Bối cảnh báo chí Việt Nam trước khi Nam Phong tạp chí ra đời

Một phần của tài liệu Khảo sát sự tiếp nhận văn học pháp trên nam phong tạp chí (Trang 31 - 37)

1. Chương Nam Phong tạp chí với những bước thăng trầm của lịch

2.1.1. Bối cảnh báo chí Việt Nam trước khi Nam Phong tạp chí ra đời

Mầm mống báo chí đã có ở nước ta từ lâu, thể hiện dưới nhiều hình thức hết sức đa dạng, phong phú. Đó là những câu vè lưu truyền trong

dân gian, những lời rao của mõ làng, những cuộc “giảng thập điều” trong trong sinh hoạt làng xã… cho đến những hình thức “thông tin

chính thức” của nhà nước phong kiến bằng cách yết bảng văn ở Quảng

Văn Đình thời Lê Thánh Tông hay Quảng Minh Đình thời Nguyễn Gia Long…

Nói về nguồn gốc báo chí, trong bài Nước ta xưa có được tự do

ngôn luận không? đăng trên tạp chí Tri Tân, số 206 (04/ 10/ 1945), Ứng

Hòe Nguyễn văn Tố cho biết:

“Khâm định Việt sử (quyển 14, tờ 15a) chép lại rằng: “Nguyên trước, những chiếu, lệnh của nhà vua, lâm thời bộ đem yết bảng, đến năm Tân Hợi (1491), vua Lê Thánh Tông cho dựng một cái đình ở ngoài cửa Đại Hưng (tức cửa Nam thành Thăng Long) để làm nơi niêm yết những phép tắc trị dân, đặt tên là Quảng Văn Đình… Ba chữ “Quảng Văn Đình” nghĩa là một cơ sở để thu nhặt giấy tờ ở các nơi. Đến đời Gia Long (1802 – 1819), làm đình ở phường Nam Hưng (tức Cửa Nam bây giờ), trên có đặt tên là Quảng Minh Đình… cũng để dán những huấn lệnh của nhà vua. Cạnh đó có hai tòa nhà ngói ở cửa Đông Nam gọi là Hiệp Nghị đường (Nhà để họp bàn), phàm dân gian có việc gì uất ức, cho đến bày tỏ, cho nên các đình, ở mé ngoài miếu thờ Thành Hoàng vừa là nơi để tụ họp khi tế lễ, lúc hương ẩm, vừa để dán những huấn lệnh của nhà vua, cứ ngày Một và Rằm các huynh thứ trong làng ra đọc

những huấn lệnh và giảng nghĩa cho dân gian nghe, thường gọi là giảng thập điều”.

Như vậy cái đình tức là báo chí, có định lệ mồng Một và Rằm tức là nhật báo hoặc tuần báo…Báo chí tức là những tờ huấn lệnh dán ở đình làng tựa như tờ Acta diurna của người La Mã đời xưa”.

Cách cắt nghĩa độc đáo trên của Ứng Hòe cho ta ý niệm về một

“hình thức báo chí” trong xã hội Việt Nam cổ truyền. Tuy nhiên, theo

đúng nghĩa hiện đại, báo chí Việt Nam chỉ thực sự xuất hiện cùng với sự thiết lập chế độ thuộc địa của Thực dân Pháp trên đất nước ta.

Báo chí ở Việt Nam ra đời đầu tiên và trước hết là nhằm phục vụ cho mưu đồ xâm lăng và thống trị của thực dân Pháp về nhiều phương diện, đặc biệt là phương diện chính trị và văn hóa. Ngay từ khi chiếm được Nam Kỳ, vào năm 1861, thực dân Pháp đã cho xuất bản tờ công báo đầu tiên phục vụ cho công cuộc viễn chính của chúng ở xứ này. Đó là tờ

Bulletin officiel de l'Expédition de la Cochinchine (Kỷ yếu công vụ cuộc

viễn chinh xứ Nam Kỳ) mà nội dung của nó là những nghị định, công văn, đạo luật, các chỉ thị, các bài diễn văn… phát ra từ soái phủ Nam Kỳ. Tờ báo được lưu hành và sử dụng như một phương tiện thông tin và thống nhất chỉ đạo cho cuộc đánh chiếm và cai trị của Pháp ở Nam Kỳ. Nó đặt nền móng cho các tờ công báo chính thức về sau này của chính quyền thực dân.

