Hiện thực xã hội Miền Nam và những hoài niệm về Miền Bắc

Một phần của tài liệu Đặc điểm hồi ký vũ bằng nhìn từ góc độ thể loại (qua hai tác phẩm cai và bốn mươi năm nói láo) (Trang 47 - 51)

6. Cấu trúc của luận văn

2.1.2. Hiện thực xã hội Miền Nam và những hoài niệm về Miền Bắc

Bốn mươi năm nói láo cho chúng ta chứng kiến từng thước phim về lịch

sử báo chí trong khoảng hơn nửa đầu thế kỷ XX. Toàn tác phẩm là sự miêu tả khách quan, sinh động và không kém phần ly kỳ những chuyện hậu trường của đời sống báo chí lúc đó. Với lối diễn tả giản dị, trào lộng, Vũ Bằng đã phác họa sinh động các cây viết rạng danh một thời, làm nên diện mạo lịch sử văn học và báo chí như Hoàng Tích Chu, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Tô Hoài…

Trải dài hơn ba trăm trang sách, giọng điệu chủ đạo được toát lên là sự suy tư và hồi tưởng của Vũ Bằng về những gì đã qua. Ông tự soi lại mình và xã hội một cách nghiêm cẩn để đi từ sự lầm lạc trong suy nghĩ đến sự thức tỉnh trong nhận thức nghề nghiệp và vai trò của mình trong xã hội. Tác phẩm giúp tác giả và người làm báo cùng thời nhận ra rằng người đời nói làm báo là “nói láo ăn tiền” mặc họ. Người làm báo chân chính không thể và không bao giờ quan niệm nghề nghiệp của mình như vậy. Hơn ai hết, là người trong cuộc

họ hiểu báo chí là những phản ánh sinh động nhất, sát đúng nhất tinh thần một chế độ xã hội.

Ấn tượng Bốn mươi năm nói láo thể hiện ngay từ tiêu đề. Ngôn ngữ bình dị, dân dã ẩn trong đó có phần chua xót, chút tự trào ngông với đời nhưng cũng đầy suy tư và chiêm nghiệm về sự việc, cuộc đời, xã hội. Vũ Bằng kết hợp văn hóa với báo chí để tạo ra phong cách, hơi thở riêng cho tác phẩm của mình. Vũ Bằng bước vào nghề báo từ rất sớm. Năm mười sáu tuổi ông làm thư ký cho tòa soạn. Vì yêu nghề, đam mê, ông từ bỏ giấc mộng từng ấp ủ của người mẹ là cho ông du học nghề y ở Pháp. Sinh ra, lớn lên trong một gia đình làm nghề xuất bản ở Hà Nội, mẹ là chủ một hiệu sách lớn, Vũ Bằng sớm có cơ hội tiếp xúc với sách, báo và nuôi mộng trở thành một nhà báo. Tác động không nhỏ đối với Vũ Bằng lúc đó là nền báo chí nước nhà đang trên đà phát triển, trở thành nghề “hot”, nghề lý tưởng với nhiều người trẻ thời ấy. Khác bậc “đàn anh” trước, Vũ Bằng bước vào nghề với tất cả đam mê đến sôi sục và tham gia hầu như các mục báo, viết tất cả các chuyên mục. Ông đảm nhận nhiều công việc, từ chủ bút, thư ký tòa soạn, biên tập đến đi nhà in, cộng tác viên… với An Nam tạp chí, Đông Tây, Rạng Đông, Nhật Tân, Hữu Thanh,

Trung Bắc tân văn, Công dân, Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Trung Việt tân văn, Trung Bắc Chủ Nhật, Vịt đực, Rạng tương lai…

Khi chủ trương thành lập báo Vịt đực – tờ báo trào phúng đầu tiên của

Việt Nam, Vũ Bằng trở thành người hùng trong mắt bạn trẻ. Nội dung tờ báo là dùng tiếng cười để chế giễu, đả kích các loại quan to, quan nhỏ của chính quyền Nam Triều và chính phủ bảo hộ, với phương châm: “Đã không chửi thì thôi, đã chửi thì đối phương khôn nhất là im đi… Chúng tôi quyết chửi trường kỳ, chửi hàng tháng, hàng năm, theo kiểu Ba Giai – Tú Xuất, kỳ cho đến khi nào chán và hết vấn đề để chửi mới thôi”[4, tr.126]. Báo Vịt đực còn máy

móc, bóng gió chỉ trích, châm biếm thống sứ Pháp và Bảo Đại: “Đả kích thực dân và quan lại quen quá mất rồi, chúng tôi nhất định làm một cú thực trì:

Pháo kích vua Bảo Đại lúc đó bị gãy chân vì một vụ mèo chuột sì sằng gì đó. Dưới một cái tít lớn, chạy dài trên trang nhất “Thánh túc vi hòa, vạn tuế thánh túc”, chúng tôi giễu nhà vua luôn cả một tuần, trong đủ các mục và có bài đã thành vè truyền khẩu trong dân chúng:

Trên trời có ông sao tua,

Ở dưới hạ giới có vua thụt hầm”[4, tr.133]

Tung hoành đủ các mặt của đời sống xã hội Bắc Kỳ, tờ báo Vịt đực

phải tự đóng cửa sau năm mươi hai số đả kích không thiếu mặt nào trong xã hội Bắc Kỳ, làm cho nhiều người thích thú nhưng cũng gây ra không biết bao nhiêu kẻ thù lúc nào cũng vái trời vái phật cho Tây đóng cửa Vịt đực sớm

ngày nào hay ngày ấy”[4, tr.134].

