Một số hoạt động thực thi chính sách giáo dục tiếng An hở Việt Nam

Một phần của tài liệu Chính sách ngôn ngữ về tiếng anh của thái lan và những gợi ý cho việt nam (Trang 76 - 78)

6. Bố cục của luận văn

3.2.2.Một số hoạt động thực thi chính sách giáo dục tiếng An hở Việt Nam

Các hoạt động thực thi chính sách về giáo dục tiếng Anh của Việt Nam hiện nay được thể hiện rõ nhất trong việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Có thể kể ra 3 hoạt động nổi bật dưới đây:

(1)Đánh giá năng lực tiếng Anh của giáo viên

Việc đánh giá năng lực tiếng Anh của giáo viên các cấp đã được tiến hành từ năm 2011 đối với giáo viên tiếng Anh ở các trường công lập. Số liệu thống kê chỉ ra 97% trong tổng số 3591 giáo viên tiểu học được đánh giá đạt dưới mức B2, 93% trong số 3969 giáo viên trung học cơ sở cũng không đạt được B2, và 98% trong số 2061 giáo viên trung học phổ thông chưa đạt C1, tình trạng tương tự với 44.6% giảng viên đại học cao đẳng (Nguyễn Ngọc Hùng, 2013).

Một vấn đề được đặt ra trong việc đánh giá năng lực tiếng Anh cho giáo viên đó là công cụ đánh giá. Mặc dù Đề án 2020 đã ban hành hướng dẫn chung về định dạng bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh của giáo viên nhưng chất lượng và độ tin cậy của các công cụ đánh giá là khác nhau giữa các đơn vị được cấp phép để đánh giá (Nguyễn Ngọc Hùng, 2013). Sự khác biệt về giá trị của các bài kiểm tra thể hiện ở cách mà các đơn vị khác nhau tổ chức thi và chấm bài. Một số đơn vị tự thiết kế bài kiểm tra tương đối dài trong khi một số đơn vị khác lại sử dung một hoặc hai công cụ đánh giá tiêu chuẩn của quốc tế (ví dụ, phần nghe và nói lấy theo định dạng của bài thi IELTS hoặc TOEF). Chính vì thế, rất khó để có thể đảm bảo tất cả giáo viên được đánh giá công bằng và chính xác. Ngoài ra, nhiều giáo viên không được chuẩn bị cho bài kiểm tra và một số thì lo sợ rằng kết quả đánh giá sẽ tiết lộ những điểm yếu về năng lực tiếng Anh của họ. Thái độ này đã tác động nhiều đến kết quả đánh giá.

Để giải quyết vấn đề về năng lực tiếng Anh của giáo viên, các khóa đào tạo tập trung (400 giờ mỗi cấp độ) đã được tổ chức liên tục từ 2011 đến 2013 cho hàng ngàn giáo viên trên khắp cả nước (Phan Vân Quyên, 2013). Những khóa học này tập trung vào năng lực ngôn ngữ chung của giáo viên, tuy nhiên nội dung các khóa học là không giống nhau ở các cở sở đào tạo khác nhau.

69

(2)Áp dụng khung năng lực giáo viên tiếng Anh ETCF

Khung ETCF được coi là kim chỉ nam cho việc xác định năng lực giáo viên tiếng Anh của Việt Nam và góp phầnđưa ra một hướng tiếp cận cơ bản trong việc bồi dưỡng năng lực cho giáo viên tiếng Anh Việt Nam. Khi người giáo viên có thể đánh giá bản thân bằng các công cụ tương thích với Khung ETCF, họ sẽ xác định được thế mạnh cũng như các năng lực cần trau dồi, từ đó học hỏi, vượt qua được giới hạn của chính mình, tự tin hội nhập và trở thành người giáo viên của thế kỷ 21. Ngoài ra, các tổ chức giáo dục, các đơn vị phát triển và cung cấp chương trình sư phạm cũng có thể tham khảo và sử dụng Khung ETCF để có thể hoàn thiện sản phẩm, sách giáo khoa, giáo trình của mình và xác định được nhu cầu của giáo viên để xây dựng các chương trình bồi dưỡng phù hợp, hiệu quả. Việc ban hành Khung ETCF tại Việt Nam cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các trung tâm ngoại ngữ, giáo viên tiếng Anh và mở ra các cơ hội hợp tác quốc tế.

