Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 - 1933) kết thúc, nhưng hậu quả của nó vẫn còn tác động nặng nề đến nhiều nước tư bản chủ nghĩa. Mâu thuẫn trong lòng mỗi nước tư bản và giữa các nước đế quốc ngày càng gay gắt. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đưa đất nước vào con đường phát xít hóa; chuyển toàn bộ nền kinh tế phục vụ cho guồng máy chiến tranh.
Chủ nghĩa phát xít xuất hiện và lên nắm chính quyền ở Đức, Ý, Nhật âm mưu dùng bạo lực để đàn áp phong trào đấu tranh trong nước và ráo riết chạy đua vũ trang, chuẩn bị phát động một cuộc chiến tranh thế giới mới. Chế độ độc tài phát xít được thiết lập là một nền chuyên chính khủng bố công khai của những thế lực phản động nhất, sô vanh nhất, ĐQCN nhất của tư bản tài chính. Chúng xóa bỏ tất cả quyền dân chủ tư sản, đàn áp, tiêu diệt mọi lực lượng, tổ chức chính trị đối lập, thực hành chính sách bành trướng, xâm lược và nô dịch nước khác. Để cố kết cùng nhau trong một liên minh hiếu chiến, phản động, tháng 10-1936, Đức, Ý, Nhật ký kết một hiệp ước liên minh chống QTCS. Chủ nghĩa phát xít đe dọa nền hòa bình và an ninh thế giới.
Ngày 25-7-1935, Đại hội lần thứ VII QTCS họp tại Mátxcơva, xác định mục tiêu trước mắt của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế không phải là tiến hành cách mạng vô sản, lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, thiết lập nền chuyên chính vô sản và xây dựng chế độ cộng sản mà tập trung ngọn lửa đấu tranh vào một bộ phận phản động nhất của giai cấp tư sản, tức là đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ hòa bình, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh thế giới. Để thực hiện các mục tiêu nói trên,
QTCS chủ trương rằng Đảng Cộng sản ở tất cả các nước phải thiết lập được liên minh dân chủ rộng rãi, cùng với mọi giai tầng trong xã hội đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, vì “tự do, cơm áo, hòa bình”.
Tại Pháp, Mặt trận nhân dân chống phát xít được thành lập tháng 1-1936, bao gồm Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội, Đảng cấp tiến và Tổng liên đoàn lao động. Tháng 4-1936, các đảng phái tham gia Mặt trận giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử. Tháng 6-1936, Chính phủ phái tả lên cầm quyền do Lêông Bơlum, lãnh tụ Đảng Xã hội làm Thủ tướng.
Tại Đông Dương, do tình hình chính trị ở Pháp thay đổi nên chính quyền thuộc địa phải hạn chế chính sách khủng bố phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân. Tình hình chính trị diễn ra ở Pháp tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào cách mạng Việt Nam.
Trong giai đoạn 1936 - 1939, thiên tai, ngập lụt, vỡ đê xảy ra liên tiếp. Năm nào cũng có nạn đói. Năm 1937, nạn đói xảy ra gần như khắp Bắc Kỳ. Năm 1938, ở Nam Kỳ nhiều tỉnh như: Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau, Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên… cũng xảy ra nạn đói. Ngoài ra, ở các làng xã, người nông dân còn phải chịu những thủ đoạn phù thu lạm bổ của lý dịch, cường hào…[62; tr.326].
Nạn tập trung đất trong tay địa chủ và thực dân ngày càng tăng, nông dân không có đất canh tác, địa chủ hạng nhỏ và vừa cũng tiếp tục bị khuynh gia, bại sản. Năm 1936, Thống sứ Bắc Kỳ ra Nghị định cấp không cho những công dân Pháp có đệ đơn xin cấp đất với diện tích dưới 500 ha để lập làng mới. Trong khi đó, tại vùng châu thổ Bắc Kỳ, trong tổng số 1.933.000 suất đinh có tới 968.000 đinh không có ruộng. Ở Nam Kỳ, 930 địa chủ sở hữu hơn 480.000 ha ruộng, trung bình mỗi địa chủ sở hữu tới 530 ha ruộng. Trong khi đó thì 2/3 nông dân Nam Kỳ hoàn toàn không có hoặc sở hữu rất ít ruộng đất. Ở Trung Kỳ, hơn một nửa số hộ dân hoàn toàn không có sở hữu ruộng đất hoặc chỉ có dưới 0,5 ha. Cụ thể, con số này ở Quảng Trị: 69%, Thừa Thiên: 78%, Bình Định: 74%, Phú Yên và Khánh Hòa: 59% [62; tr.321].