Cùng với tiến trình đánh chiếm và áp đặt chế độ cai trị của thực dân Pháp lên các vùng đất của Việt Nam, hàng loạt tờ báo, tạp chí bằng tiếng

Pháp của chính quyền thực dân đã nối tiếp nhau ra đời: Le Courrier de

Saigon (Tin Sài Gòn) ấn hành số đầu tiên vào ngày 01/ 01/ 1864, đến

năm 1879 đổi thành Journal Officiel la Cochinchine (Công báo xứ Nam Kỳ), và cuối cùng, năm 1889, mang tên Journal Officiel de l'Indochine (Công báo Đông Dương); những bản Niên giám (An nuaire) được xuất bản hàng năm, từ năm 1865; Bulletin Officiel du protectorat de l'Annam et

du Tonkin (Kỷ yếu công vụ của nền bảo hộ xứ Trung và Bắc kỳ) ấn hành

vào năm 1883, đến năm 1886 đổi thành Moniteur du Protectorat de

l'Annam et du Tonkin; L'Avenir du Tonkin (Tương lai xứ Bắc Kỳ ­

1884); Bulletin du comité agricole et industriel de la Cochinchine (Kỷ yếu của Ủy ban canh nông và kỹ nghệ xứ Nam Kỳ ­ 1869 – 1881); Bulletin

de la Societé Etudes Indochinoise (Kỷ yếu của Hội nghiên cứu Đông

Dương – 1883); Revue Indochinoise (Tạp chí Đông Dương – 1892)…

Ở Nam Kỳ (chủ yếu tập trung ở Sài Gòn) có các tờ báo sau đây:

Independance de Saigon (Sài Gòn độc lập – 1870), L'Ere nouvelle (Nhật

tân báo – 1879), Journal de Saigon (Nhật báo Sài Gòn – 1880), Le

Mékong (Mê Kông – 1883), Le Saigonais (Người Sài Gòn – 1883), L'Indochine (Đông Dương – 1884), Unité Indochinoise (Đông Dương

thống nhất – 1884), La Trompette (Kèn đồng – 1884), L'Extrême

Orent (Viễn Đông – 1887), L'Independant (Tự lập – 1888), Le Courier Saigonais (Tin Sài Gòn – 1889), Saigon Respublicain (Sài Gòn cộng

hòa – 1888), Petites affiches (Rao vặt – 1888), Le Cochinchinois (Dân Nam Kỳ ­ 1888), Le progres de Saigon (Sài Gòn tiến bộ ­ 1889), …

Ở Bắc Kỳ, dòng báo chữ Pháp có phần ít ỏi hơn. Cuối thế kỷ

XIX, ngoài tờ báo L'Avernir du Tonkin (Tương lai xứ Bắc Kỳ) còn có các tờ Le Courier d'Haiphong (Tin tức Hải Phòng ­ 1886),

L'Indépendance Tonkinoise (Xứ Bắc Kỳ tự lập ­ 1889), L'escho du Tonkin (Tiếng vang Bắc Kỳ ­ 1896), Le France d'Asie (Pháp – Á,

1893), Le gazette d'Haiphong (Báo Hải Phòng, 1895)…

Có một thực tế là từ năm 1861, sau sự ra đời của tờ báo Bulletin

officiel de l'Expédition de la Cochinchine (Kỷ yếu công vụ cuộc viễn

chinh xứ Nam Kỳ) tuy hàng loạt tờ báo bằng tiếng Pháp đã xuất hiện trên khắp cõi Việt Nam với số lượng khá lớn nhưng chủ yếu chúng chỉ dành cho độc giả Pháp, chủ yếu là giới quân sự và dân sự trong bộ máy chính quyền thuộc địa mà rất ít người Việt sử dụng được.

Như đã nói ở trên, báo chí ở Việt Nam ra đời trước hết là nhằm phục vụ cho mưu đồ xâm lăng và thống trị của thực dân Pháp. Sau Hòa ước 1862, về cơ bản thực dân Pháp đã hoàn tất việc xâm chiếm và thiết lập chế độ cai trị ở ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Nhận thấy đã đến lúc cần phải truyền bá học thuật và tư tưởng văn hóa Pháp vào Việt nam, nhất là tạo cho việc đưa chữ Quốc Ngữ vào quĩ đạo xâm lăng văn hóa, đánh bại chữ Nho và văn hóa phương Đông, đầu năm 1865 Soái phủ Nam Kỳ đã

quyết định cho xuất bản tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở nước ta, tờ Gia Định

báo. Có thể nói đây là tờ báo mở đầu cho nền báo chí Việt Nam.