Để phát huy hiệu quả Khung ETCF, Bộ GD&ĐT cũng ban hành một hướng dẫn sử dụng chi tiết về áp dụng Khung ETCF trong giảng dạy. Hướng dẫn này bao gồm đánh giá về nhu cầu và điểm mạnh của giáo viên dựa trên các tiêu chuẩn về kiến thức và kỹ năng quy định trong Khung ETCF (MoET, 2012).

Tập huấn Khung ETCF bắt đầu được triển khai vào đầu năm 2013 ở bốn trung tâm đào tạo giáo viên lớn của Việt Nam nằm ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Sau các khóa tập huấn, các chuyên gia đào tạo giáo viên và những người biên soạn chương trình giảng dạy đã bắt đầu nhìn nhận và đánh giá chương trình đào tạo của họ dựa trên khung ETCF, từ đó gắn kết các năng lực vào chương trình đào tạo hiện hành (Dudzik, 2013). Một số trường đại học lớn có đào tạo giáo viên tiếng Anh đã bắt đầu sử dụng Khung ETCF trong việc phát triển chương trình giảng dạy. Ví dụ, trường Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội đã điều chỉnh 5 chương trình đào tạo cử nhân sư phạm tiếng Anh dựa theo ETCF. Cuối năm 2013, theo yêu cầu của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, trường Đại học Ngoại ngữ- Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã phát triển chương trình đào tạo về phương pháp giảng dạy dựa theo ETCF dành cho giáo viên tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục đại học không chuyên (Phan Vân Quyên, 2013).

70 Tuy nhiên, bộ tiêu chí về kiến thức và kỹ năng của ETCF nhằm đánh giá năng lực của giáo viên vẫn chưa được nhận thức rõ ràng và áp dụng một cách hiệu quả đối với giáo viên phổ thông – đối tượng chính của Khung ETCF. Chính điều này đã cản trở việc đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh (Nguyễn Ngọc Hùng, 2013).

(3)Thành lập các trung tâm ngoại ngữ khu vực

Dựa trên gợi ý của các chuyên gia của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 phối hợp cùng với hai trường đại học lớn đã đưa ra đề xuất thành lập các Trung tâm Ngoại ngữ Khu vực (Regional Foreign Language Centers) đặt tại các trường đại học lớn của cả nước, nơi có đào tạo giáo viên ngoại ngữ. Vào tháng 1 năm 2013, Bộ GD&ĐT đã chỉ định 5 trung tâm đầu tiên. Đó là các trung tâm ngoại ngữ khu vực tại Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Ngoại ngữ- Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Các trung tâm ngoại ngữ khu vực có nhiệm vụ phải đổi mới nội dung, phương pháp, phương tiện dạy và học, xây dựng môi trường sử dụng ngoại ngữ tại cơ sở để bảo đảm chuẩn năng lực tiếng Anh cho giáo viên và sinh viên, nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho hệ thống giáo dục (Nguyễn Vinh Hiển, 2013).

Năm trung tâm nói trên đã thực hiện phần lớn các nhiệm vụ của Đề án 2020 và được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển trong giai đoạn 2014-2020 với 5 lĩnh vực đã được xác định (gồm năng lực ngôn ngữ, phương pháp giảng dạy, công nghệ trong giảng dạy ngôn ngữ, nghiên cứu hành động và các đánh giá). Các trung tâm này được cấp kinh phí từ chính phủ để thực hiện đánh giá năng lực của giáo viên và tổ chức các khóa tập huấn về năng lực và phương pháp cho giáo viên tiếng Anh. Tuy nhiên, lãnh đạo và đội ngũ nhân viên của các trung tâm này thường cũng đồng thời đảm nhiệm một số vai trò tại trường đại học của họ (quản lý, chuyên gia đào tạo,...), vì thế vấn đề nguồn lực nhân sự ở các trung tâm cũng gặp những hạn chế nhất định.

Một phần của tài liệu Chính sách ngôn ngữ về tiếng anh của thái lan và những gợi ý cho việt nam (Trang 76 - 78)