Về chính sách sưu thuế của chính quyền thực dân vẫn không có gì thay đổi đáng kể mặc dù giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng đã qua. Các thủ đoạn bóc lột quen thuộc mà chính quyền thực dân tiếp tục áp dụng để bóc lột quần chúng là: sưu thuế, độc quyền (muối, rượu, thuốc phiện) và lạm phát tiền tệ. Cuối năm 1937, đầu năm 1938, chính quyền thực dân lại ban hành một số nghị định mới quy định chính sách thuế lũy tiến ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ thay cho chính sách thuế thân đồng loạt trước đây. Nhìn thoáng qua thì tưởng chừng đây là một giải pháp khoa học, chủ yếu đánh vào người giàu, nhưng thực tế, đa số quần chúng, nhất là nông dân vẫn còng lưng gánh chịu mọi thứ “lũy tiến”, còn chính quyền thực dân và bọn tay sai thì vơ vét được càng nhiều thêm. Người nông dân cũng bị chính quyền thực dân đặt thêm một số loại thuế mới, như thuế cư trú, thuế lợi tức…
Đời sống của giai cấp nông dân Việt Nam trong thời gian này hết sức khó khăn. Nạn đói không những xuất hiện ở Bắc và Trung Kỳ mà còn ở Bạc Liêu - tỉnh nổi tiếng nhiều lúa gạo nhất Nam Kỳ. Hạn hán, bão lũ, vỡ đê liên tiếp xảy ra khiến nhiều làng quê trở nên tiêu điều, xơ xác. Trong những năm 30 của thế kỷ XX, người nông dân phải “ăn đói đến 7, 8 tháng, bần nông 5, 6 tháng, một số trung nông thiếu 3, 4 tháng. Trong những tháng ấy họ phải ăn cầm hơi mỗi ngày một bữa, có khi hai ngày mới được một bữa cơm, còn ăn cháo, ăn ngô, ăn khoai, cùng lắm thì rau má, củ chuối, củ mài, gọi là có cái nhét cho đầy ruột” [118; tr.112 - 113].
Trước những diễn biến mới của tình hình trong nước và quốc tế, trong “Thơ công khai của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương gởi các đồng chí toàn Đảng” (6- 1936), Đảng chủ trương mở rộng hoạt động của Nông hội:
… Ban Trung ương thiết tưởng rằng: các đồng chí không nên quá câu nệ về mấy chữ công hội, Nông hội, nên đề nghị cho các đồng chí rằng: từ nay về sau chỗ nào mà các công hội, Nông hội khó tổ chức thì các đồng chí lấy những danh nghĩa như ái hữu hội, tương tế hội, hợp tác xã, hội học đêm mà tổ chức công nông cho dễ. Vô luận lấy tên là gì mà có các đồng chí trong các hội ấy có thể làm công tác công hội, Nông hội là được. Bởi vậy các tên gọi chỉ là cái vỏ bề ngoài thật ít quan trọng, điều quan trọng là nội dung về công
tác. Công hội và Nông hội là hội quần chúng phổ thông, hễ ai chịu tranh đấu và bênh vực quyền lợi kinh tế của giai cấp mình thì có thể vào hàng ngũ rồi, chứ không nên quá nhiễm vì thủ tục và nhiều điều kiện khó khăn như vào Đảng [29; tr.20].
Trung ương ĐCSĐD chủ trương mở rộng hơn nữa hoạt động của Nông hội nhằm thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào các hội.
Phải thiết pháp tổ chức cho nhiều hội: cứu tế đỏ, phản đế, học sinh, thể thao cốt để kéo quần chúng vào hàng ngũ tổ chức, mỗi người có thể vào được nhiều đoàn thể, nhưng không bao giờ bắt buộc quần chúng vào hội mà cũng không bao giờ lấy hội viên đoàn thể này sang đoàn thể khác, các đồng chí thiết pháp làm cho mỗi đoàn thể phổ thông có tính chất quần chúng sinh hoạt độc lập phải thiết pháp huấn luyện cán bộ cho các quần chúng... [29; tr.20 - 21].
