2.2.1. Chỉ đạo công tác tổ chức nông dân
Ngay từ năm 1936, Đảng đề ra các hình thức tổ chức rộng rãi để tập hợp nông dân. Ngoài tổ chức chính là Nông hội, thì Đảng chủ trương mở thêm các hội có tính chất hợp pháp như hội tương tế, hội ái hữu…, thu hút được đông đảo nông dân tham gia, kết hợp cả hình thức công khai, hợp pháp và bí mật. Cuối tháng 6-1936, Xứ ủy Nam Kỳ ra nghị quyết nêu lên tình hình chung của các tổ chức thanh niên, công nhân, phụ nữ, sinh viên… Khi trình bày về tổ chức của giai cấp nông dân, Xứ ủy nhận xét:
… Do đó chúng ta phải lập ra, - ngoài những tổ chức nông dân chính cống, - những hội có tính chất hợp pháp như là các hội tương tế, các hội ái hữu, ... để làm cho họ chịu ảnh hưởng của Đảng ta. Ngoài ra, chúng ta phải lập ra trong mỗi làng một ủy ban nông dân nhằm dẫn dắt nông dân trên con đường đấu tranh [29; tr.30].
Trong thư Gửi các tổ chức của Đảng, Đảng chủ trương phải thay đổi triệt để các phương pháp tổ chức quần chúng nói chung, của nông dân nói riêng:
Ban Thường vụ quyết định, các Hội Nông dân phải tổ chức dưới hình thức công khai và bán công khai, đồng thời phải sử dụng các hình thức đang tồn tại trong giai cấp nông dân. Ví dụ, tổ chức giúp đỡ nhau trong việc xây cất nhà cửa, trong việc mai táng bố mẹ qua đời, các hợp tác xã… để thu hút nhiều hơn nữa quần chúng vào tổ chức. Đây chính là vũ khí thiết thực cho cuộc đấu tranh chống đàn áp và bóc lột dã man, để bảo vệ những quyền lợi
hàng ngày của họ. Phải biết lãnh đạo mềm dẻo và linh hoạt cuộc đấu tranh của đa số nông dân, phải biết sử dụng tất cả các hình thức phản đối, đơn kiện… để bảo vệ những quyền lợi cấp thiết, như vậy sẽ làm cho giai cấp nông dân hiểu sự cần thiết phải có tổ chức [29; tr.87].
Trong Thư gửi các đảng viên của Đảng và các Đoàn Thanh niên Cộng sản Nam Kỳ đề ngày 16-11-1936, Ban Trung ương ĐCSĐD tiếp tục nhấn mạnh đến các hình thức tổ chức nông dân. Đó là các hình thức, tổ chức hợp pháp, mở rộng cả phú nông tham gia vào các hội đó:
Các hiệp hội nông dân cũng sẽ được xóa bỏ và thay bằng những tổ chức hợp pháp đã bàn đến ở trên. Các nông dân giàu có thể được gia nhập các tổ chức đó nhưng quyền lãnh đạo vẫn sẽ phải nằm trong tay các nông dân nghèo. Việc cổ động cách mạng sẽ được tiến hành trong quần chúng nông dân qua trung gian của các hội đó [29; tr.178].
Ngày 26-3-1937, BCHTWĐ đề ra Chủ trương tổ chức mới của Đảng, tiếp tục phân tích tại sao phải thay đổi kế hoạch tổ chức:
…trong giai đoạn này của cuộc vận động dân tộc giải phóng, ta phải huấn luyện quần chúng cho các chánh trị giác ngộ, cho hiểu sự cần thiết tranh đấu; chính do sự tổ chức quần chúng tranh đấu đòi những quyền lợi thiết thực nhỏ nhặt về mặt kinh tế, chánh trị và xã hội mà Đảng ta có thể kéo họ lên đến được một trình độ giác ngộ và phấn đấu cao thêm. Nói cho rõ ra, trong giai đoạn này, không phải là lúc Đảng đưa ra những khẩu hiệu cao xa như đòi quyền độc lập, như lập xô viết, như chia đất cho dân cày… Trái lại, chúng ta hiện thời đương đứng trong giai đoạn đòi những điều yêu cầu rất thấp mà thôi, để hiệu triệu các lớp nhân dân tham gia vào tổ chức của Mặt trận thống nhất nhân dân [29; tr.223].
Đảng chủ trương thành lập các tổ chức rất đa dạng của nông dân; không nhất thiết các địa phương phải mở các hình thức Nông hội, mà các tổ chức tùy theo tính chất công việc như: hội lợp nhà, hội đưa ma, hội cày, hội cấy, tương tế, ái hữu… mà tổ chức tuyên truyền và lãnh đạo nông dân.