Sau khi Vịt đực đóng cửa, Vũ Bằng về với Vũ Đình Long cùng trông nom ba tờ báo cho Tân Dân là: Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Truyền bá. Thực sự tài năng và đam mê mới làm được như vậy. Trong

thời gian này, tác giả còn nâng đỡ nhiều nhà văn, nhà báo cùng thời nổi danh như Nam Cao, Tô Hoài. Nhờ Vũ Bằng, tất cả những tác phẩm mà Nam Cao viết ra đều được đăng liên tục và bút danh Nam Cao ngày càng nổi tiếng. Tác giả cho biết: “May mắn làm sao tôi lại được đọc một truyện của Nam Cao và ngay mấy câu đầu tôi đã thích thú vì lối hành văn với những câu kệch cỡm, nghịch ngợm, có khi dớ dẩn nhưng đậm đà có duyên. Truyện ấy bây giờ tôi quên mất nhan đề rồi - đăng lên Tiểu thuyết thứ bảy được độc giả để ý liền.

Tôi lại lục tập báo cũ tìm nữa, thấy hai truyện khác đăng luôn và nhắn Nam Cao trong mục thư tín viết tiếp gửi về. Đến truyện thứ năm, thứ sáu thì Nam Cao được các anh em văn nghệ bàn tán rất nhiều và cho là trong loại văn nghệ sỹ mới lên, Nam Cao viết “được” lắm, và người ta bắt đầu hỏi Nam Cao là bút hiệu của anh nào vậy”[4, tr.158].

Tô Hoài cũng nhờ Vũ Bằng đăng những tác phẩm lên Tiểu thuyết thứ bảy và sau khi Dế mèn phiêu lưu ký đăng trên Truyền bá khiến tên tuổi Tô

Hoài trở nên nổi tiếng. Khi làm ở Truyền bá, Phổ thông, Ích hữu, ông đã tập

hợp các anh em nổi tiếng trên văn đàn, nhờ cái nôi của báo chí mà nhiều người khẳng định được tên tuổi của mình. Vũ Bằng nhớ lại: “…Trong lúc làm ba tờ báo nói trên, tôi còn có cái may là tìm được nhiều bạn mới, trong số đó nhiều anh hiện giờ nổi tiếng như Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Tất Thứ, Nguyễn Văn Nhân, Lý Văn Sâm, Phan Du, Bùi Hiển, Kim Lân, Nguyễn Văn Xuân, Lê Công Thành, Lâm Mỹ Hoàng Ba, Nguyễn Duy Diến, Văn Thu, nữ sỹ Ngân Giang, Trần Thanh Địch…”[4, tr.167].

Trong suốt bốn mươi năm làm báo, nhân cách người cầm bút luôn là nỗi day dứt đời ông. Vũ Bằng lo lắng cho sự tồn tại của các tờ báo dưới chế độ của Ngô Đình Diệm. Ông viết: “Riêng tôi thấy rằng làm báo ở dưới một chính thể độc tài độc đoán, thì dù muốn xoay xở thế nào, bịp bợm thế nào cũng vẫn không thể thoát khỏi được ra ngoài quỹ đạo của chế độ và cuối cùng tác giả cũng biết ai ngay, ai gian. Báo nào mới ra đời cũng la thét ghê gớm lắm: nào dám nói, dám làm, dám chửi; nào phục vụ nhân dân, đứng về phía đối lập, đòi công bằng xã hội, tranh đấu cho đồng bào có cơm no áo ấm; nào quét sạch thối tha, nhơ bẩn, dám làm, dám chết… nhưng rút cục trong một chính thể độc tài, nô lệ, dân chủ ngụy tạo như chính thể nhà Ngô, chẳng có một tờ báo nào thoát khỏi ra được quỹ đạo của chế độ Ngô Đình Diệm”[4, tr.295].

Tuy sống trong chế độ bị áp bức nhưng tinh thần người làm báo trong Vũ Bằng vẫn kiên định nhận thức rõ ràng về làm báo chân chính, day dứt trước thời cuộc không như một số khác kiếm sống bằng nghề viết lách. Ông khẳng định làm báo đó là làm một cái gì “nghiêm trang cao quý” và “có tính năng tranh đấu xây dựng, mà người làm báo phải tha thiết với tự do, dân tộc, kinh qua những nghịch cảnh, thăng trầm để chống lại độc tài, độc đoán dưới mọi hình thức quan lại, phong kiến hay dân chủ giả tạo”[4, tr.39].

Những trải nghiệm vinh – nhục, được – mất gắn bó với nghề làm báo từ thời niên thiếu của Vũ Bằng, tác giả từng múa bút tung hoành trên các mặt

báo khắp trong Nam ngoài Bắc được thể hiện thật chân thực và sinh động. Sự say mê cuồng nhiệt, vì “nghiệp”, tuy bị nhiều tai tiếng nhưng ông không ân hận. Khép lại Bốn mươi năm nói láo ông viết như một lời nguyền: “người mẹ sinh ra con lại chẳng muốn con sau này ăn nên làm ra, có vai có vế. Nhưng mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với mẹ: nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo!”[4, tr.385].

Một phần của tài liệu Đặc điểm hồi ký vũ bằng nhìn từ góc độ thể loại (qua hai tác phẩm cai và bốn mươi năm nói láo) (Trang 47 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)