Các TH ĐTĐ được xác định với ≥ 2 lần xét nghiệm đường huyết > 126mg%.
Số trường hợp ĐTĐ mới mắc xuất hiện ở thời điểm 1 tháng sau ghép: 3 TH (3,9%), xuất hiện ở 3 tháng sau ghép: 2 TH (2,6%). Không có trường hợp nào xảy ra sau ghép 6 tháng. Tỷ lệ ĐTĐ mới xuất hiện sau ghép 6 tháng cộng dồn là 6,5% (5 TH) (bảng 3.21).
Mức trung bình đường huyết sau ghép 1 tháng, sau ghép 3 tháng và sau ghép 6 tháng đều cao so với trước ghép, tuy nhiên không tăng cao nhiều (bảng 3.22).
Tương tự tác giả Bùi Văn Mạnh (2012) có 4 TH ĐTĐ mới xuất hiện (tỷ lệ 3,92%). Theo nghiên cứu của Phạm Văn Bùi (2010), có 7 TH (21%) ĐTĐ mới xuất hiện sau ghép. Theo tác giả Nguyễn Hữu Thịnh (2013) nghiên cứu trên 57 bn ghép thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy có 8 TH xuất hiện ĐTĐ sau ghép (14%) [4],[22],[42].
Ở nghiên cứu của Rocha S. (2012) trên 79 BN trong 6 năm thì tỷ lệ ĐTĐ sau ghép là 25% (27%). Khalili N. (2013) nghiên cứu trên 3342 bn trong 2 năm ghi nhận tỷ lệ ĐTĐ sau ghép là 22,5% [77],[89].
Cosio F. (2002) nghiên cứu trên 1811 bn trong 15 năm thì tỷ lệ ĐTĐ là 20%. Theo một nghiên cứu khác của Cosio F. sau đó (2005) trên 490 bn khác trong 5 năm thì trong tuần đầu tiên sau ghép có 45% BN bị rối loạn dung nạp glucose và 21% bị ĐTĐ. Sau ghép 1 năm có 33% BN bị rối loạn dung nạp glucose, 13% bị ĐTĐ [57],[58].
Theo nghiên cứu của Kasiske B. (2003) theo dõi trên 11.659 bn trong 4 năm thấy rằng tỷ lệ ĐTĐ sau ghép 3 tháng, 12 tháng và 36 tháng lần lượt là 9,1%, 16%, và 24% [75].
Có sự khác biệt về tỷ lệ ĐTĐ mới mắc sau ghép thận, có thể do trong nghiên cứu của chúng tôi đa số là bn trẻ, tỷ lệ thừa cân béo phì ít (chỉ có 10.5%). Sự phổ biến của bệnh ĐTĐ sau ghép thận đã tăng, theo nghiên cứu của Palepu S. (2015) thì tỷ lệ này thay đổi từ 2% đến 53% ở nhiều nghiên cứu. Một lý do cho sự khác biệt lớn về tỷ lệ báo cáo có thể do những thách thức phải đối mặt trong việc đưa ra các chẩn đoán. Cho đến khoảng một thập kỷ trước, không có sự đồng thuận cho NODAT (New-onset diabetes after kidney transplantation), do ngưỡng đường huyết lúc đói hoặc ngẫu nhiên để chẩn đoán ĐTĐ khác nhau. Vấn đề này được giải quyết khi Những hướng dẫn đồng thuận năm 2003 (The 2003 Consensus Guidelines) của ADA (American Diabetes Association) và WHO xuất hiện [87].
ĐTĐ mới xuất hiện sau ghép thận (NODAT) là một mối đe dọa cho sự thải ghép, cũng như những tác động ngắn hạn và dài hạn của bệnh lý ĐTĐ type 2 nói chung. NODAT ảnh hưởng đến thận ghép và sự sống còn của bn, tăng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch sau cấy ghép và gây suy đa cơ quan. NODAT gây tăng nguy cơ bệnh tim mạch lên 1,34 đến 3,27 lần so với nhóm không bị ĐTĐ. Theo WHO, số bn ĐTĐ trên thế giới tăng gấp đôi từ 170 triệu đến 340 triệu trong vòng 10 năm qua. Thêm nữa, WHO tiên lượng ĐTĐ sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 7 vào năm 2030. Trong nghiên cứu ALERT, PTDM (ĐTĐ sau ghép) là yếu tố nguy cơ độc lập mạnh mẽ về nhồi máu cơ tim không tử vong sau ghép, tử vong do tim, đột quỵ và do thiếu máu cục bộ [3].
Các yếu tố nguy cơ gây NODAT không thay đổi được như tuổi tác, người Mỹ gốc Phi, người Tây Ban Nha, dân tộc Nam Á, nền tảng di truyền, tiền sử gia đình bị ĐTĐ, bệnh thận đa nang, rối loạn dung nạp glucose trước ghép. Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được gồm béo phì, hội chứng chuyển hóa, viêm gan siêu vi C, nhiễm cytomegalovirus, thuốc corticosteroid, thuốc ức chế calcineurin (đặc biệt là tacrolimus) và sirolimus [87],[90].