… Chúng ta cũng không một mực nói rằng làng nào cũng tổ chức Nông hội cả, trái lại các đồng chí hạ cấp có thể tuỳ sáng kiến của họ và của quần chúng mà lập ra những hội khác, lấy tên là ái hữu, tương tế, hợp tác xã… (nhưng nội dung là Nông hội) và bao hàm nông dân lao động (trung nông, bần nông và cố nông, tức là công nhân nông nghiệp như đầy tớ, culi, người làm mướn). … ngoài Nông hội hay những hội đồng một nội dung như thế, chúng ta phải lập ra rất nhiều thứ hội khác (đưa đám ma, góp họ, lợp nhà, học đêm...), bao hàm chẳng những nông dân lao động mà cả phú nông nữa [29; tr.242-343]
Đồng thời, chính sách của Đảng đối với vận động phú nông cũng có sự thay đổi, lôi kéo thêm thành phần này vào cuộc đấu tranh của giai cấp nông dân:
…Chúng ta cũng cần đem phú nông vào hàng ngũ tổ chức, đem họ vào những ủy ban hành động, ủy ban sưu tập dân nguyện, hội cứu tế bình dân, hội nông gia... Chúng ta phải kéo phú nông đi cùng các lớp dân chúng mà đòi những quyền lợi tự do dân chủ, đòi bỏ sưu, bớt thuế, bỏ những sự nhũng nhiễu hoành hành của đế quốc, quan làng... Nếu không được họ đi theo mình trong giai đoạn hiện tại này thì chí ít chúng ta cũng phải làm cho họ đứng địa vị trung lập [29; tr.242-243].
Với những chủ trương trên, phong trào Nông hội phát triển mạnh mẽ ở nông thôn với nhiều hình thức đa dạng: hội cấy, hội gặt, hội hiếu, hỉ, nhóm học chữ quốc ngữ, phường đi săn, hội ái hữu với mục đích trước mắt là giúp đỡ hội viên trong hội những lúc khó khăn và phương châm đấu tranh yêu cầu những quyền lợi kinh tế, thi hành những chính sách xã hội đảm bảo đời sống, thực hiện quyền tự do, dân chủ.
Các tổ chức này thu hút đông đảo nông dân với mục đích đấu tranh giành quyền lợi cho giai cấp mình, là cơ sở căn bản cho Đảng xây dựng cơ sở, tập hợp quần chúng, phát động quần chúng đấu tranh sôi nổi. Thông qua các tổ chức này, Đảng tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho nông dân đứng lên đấu tranh góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng.
Từ ngày 25-8 đến ngày 4-9-1937, Hội nghị toàn thể BCHTW ĐCSĐD ra Nghị quyết của khoáng đại hội nghị của toàn thể Ban Trung ương của Đảng Cộng sản
Đông Dương.
Về nông dân vận động, phải hết sức tổ chức các hội tương tế, ái hữu, đám ma, đám cưới, các hợp tác xã tiêu thụ, các hội lợp nhà, hàng phe, hàng xóm. Trong những tổ chức ấy, không những phải giác ngộ nông dân về quyền lợi trực tiếp hàng ngày mà phải chú ý huấn luyện họ về phương diện văn học nữa [29; tr.290].
Về tổ chức nông dân trong năm 1937: Ở Vĩnh Bảo, Cổ Am, Tiên An (Hải Phòng) thành lập được Nông hội, nhưng bị địch đàn áp mạnh. Do đó, các tổ chức này chuyển nhanh sang hình thức kín đáo hơn như “nhóm trồng thuốc lào, thuốc lá” để tiện hội họp, che mắt địch. Hội truyền bá chữ quốc ngữ vừa làm nhiệm vụ dạy học, vừa giáo dục lòng yêu nước và cách mạng cho nhân dân. Tại Cổ Am, các tổ chức thợ thủ công được tập hợp lại để hạn chế sự bóc lột của thợ cả và giúp đỡ làm nhà cho những người túng thiếu. Các tổ chức tương tế ở các xã: Đinh Tiến, Đinh Đường, An Khang, Trà Lý, Đông Cao, Chợ Cây Xanh, Giếng Liêm (Thái Bình) vận động thắng lợi trong việc bỏ hủ tục ma chay, đình đám. Có những đám ma không tổ chức ăn uống mà dùng vòng hoa, điếu văn theo đời sống mới. Tiến thêm bước nữa, tại vùng giáp ranh Sài Gòn, Chợ Lớn như các xã: An Hòa, Phước Chi, Lộc Giang với danh nghĩa là hội tương tế hoặc ái hữu tổ chức được những cuộc đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế và tự do lập hội của mình [94; tr.59].