Nhận thức được sức mạnh lớn lao của công cụ báo chí trong tiến trình xâm lăng, đô hộ và đồng hóa, nhưng đồng thời thực dân Pháp cũng ý thức một cách sâu sắc “tác hại” ghê gớm của nó đối với an nguy của nền đô hộ của chúng ở Việt Nam. Vì vậy mà trong suốt hơn 80 năm cai trị, thực dân Pháp đã thực hiện một chế độ báo chí hết sức khắt khe và không đồng nhất ở cả ba kỳ trên đất nước ta. Ngay cả ở Nam Kỳ, sau các hiệp ước Harmand (1883) và Patenôtre (1884) đã thực sự trở thành xứ thuộc địa trực trị của Pháp ở Đông Dương, lẽ ra phải được hưởng những

điều khoản của Luật thừa nhận tự do báo chí ngày 29 tháng 7 năm 1881 (

Loi du 29 Juiller 1881, sur la liberté de la presse) của Pháp, nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Về phạm vi điều chỉnh, điều 10, đạo luật nói trên cho phép áp dụng tại chính quốc cũng như tại Algérie và các xứ thuộc địa khác. Về đối tượng áp dụng, các điều 5, 6, 7 của đạo luật này quy định: dù báo chí xuất bản bằng tiếng Pháp hay tiếng bản xứ đều tự do, muốn ra báo không cần phải có một điều kiện nào ngoài việc viên quản lý phải có quốc tịch Pháp, đã là thành viên và có đăng ký thủ tục với Sở Biện lý. Tuy nhiên sớm nhận thấy chỗ “sơ hở chết người” này, một mặt, thực dân Pháp vẫn cho phép báo chí bằng tiếng Pháp được tự do xuất bản, mặt khác, chúng ban hành sắc lệnh ngày 30 tháng 12 năm 1898, buộc tất cả các báo tiếng Việt, chữ Hán và các tiếng khác phải có giấy

phép trước khi xuất bản. Tất nhiên là đối với Trung Kỳ và Bắc Kỳ thì việc xuất bản báo chí lại càng phức tạp và gắt gao hơn. Và một điều mỉa mai là hầu như đa số các tờ báo tiếng Việt, lúc đầu đều do người Pháp

đứng tên: Gia Định báo (1865) với E. Poteau, Đồng Văn nhật báo (1893) với F. H. Schneider, Nông Cổ Mín Đàm (1901) với Cavanaggio…

Do chính sách báo chí bất bình đẳng cùng với chế độ kiểm duyệt gắt

gao như vậy nên từ năm 1865, kể từ thời điểm Gia Định Báo ra đời, cho

đến đầu thế kỷ XX (năm 1900), thời gian ngót ngét gần nửa thế kỷ nhưng ở Việt Nam chỉ lác đác dăm bảy tờ báo lớn nhỏ, kể cả viết bằng chữ Hán:

Gia Định báo (1865), Phan Yên báo (1868), Nhựt Trình Nam Kỳ (1883), Thông loại Khóa Trình (1888), Đại Nam Đồng Văn nhật báo

(1893)…trong số này, có những tờ phải sớm đình bản vì có hơi hướng

yêu nước như trường hợp Phan Yên báo chẳng hạn. Sang đến đầu thế kỷ

XX, do áp lực của phong trào yêu nước ngày một phát triển, đặc biệt là

các phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, cùng với

tình hình thế giới có nhiều biến động, thực dân Pháp có nới lỏng chính sách báo chí đôi chút. Chính điều này đã tạo điều kiện cho nhiều tờ báo ra đời, góp phần vào sự phát triển của báo chí Việt Nam cũng như sự phát triển của chữ quốc ngữ và văn học. Tính từ thời điểm đầu thế kỷ XX

đến năm 1917, khi Nam Phong tạp chí ra đời, số lượng các tờ báo bằng

tiếng Việt so với giai đoạn trước đó đã có sự gia tăng đáng kể. Chỉ trong 17 năm, số lượng các tờ báo đã gấp ba lần so với nửa thế kỷ trước đó. Với sự ra đời nhanh chóng như vậy trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của văn hóa và xã hội nước nhà, có thể nói báo chí trong thời kỳ này đã đóng vai

trò “bà đỡ mát tay” cho sự sinh thành, phát triển của văn học quốc ngữ

và đã góp phần hình thành nên đời sống văn học hiện đại. Phạm Thế Ngũ

trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, khi nghiên cứu về văn học giai đoạn 1907 – 1932, đã coi “vai trò tiên phong của báo chí” là một trong năm “yếu tính” của văn học. Thanh Lãng trong Bảng lược đồ văn

học Việt Nam cũng đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của báo chí

khi nói đến “văn học thế hệ 1913” và dành hẳn một chương cho Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh với hai tờ Đông Dương tạp chí và