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 30-6-1936 Xứ ủy Nam Kỳ đã có sự thay đổi hợp lý trong việc lãnh đạo phong trào đấu tranh của nông dân:
… Chúng ta phải lập ra, - ngoài những tổ chức nông dân chính cống, - những hội có tính chất hợp pháp như là các hội tương tế, các hội ái hữu, v.v. để làm cho họ chịu ảnh hưởng của Đảng ta. Ngoài ra chúng ta phải lập ra trong mỗi làng một ủy ban nông dân nhằm dẫn dắt nông dân trên con đường đấu tranh [29; tr.29-30].
Đảng nghiên cứu rất kỹ và tiếp thu, áp dụng chiến lược mới của QTCS vào thực tiễn cách mạng Việt Nam với một thái độ cách mạng, khoa học và vô cùng thận trọng. Gần một năm sau, Đại hội lần thứ VII của QTCS, tháng 7-1936, Hội nghị BCHTWĐ họp tại Thượng Hải, do Lê Hồng Phong chủ trì. Hội nghị xác định: Kẻ thù chủ yếu trước mắt của nhân dân Đông Dương chưa phải là CNĐQ Pháp và phong kiến nói chung, mà là phản động thuộc địa và bè lũ tay sai của chúng; mục tiêu và nhiệm vụ trực tiếp trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh, vì dân chủ, dân sinh và hòa bình.
Hội nghị quyết định tạm thời chưa nêu khẩu hiệu đánh đổ đế quốc Pháp và giai cấp địa chủ, giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày, mà chỉ nêu mục tiêu trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chống chiến tranh, vì tự do, cơm áo, hòa bình. Hội nghị đánh giá cao vai trò của giai cấp nông dân và mối liên hệ chặt chẽ giữa giai cấp nông dân và công nhân.
Đảng đã nhận thức sâu sắc rằng sự tuyên truyền GPDT không thể có hiệu quả nếu như khởi điểm của nó không bắt đầu từ những quyền lợi thiết thực hằng ngày. Một cuộc tranh đấu có thành công hay không, là do quần chúng có muốn đấu tranh và có nhận thấy đấu tranh là cần thiết hay không. Bởi vậy, phải lắng nghe nguyện vọng của quần chúng và đặt khẩu hiệu vận động cho sát [47; tr.29].
Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương có nhiệm vụ tập hợp rộng rãi “các giai cấp, các đảng phái, các đoàn thể chính trị và tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, các dân tộc ở xứ Đông Dương để cùng nhau đấu tranh đòi những điều dân chủ đơn sơ” [29; tr.144]; đồng thời chủ trương chuyển hình thức tổ chức bí mật, không hợp pháp sang hình thức tổ chức công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp nhằm tập trung lực lượng và hướng dẫn quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, thông qua đó phát triển đội ngũ cách mạng. Hội nghị này cũng đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ đấu tranh khôi phục phong trào, đưa cách mạng Việt Nam bước sang một cao trào cách mạng mới.
Trong lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đây là lần đầu tiên ĐCSĐD quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược một cách toàn diện và triệt để. Sự chuyển hướng này không đơn giản chỉ là sự vận dụng đường lối mới của QTCS vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, mà là kết quả của một quá trình cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng và cuối cùng đi đến kết luận rõ ràng. Bước chuyển hướng chiến lược này đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Đảng về tư duy lý luận, về bản lĩnh và kinh nghiệm cách mạng. Nó đặt cơ sở vững chắc cho sự phục hồi và phát triển của Đảng, cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam giai đoạn sau.
Nhưng trong hoàn cảnh một đảng cách mạng còn non trẻ, hoạt động bí mật tại một nước thuộc địa, lại vừa trải qua một thời kỳ khủng bố kéo dài, nên việc triển khai, vận dụng và hoàn thiện bước chuyển hướng chiến lược này là hoàn toàn không dễ dàng. Đảng gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có hai khó khăn lớn và phức tạp nhất là tình trạng tan vỡ chưa được khôi phục của hệ thống tổ chức Đảng và sự bất đồng trong nhận thức, quan điểm, vận dụng đường lối mới của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Trong “Thư gửi các tổ chức của Đảng” (đây là Chỉ thị của Ban Trung ương ĐCSĐD, được thông qua trong Hội nghị Ban Chỉ huy ở ngoài ngày 26-7-1936), Trung ương Đảng phân tích những sai lầm trong công tác và đường lối giai đoạn trước:
… Ở một xứ thuộc địa như Đông Dương, trong hoàn cảnh hiện tại, nếu chỉ quan tâm đến sự phát triển của cuộc đấu tranh giai cấp có thể sẽ nảy sinh những khó khăn để mở rộng phong trào giải phóng dân tộc. Chính vì không hiểu được những đặc điểm này, các đồng chí đã không coi trọng cuộc tranh đấu hằng ngày của quần chúng và không biết sử dụng các phương pháp tranh đấu phù hợp với tình hình mới và điều kiện mới. Vì thế các khẩu hiệu của Đảng: lập chính quyền Xôviết và chia ruộng đất trong hoàn cảnh hiện tại không được quần chúng hiểu biết.