Hội nghị Trung ương Đảng họp vào cuối tháng 3-1938, sau khi điểm qua những thiếu sót của phong trào nông dân vạch rõ: Cần phải phát triển các tổ chức nông dân, nhất là ở Bắc và Trung Bộ; tổ chức các lớp học đêm, các hội đọc sách báo… để nông dân đấu tranh chống nạn mù chữ; và phải đề ra những khẩu hiệu đấu tranh thích hợp để lôi kéo nông dân tham gia, đồng thời mở rộng phong trào cải cách hương thôn… Trên các báo chí của Đảng cũng liên tiếp đề ra những khẩu hiệu đấu tranh thích hợp như: địa tô không quá 1/3 hoa lợi, miễn địa tô năm mất mùa, cho nông dân nghèo được khai phá đất hoang, miễn thuế cho dân nghèo…
Trong các cuộc đấu tranh, vai trò của tổ chức Nông hội được đẩy mạnh hơn trước, triệt để sử dụng các hình thức tổ chức công khai hợp pháp như: hội cấy, hội gặt, hội hiếu, phường đi săn, nhóm học chữ quốc ngữ… Số nông dân tham gia các tổ chức ở Bắc Kỳ là 2.000 người, Trung Kỳ là 8.800 người, Nam Kỳ là trên 15.735 người. Nông hội tập hợp được ngày càng đông đảo nông dân đấu tranh theo chủ trương của Đảng. Năm 1938 trở thành năm có phong trào đấu tranh khá sôi động [52; tr.620 - 621].
2.2.2. Chỉ đạo phong trào đấu tranh của nông dân
Tháng 1-1936, nông dân làng Mỹ Xuyên Đông (Long Xuyên), làng Hiệp Thanh (Trà Vinh), nông dân các xã Bình Nhật, Hòa Phú, Long Ngãi Thuận, Mỹ An Phú (Sa Đéc); hàng ngàn nông dân các xã An Hòa, Phước Chi (Tây Ninh); nông dân Đức Hòa, Mỹ Quý (Tân An) đấu tranh với khẩu hiệu chung: giảm thuế thân, bãi bỏ đấu giá công điền, công thổ, chống sưu cao, thuế nặng
Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 7-1936, cùng với phong trào đấu tranh chống phát xít, chống chiến tranh, đấu tranh vì các quyền tự do, dân chủ, dân sinh của nhân dân thế giới, giai cấp nông dân Việt Nam cùng với các tầng lớp khác bước vào những cuộc đấu tranh mới với mục tiêu, nội dung và hình thức phong phú.
Tháng 8-1936, trong cuộc vận động thành lập những ủy ban hành động để sưu tầm nguyện vọng của nhân dân thì ở thôn quê Nam Bộ, một số lớn ủy ban hành động của nông dân cũng ra đời và trở thành các cơ quan đại diện cho dân làng, đối với hội tề và các cơ quan chính quyền của địch.
Mặt khác, phong trào đấu tranh của nông dân cuối năm 1936 không còn là một phong trào tự phát, rời rạc như trước, mà hầu hết những cuộc đấu tranh này đều có sự lãnh đạo thống nhất của Đảng. Đặc biệt là việc sửa đổi hình thức tổ chức của nông dân theo lối hợp pháp và nửa hợp pháp. Vì vậy, các tổ chức của nông dân như: hội tương tế, hội ái hữu, hội lợp nhà, thư viện bình dân, hội trợ táng, hội cấy gặt, nhóm trồng thuốc lào, hội đọc sách báo cũng được thành lập, mạnh nhất là các tỉnh:
Sa Đéc, Cần Thơ, Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn và các xã: Đông Xuân, Tuy An, Sơn Hà (Phúc Yên), các xã Vĩnh Bảo, Cổ Am, Tiên An (Hải Phòng).
Tháng 8-1936, 500 thợ cấy ở Cần Giuộc, Gò Quẹo, Tam Hiệp làm reo để yêu cầu tăng tiền công và giảm giờ làm.
Bên cạnh những cuộc đấu tranh quyết liệt, phải đổ máu như cuộc đấu tranh của nông dân Long Ngãi Thuận tập hợp 400 xuồng biểu tình chống thuế và xô xát với địa chủ, thì lại xuất hiện những đợt đấu tranh khá mềm dẻo, mẫu mực của nông dân Trung Bộ trong hai tháng cuối năm 1936. Đó là hình thức làm đơn gửi lên quan chủ tỉnh yêu cầu: giảm thuế thân, thuế điền, chống nạn thất học, trừng trị những tên địa chủ cường hào nhũng lạm của 100 nông dân làng Nguyệt Viên (Thanh Hóa); nông dân Vĩnh Phước (Quảng Trị); 150 nông dân hạt Anh Sơn (Thừa Thiên); nông dân làng An Xá (Quảng Bình); nông dân 8 phủ huyện Hà Tĩnh… Cũng trong thời gian này, các xã xung quanh tỉnh lị Bắc Ninh, Kiến An, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình… hàng loạt truyền đơn hô hào chống thuế được rải ra.
