Lý thuyết lợi ích và chi phí chỉ giải thích được tại sao các công ty lại thực hiện hành vi tránh thuế, nhưng chưa giải thích được tại sao khi rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính, các công ty lại thực hiện hành vi tránh thuế. Câu hỏi này sẽ được giải thích thông qua lý thuyết chuyển đổi rủi ro.
Lý thuyết chuyển đổi rủi ro được Bulow & Shoven đưa ra lần đầu vào năm 1978 trong bài viết “The bankruptcy decision” được xuất bản trong tạp chí Bell Journal of Economics (autumn). Sau đó vào năm 1981, Golbe đề cập lại lý thuyết này trong tác phẩm “The effects of imminent bankruptcy on stockholder risk preference and behavior” cũng được xuất bản trên tạp chí Bell Journal of Economics. Lý thuyết chuyển đổi rủi ro được đưa trong bối cảnh khi các công ty rơi vào tình trạng phá sản thì đâu là lựa chọn hữu hiệu nhất.
Theo đó, khi công ty rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính, các cổ đông và nhà quản lý công ty thường có xu hướng thực hiện các hành vi chuyển đổi rủi ro (Eberhart & Senbet, 1993; Maksimovic & Titman, 1991). Khi đó, vốn chủ sở
hữu của công ty được xem như một tài sản trên thị trường. Galai & Masulis (1976); Jensen & Meckling (1976) cho thấy rằng các cổ đông thường chuyển đổi rủi ro sang các trái chủ, chủ nợ bằng cách thực hiện các dự án có rủi ro cao bằng hình thức vay nợ để tài trợ dự án. Tuy nhiên, các trái chủ, chủ nợ cũng nhận ra các hành vi chuyển đổi rủi ro về phía họ và do đó, họ đòi hỏi một chi phí sử dụng vốn cao hơn khi xem xét mua trái phiếu, cho vay nợ đối với các công ty rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính. Điều này khiến cho các công ty sẵn sàng thực hiện các chính sách quản lý có tính rủi ro cao hơn. Trong đó, thực hiện hành vi tránh thế cũng được xem là môt chính sách quản lý có tính rủi ro cao.