Giả thuyết nghiên cứu

Một phần của tài liệu Tác động của kiệt quệ tài chính và khủng hoảng tài chính đến hành vi tránh thuế thu nhập doanh nghiệp nghiên cứu thực nghiệm tại việt nam (Trang 40 - 42)

Kiệt quệ tài chính và hành vi tránh thuế

Từ các nghiên cứu thực nghiệm trước đây, kết quả cho thấy các công ty sẽ gia tăng hành vi tránh thuế trong suốt giai đoạn kiệt quệ tài chính. Cụ thể, kiệt quệ tài chính có thể khuyến khích các công ty tích cực giữ vững lập trường trong việc giảm các nghĩa vụ thuế, một trong những chi phí đáng kể của công ty. Thực tế, tiết kiệm thuế có thể cung cấp lượng vốn cần thiết để tài trợ cho hoạt động của công ty, duy trì xếp hạng tín dụng và giữ nguyên tình trạng các khế ước nhận nợ hoặc thậm chí để giảm thiểu nguy cơ phá sản (Brondolo, 2009). Từ đó, tác giả đặt ra giả thuyết về mối quan hệ giữa kiệt quệ tài chính và hành vi tránh thuế như sau:

6 Với dự liệu dạng bảng, các nhà nghiên cứu thường sử dụng phương pháp ước lượng Pooled OLS, FEM & REM hoặc chỉ sử dụng FEM & REM. Trong nghiên cứu này, tác giả ủng hộ quan điểm 2 do Pooled OLS đã không xét đến bình diện dạng bảng. Tuy nhiên, tác giả vẫn sử dụng kiểm định F (F.test) để kiểm định thêm cho lập luận của mình.

Giả thuyết H1: Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, khi rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính các công ty sẽ tích cực thực hiện hành vi tránh thuế.

Khủng hoảng tài chính và hành vi tránh thuế

Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn. Để đối phó với tình hình đó, nhiều công ty đã phải cắt giảm chi phí hoạt động, giảm đầu tư, giảm chi trả cổ tức. Tuy nhiên công ty càng thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng như vậy càng khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn (Campello & cộng sự, 2011). Từ đó, các nhà quản lý của công ty đã phải điều chỉnh các chính sách quản lý của mình, trong đó có chính sách thuế và họ đã chọn cách cắt giảm nghĩa vụ thuế của công ty thông qua thực hiện hành vi tránh thuế hoặc tăng cường hành vi tránh thuế. Đồng ý với các quan điểm trên, tác giả đề xuất giả thuyết như sau:

Giả thuyết H2: Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, khủng hoảng tài chính có tác động cùng chiều với hành vi tránh thuế.

Khủng hoảng tài chính trong mối quan hệ giữa kiệt quệ tài chính và hành vi tránh thuế

Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính, nhiều công ty đã rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính chứ không chỉ đơn thuần là gặp khó khăn tài chính. Nhiều công ty sụt giảm giá trị, nguồn vốn tín dụng bị hạn chế và khó tiếp cận hơn (Kahle & Stulz , 2013). Trong khi đó, nếu nền kinh tế không rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính thì kiệt quệ tài chính cũng không ảnh hưởng đến hành vi tránh thuế của doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là khủng hoảng tài chính liệu có tác động đến mối quan hệ giữa kiệt quệ tài chính và hành vi tránh thuế hay không. Khi bị hạn chế nguồn vốn tín dụng, các công ty sẽ tăng cường cắt giảm chi phí, trong đó có chi phí thuế thu nhập để bù đắp thiếu hụt do không có các khoản vay tín dụng Brondolo (2009), từ đó công ty càng tăng cường thực hiện hành vi tránh thuế. Từ đó, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính, các công ty rơi vào kiệt quệ tài chính càng gia tăng hành vi tránh thuế. Tác giả phát biểu giả thuyết:

Giả thuyết H3: Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, khủng hoảng tài chính có tác động đến mối quan hệ giữa kiệt quệ tài chính và hành vi tránh thuế.

Một phần của tài liệu Tác động của kiệt quệ tài chính và khủng hoảng tài chính đến hành vi tránh thuế thu nhập doanh nghiệp nghiên cứu thực nghiệm tại việt nam (Trang 40 - 42)