Từ ngày 15-8-1936 đến ngày 15-1-1937 có tới 339 cuộc đấu tranh của quần chúng với 62.620 người tham gia, trong đó có 97 cuộc đấu tranh của nông dân [94; tr.58].
Được tin sẽ có phái đoàn điều tra do Quốc hội Pháp cử sang Đông Dương, Đảng phát động và tổ chức các tầng lớp nhân dân công khai hội họp để thảo luận những yêu sách vì tự do, dân chủ, dân sinh, cử đại biểu đi dự Đại hội đại biểu nhân dân các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu nhân dân Đông Dương.
Tháng 8-1936, BCHTW gửi thư cho các đảng phái, các tổ chức chính trị và nhân dân Đông Dương bày tỏ thái độ đối với Đông Dương Đại hội. Đảng nêu ra 12 nguyện vọng, trong đó có các yêu sách của giai cấp nông dân như: yêu cầu bỏ thuế thân, giảm các thứ thuế khác, xóa nạn cho vay lãi, xóa nợ cho những người còn thiếu thuế, bỏ chế độ làm công ích, cấm tịch ký tài sản vì mắc nợ hoặc vì không đóng thuế…
Đảng kêu gọi các tổ chức cơ sở ở địa phương trong cả nước thành lập ngay các Ủy ban hành động để tập hợp quần chúng và vận động họ bầu cử đại biểu đi dự Đông Dương Đại hội và khởi thảo bản dân nguyện.
Ngày 13-8-1936, tại miền Nam, một Ủy ban trù bị Đông Dương Đại hội được thành lập, gồm 19 người, trong đó có 3 đại biểu là nông dân. Dưới sự chỉ đạo của các tổ chức Đảng, Ủy ban trù bị ra lời kêu gọi các tầng lớp nhân dân trong nước lập ra các Ủy ban hành động để tiến tới Đông Dương Đại hội.
Nhân dân khắp nơi hưởng ứng Đông Dương Đại hội, phong trào lan nhanh từ Nam ra Bắc, tính từ tháng 8 đến cuối tháng 9-1936, ở miền Nam có 600 Ủy ban hành động. Phong trào thành lập Ủy ban hành động mạnh nhất ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Gia Định, Biên Hòa, các tỉnh Long Xuyên, Sa Đéc, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long…[53; tr.110-111].
Ở miền Bắc, các Ủy ban hành động của nông dân được thành lập ở Hà Nội, Hà Đông, Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hà Nam, Nam Định… Ở miền Trung, các tổ chức Đảng vận động các tầng lớp nhân dân ở Huế, Quảng Nam, Quảng Trị, Vinh… hưởng ứng phong trào Đông Dương Đại hội.
Phong trào Đông Dương Đại hội ở nông thôn tuy không mạnh mẽ bằng ở đô thị, nhưng giai cấp nông dân và các hội viên Nông hội góp phần tích cực vào phong trào đấu tranh cách mạng trong nước. Dưới tác động của phong trào, hàng triệu nông dân Việt Nam thức tỉnh và sẵn sàng tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh của các giai cấp khác.
Mặc dù chính quyền thực dân cấm tổ chức Đông Dương Đại hội, nhưng phong trào đấu tranh vì dân sinh, dân chủ ăn sâu, bám rễ trong quần chúng nhân dân, ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng. Nông dân đấu tranh yêu cầu cứu tế nạn đói, nạn lụt, giảm tô, giảm tức, cải cách hương thôn, chia lại ruộng công, chống sưu cao, thuế nặng, phù thu lạm bổ, chống nạn cướp ruộng đất…
Tháng 9-1936, Trung ương Đảng kiểm điểm việc thực hiện chủ trương của Đảng, trong đó nêu những thành công đạt được và những hạn chế của phong trào. Đảng nhận định trong phong trào này, giai cấp nông dân có sự phát triển nhanh về số
lượng và tổ chức, các ủy ban hành động thể hiện rõ vai trò của mình đại diện cho nông dân đấu tranh cho quyền tự do dân chủ của nông dân. Vai trò của các luôn luôn được mở rộng và tập hợp ngày một thêm đông giai cấp nông dân, các tổ chức đó tập hợp, giác ngộ nông dân đấu tranh thực hiện các quyền tự do dân chủ và một số quyền lợi khác, qua đó càng nhìn nhận sự lớn mạnh và trưởng thành của giai cấp nông dân trong đấu tranh cách mạng sau phong trào đấu tranh của công nông 1930 - 1931.
Ngày 1-1-1937, hàng nghìn nông dân phối hợp với công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động Sài Gòn nghỉ việc đi đón Gô-đa. Ngày 14-1-1937, 40.000 người