1.1.7.1. Tình hình ứng dụng công nghệ CAD/CAM – CNC trong các công ty.
Mặc dù hiện nay việc ứng dụng công nghệ CAD/CAM – CNC trong thiết kế và chế tạo sản phẩm công nghiệp ngày càng phổ biến ở nước ta, và với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, hệ thống CAD/CAM tích hợp phát triển rất nhanh chóng. Nhưng tại các công ty, các nhà máy của nước ta thì công nghệ CAD/CAM – CNC còn khá mới mẻ và việc đi sâu ứng dụng còn nhiều bất cập do nhu cầu về phần mềm và trang thiết bị. Tuy nhiên để có nền công nghiệp cơ khí phát triển thì việc sử dụng và phát triển công nghệ CAD/CAM – CNC là không thể thiếu.
CAD/CAM –CNC xuất hiện tại Việt Nam thông qua các phần mềm mua được từ nước ngoài để học tập, nghiên cứu và ứng dụng. Hiện nay chúng ta cũng đang cố gắng để tự xây dựng nên các phần mềm CAD/CAM của riêng mình, và một số trường đại học, học viện nghiên cứu, các công ty... cũng đang cố gắng để thực hiện dự án này.
Trong các công ty nước ngoài tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ CAD/CAM - CNC vào sản xuất rất phổ biến. Đối với các công ty chuyên nghiệp về thiết kế sản phẩm cơ khí và sản phẩm nhựa, việc thiết kế và mô phỏng trên các phần mềm chuyên dụng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả sản xuất. Chủng loại sản phẩm của công ty quyết định sự lựa chọn những phần mềm thích hợp cho việc thiết kế và sản xuất sản phẩm đó. Ví dụ: các công ty chuyên thiết kế vỏ bề mặt thường sử dụng phần mềm Catia hoặc Uni Graphic – UG NX; các công ty chuyên thiết kế khuôn thường sử dụng phần mềm CADmeister. Với quá trình chạy gia công CAM, tuỳ thuộc vào tình hình sản xuất và công nghệ để lựa chọn các phần mềm CAD/CAM tích hợp hoặc các phần mềm CAM chuyên dụng sao cho tương hỗ một
cách tối đa nhất với phần mềm thiết kế và loại máy CNC mà nhà máy đang sử dụng. Trong lĩnh vực CAE, các phần mềm được sử dụng nhiều là các phần mềm mô phỏng về sức bền và phân tích động lực học như ANSYS, HYPER WORKS hay MSC PATRAN. Các phần mềm này tích hợp lại thành một hệ thống các quá trình thiết kế, sản xuất và kiểm tra.
1.1.7.2. Tình hình ứng dụng công nghệ CAD/CAM – CNC trong nhà trường.
Hiện nay, việc sử dụng phần mềm CAD/CAM đã trở nên rất phổ biến. Các kỹ sư, kỹ thuật viên, sinh viên và ngay cả những công nhân cũng có thể sử dụng thành thạo những phần mềm CAD/CAM chuyên nghiệp như Pro/E, MasterCAM, Cimatron, Solidword... Việc sử dụng tốt phần mềm ứng dụng giúp họ có cơ hội tốt hơn trong lựa chọn nơi làm việc và thăng tiến. Thực tế cho thấy cơ hội tiếp cận và sử dụng các phần mềm CAD/CAM ở Việt Nam khá dễ dàng, đó là một thuận lợi để mọi người có thể tự tìm tòi và học hỏi lĩnh vực mình quan tâm nhưng cũng nảy sinh một số vấn đề:
- Đứng trước thị trường vô cùng phong phú, đa dạng, người dùng thật khó để lựa chọn một phần mềm phù hợp với công việc, đặc biệt đối với sinh viên, nên dẫn đến không chuyên sâu một phần mềm nào đó để có thể khai thác hết hiệu suất.
- Do vấn đề tự học nên có sự không đồng bộ giữa lý thuyết và thực hành, ví dụ, khi học lập trình CAM chủ yếu là lập trình chạy mô phỏng đơn giản trên máy tính, không có máy CNC đi kèm để thực hành trực tiếp.
Đó là một vài nguyên nhân làm cho các kỹ sư, kỹ thuật viên khi ra trường công tác vẫn gặp phải những khó khăn nhất định trong việc làm chủ công nghệ. Để giải quyết điều này, một số trường đại học nước ta đã đầu tư khá nhiều trang thiết bị về máy CNC và các phần mềm CAD/CAM phục vụ cho giảng dạy và thực hành. Ví dụ: trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên ... đã thành lập các trung tâm CAD/CAM với khá nhiều phần mềm tốt như UG – NX, MasterCAM, Catia, Pro/E, Camtool ...
Thêm nữa, các thầy cô giáo cũng định hướng cho sinh viên những phần mềm phù hợp mà nhiều công ty, xí nghiệp hiện đang sử dụng, nhằm trang bị những kiến thức CAD/CAM cần thiết để sau khi ra trường, sinh viên có thể tiếp cận dễ dàng với nền công nghiệp cơ khí hiện đại.