hội trong thanh niên cũng là vấn đề nổi cộm hiện nay.
- Nữ thanh niên
Nữ thanh niên có 16.450 người chiếm 47.6% tổng số thanh niên [10; 21], trên 50% tổng số lao động xã hội, là lực lượng đã và đang có những đóng góp to lớn cho công cuộc đổi mới nói chung và công tác Đoàn, phong trào thanh niên nói riêng. Nữ thanh niên ngày nay có nhiều cơ hội tiếp cận với những thành quả
của nhân loại, thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại. Các vấn đề bình đẳng giới, nam nữ bình quyền đã và đang được thực hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống. Tỷ lệ nữ thanh niên tốt nghiệp trung học phổ thông, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tăng đáng kể. Trình độ kiến thức, năng lực của nữ thanh niên được nâng cao hơn so với trước đây. Nét đẹp của nữ thanh niên ngày nay là có nhiều ước vọng lành mạnh, sống có lý tưởng, mục đích, có văn hoá, và có ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Tuy nhiên, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn cũng như nghề nghiệp của nữ thanh niên còn thấp, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Nữ thanh niên chưa được trang bị kiến thức về giới, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, xây dựng hạnh phúc gia đình. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở nữ thanh niên còn cao, nữ thanh niên ở các vùng nông thôn không chỉ thiếu việc làm mà thu nhập rất thấp. Một bộ phận nữ thanh niên ý thức chính trị còn non kém, sống thụ động, ngại tham gia các hoạt động chính trị xã hội, nhất là khi đã xây dựng gia đình nhiều nữ thanh niên đã bỏ luôn cả sinh hoạt đoàn thể. Một số dễ bị lôi kéo, lợi dụng vào các tệ nạn xã hội, bị ảnh hưởng của lối sống thực dụng, thích hưởng thụ, quan điểm thiếu đúng đắn về tình yêu, hôn nhân.