Nam Phong tạp chí, hai nhà văn – nhà báo và hai tờ báo theo ông là tiêu

biểu đương thời. Bùi Đức Tịnh trong Những bước đầu của báo chí, tiểu

thuyết và thơ mới, Bằng Giang trong Văn học Quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930 cũng cho báo chí là một “bộ môn tiên phong của nền văn học mới”

Tuy nhiên, khảo sát chung các tờ báo ra đời trong giai đoạn từ

năm 1900 đến năm 1917, trừ Đông Dương tạp chí và Trung Bắc tân văn,

ta thấy chúng vẫn còn nhiều hạn chế so với báo chí phương Tây cả về ngôn ngữ, nội dung, đề tài, phạm vi phản ánh. Hầu hết các báo đều ở dạng sơ khai, chưa thật đúng với nghĩa một tờ báo hiện đại. Sở dĩ có hiện tượng trên là do sự chi phối của những nguyên nhân mà nhà chí sỹ Huỳnh Thúc

Kháng đã phân tích khá khái quát trên tờ Tiếng Dân do ông làm chủ bút:

- Thiếu tài liệu cho Bộ biên tập làm việc: Tài liệu là yếu tố quan trọng cho bất cứ tờ báo nào. Muốn viết bài xã luận hay một bài báo đều cần nhiều tài liệu. Riêng tờ Tiếng Dân thì tài liệu thiếu thốn quá nhiều. - Đường giao thông khó khăn: Muốn được độc giả chú ý, tờ báo cần có tin tức hằng ngày. Phương tiện giao thông ở xứ ta còn yếu kém, muốn đi từ Nam ra Bắc, phải tốn 5, 7 ngày, vùng thôn quê, vùng sơn cước lại là nơi khó tới lui. Như vậy làm sao thu thập tin tức?

- Nạn mù chữ: Báo sống nhờ độc giả. Ở Trung Kỳ, ngoại trừ thành thị, chỉ có 10 phần trăm dân chúng ở thôn quê biết đọc. Bởi vậy người ta đọc báo rất ít.

- Sự yếu kém về kỹ nghệ và thương mại: Báo phát triển mạnh khi giới doanh thương chú ý đến nó. Giới doanh thương cần quảng cáo hàng hóa trên báo và họ cần giúp đỡ cho tờ báo được sống. Ở xứ ta, thương mại và kỹ nghệ hầu như không có vậy thì tờ báo làm sao

đứng vững lâu dài nếu thiếu người chịu đăng quảng cáo.

- Hiện tượng tâm lý: Ở những nước tiên tiến, báo chí được phồn thịnh nhờ tất cả mọi người đọc báo, từ kẻ doanh nghiệp đến người lao động, từ văn sỹ đến chính trị gia. Báo chí nhờ đó mà trở thành một lực lượng đáng kể. Nhưng ở xứ ta, thấy ít nói đến báo chí và thích đọc báo. Không được dư luận công chúng biết đến thì báo khó mà sống dai được

Nhưng Huỳnh thúc Kháng cũng chỉ mới phân tích đến những nguyên nhân kinh tế, xã hội mà chưa đề cập đến một nguyên nhân hết sức quan trọng, kìm hãm sự phát triển của báo chí trong giai đoạn này đó là chính sách báo chí hà khắc cùng với một chế độ kiểm duyệt vô cùng gắt gao của thực dân Pháp. Tất cả những nguyên nhân trên đã kìm hãm sự phát triển của báo chí Việt Nam trong thời kỳ này.

Tóm lại, cho đến đầu thế kỷ XX báo chí vẫn là một cái gì đó chưa được biết đến một cách rộng rãi trong đời sống Việt Nam. Do ảnh hưởng của phong trào yêu nước cùng với nhiệt tình, tâm huyết của những nhà trí thức nặng lòng với dân tộc, báo chí Việt Nam từ sau năm

1900 trở đi đã có phần khởi sắc nhưng phải đợi đến khi Đông Dương tạp

chí (1913) và Trung Bắc tân văn (1915) ra đời thì báo chí Việt Nam mới

bước sang một kỷ nguyên mới. Và đến năm 1917, với sự ra đời của Nam

Phong tạp chí thì báo chí Việt Nam mới thực sự trưởng thành vượt bậc.

Một phần của tài liệu Khảo sát sự tiếp nhận văn học pháp trên nam phong tạp chí (Trang 31 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)