thời kỳ chuyển đổi cơ chế từ “tập trung, quan liêu, bao cấp” chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Ở Hải Phòng trước những năm 1990, do cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, trong hoạt động sản xuất kinh doanh các đơn vị kinh tế quốc doanh lại ít quan tâm đến hiệu quả của kinh tế, nhưng lại chú ý nhiều đến qui mô. Trong đó có vấn đề bộ máy quản lý và lao động sao cho đông đủ để được xếp hạng bậc cao.
Về lao động trong thời kỳ này, phương thức thu hút chủ yếu là theo chế độ: tuyển dụng vào biên chế Nhà nước và được Nhà nước bao cấp tiền lương, bảo hiểm xã hội và các chế độ phúc lợi khác. Từ những lý do trên nên có tình trạng hầu hết các đơn vị kinh tế quốc doanh lấy người vào làm việc còn tùy tiện, quá nhu cầu thực tế của sản xuất kinh doanh, hiện tượng dư thừa lao động vốn có trong các đơn vị kinh tế quốc doanh ngày càng bộc lộ rõ và trở nên gay gắt. Khi Nhà nước xóa bỏ cơ chế quản lý bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước thì nhiều đơn vị kinh tế quốc doanh lâm vào tình trạng lúng túng, sản xuất đình đốn, lưu thông ách tắc, số lượng công nhân viên chức không có việc làm ngày càng nhiều, nhất là từ thời điểm tháng 3 năm 1981. Theo số liệu điều tra ở 122 đơn vị sản xuất kinh doanh hoạt động trên địa bàn thành phố, số lao động không có việc làm là 2 vạn người, bằng 22% so với tổng công nhân viên chức.
Theo Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 1989 của thành phố Hải Phòng, do sản xuất bị đình trệ nên từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1989 nên mặc dù thành phố đã bố trí được 3.517 người ở nội thành, nội thị vào làm việc ở các thành phần kinh tế, trong đó có 1.787 người có việc làm ổn định nhưng vẫn thường xuyên có tới trên 1 vạn người trong các cơ sở quốc doanh trên địa bàn thành phố thiếu việc làm [59; tr.8]. Nhưng, sản xuất đình
đốn ảnh hưởng ít nhiều tới thu nhập của người dân, nhiều lao động phải nghỉ việc không có thu nhập hoặc thu nhập thấp nên nói chung đời sống vẫn còn khó khăn, tệ nạn xã hội tăng lên. Trật tự an toàn xã hội nhiều mặt xấu đi.
Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng này Đảng bộ thành phố đã đề ra biện pháp tập trung giải quyết vấn đề lao động dôi dư ở các đơn vị sản xuất quốc doanh, giữ vững đội ngũ lao động kỹ thuật.
Bước vào năm 1991, những khó khăn của năm 1990 không giảm đi mà có mặt còn gay gắt hơn. Đời sống của người được hưởng lương vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu việc làm trong lúc giá cả tiếp tục tăng cao. Trong điều kiện đó, các ngành, các cấp, các đơn vị và nhân dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu thực hiện kế hoạch 6 tháng đã đạt được những kết quả trong vấn đề giải quyết việc làm như sau:
Đã và đang tranh thủ sự tài trợ của các tổ chức quốc tế tạo điều kiện giúp những người hồi hương ổn định cuộc sống (thành phố đã tiếp nhận 4.690 người di tản trở về). Xây dựng xong 12 dự án đào tạo nghề, vay vốn tín dụng… phục vụ đào tạo nghề cho người lao động. Điều động 432 hộ gồm 942 lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới.
Thực hiện quyết định số 176 của Hội đồng Bộ trưởng đến nay, đã giải quyết được 17.087 trường hợp người nghỉ việc được hưởng trợ cấp 1 lần, kinh phí ngân sách hỗ trợ 3,5 tỷ đồng. [61; tr.6].
Năm 1992 là năm đầu cụ thể hóa thi hành nghị quyết Đại hội 7 của Đảng, nghị quyết Đại hội 10 Đảng bộ thành phố bên cạnh những thuận lợi đạt được vẫn còn tồn tại những khó khăn và thử thách gay gắt. Với quyết tâm và nỗ lực cao, Đảng bộ và nhân dân Hải Phòng đã ra sức phấn đấu, giành kết quả tương đối toàn diện, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đưa nền kinh tế thành phố đi dần vào ổn định và xu thế phát triển theo tiến trình đổi mới và mở cửa, tạo tiền đề xây dựng thành phố mở về kinh tế cho năm 1993 và các năm tiếp theo. Sản xuất nông nghiệp và công nghiệp đã có những bước tăng trưởng trở lại. Việc sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước được tiến hành
khẩn trương, số lao động được giải quyết việc làm ở các thành phần kinh tế tăng hơn so với năm trước. Giáo dục chuyên nghiệp đã phát triển hệ đào tạo mở rộng, mở rộng việc phổ cập dạy nghề cho thanh niên nhất là các trung tâm dạy nghề. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 176 của Hội đồng Bộ trưởng và sắp xếp lại lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước, 6 tháng đầu năm đã triển khai thực hiện ở 96 đơn vị, giải quyết cho 19.801 lao động nghỉ trợ cấp 1 lần, kinh phí hỗ trợ là 5 tỷ đồng.
Những năm 90, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong vấn đề giải quyết việc làm cho lực lượng lao động của thành phố. Nhưng, đứng trường yêu cầu của phát triển đổi mới, vấn đề lao động và việc làm vẫn là một vấn đề nan giải. Sự chênh lệch lớn về cơ cấu lao động theo độ tuổi, theo khu vực. Số lượt người lao động hàng năm nhờ chính sách khuyến khích của Đảng đã tăng nhưng không đáng kể. Tính đến cuối năm 1999 số lượt người được tạo việc làm mới chỉ đạt 32.000 người. Cơ cấu lao động trẻ thường thiếu việc làm nhiều hơn so với lao động lớn tuổi. Theo số liệu thống kê, số lượng người thất nghiệp ở độ tuổi 15-24 là 5.527 người, chiếm 21,3%, từ 25-34: 7.392 người (28,5% so với tỷ lệ thất nghiệp của thành phố).