… trong hoàn cảnh khủng bố tàn bạo hiện nay, những yêu sách tối thiểu về nền tự do dân chủ - mặc dù không thỏa mãn nguyện vọng của quần chúng, nhưng có thể tạo nên một số điều kiện dễ dàng cho sự hoạt động của quần chúng và của Đảng, từ đó đến tranh đấu cho những yêu cầu cao hơn [29; tr.74-75].
Tháng 5-1936, trong thư ngỏ của Ban Trung ương ĐCSĐD, Đảng nêu rõ lập trường của mình đối với Đông Dương Đại hội, trong đó đề ra 12 nguyện vọng về những quyền lợi của giai cấp nông dân: bỏ thuế thân, giảm các thứ thuế khác, xóa nạn cho vay nặng lãi, xóa nợ cho những người còn thiếu thuế. Đồng thời kêu gọi các đảng phái, các tổ chức chính trị và đoàn thể nhân dân Đông Dương, vì lợi ích
chung đoàn kết lại thành lập mặt trận đấu tranh bảo vệ hòa bình, vì các quyền tự do, dân chủ cơm áo hòa bình. Cùng với đó, Đảng kêu gọi các tổ chức địa phương trong cả nước thành lập ngay các Ủy ban hành động để tập hợp và vận động quần chúng bầu cử đại biểu đi dự Đông Dương Đại hội.
Thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5-1936 có những ảnh hưởng tích cực đến tình hình Đông Dương. ĐCSĐD đề ra sách lược mới thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế, tập hợp rộng rãi quần chúng đấu tranh trong tình hình mới. Ngày 30-10-1936, Đảng xuất bản tài liệu Chung quanh
vấn đề chiến sách mới để giải thích cho đảng viên và quần chúng hiểu rõ hơn về
sách lược mới của Đảng. Đây là một văn kiện quan trọng góp phần to lớn vào việc thống nhất ý chí, hành động, củng cố kỷ luật và khối đại đoàn kết trong Đảng.
Căn cứ vào đặc điểm tình hình thực tế của Việt Nam, Đảng đề ra chính sách lập Mặt trận nhân dân phản đế:
… Nhưng xét về tình hình quần chúng vận động hiện thời cả về chính trị và về tổ chức chưa tới trình độ trực tiếp đánh đổ đế quốc Pháp, lập chính quyền công nông, giải quyết vấn đề điền địa. Vậy nhiệm vụ lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi chính để bao gồm các giai cấp, các đảng phái, các đoàn thể chính trị và tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, các dân tộc ở xứ Đông Dương để cùng nhau tranh đấu để đòi những điều dân chủ đơn sơ [29; tr.144].
… Trong hoàn cảnh hiện thời thì nhiệm vụ của Mặt trận nhân dân phản đế ở Đông Dương chưa phải là đánh đổ nền thống trị của đế quốc Pháp ở Đông Dương, mà chỉ tranh đấu chống chế độ thuộc địa dã man, đòi những quyền dân chủ tự do… [29; tr.148].
Đảng xác định lại vị trí của cuộc cách mạng điền địa trong mối quan hệ với nhiệm vụ đánh đổ đế quốc, đặt nhiệm vụ phản đế lên cao hơn, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu:
Cuộc dân tộc giải phóng không nhất định phải kết chặt với cuộc cách mạng điền địa. Nghĩa là không thể nói rằng: muốn đánh đổ đế quốc cần phải phát
triển cách mạng điền địa, muốn giải quyết vấn đề điền địa cần phải đánh đổ đế quốc. Lý thuyết ấy có chỗ không xác đáng.
… Nói tóm lại, nếu phát triển cuộc tranh đấu chia đất mà ngăn trở cuộc tranh