Đổi mới công tác giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho thanh niên

Một phần của tài liệu Phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong việc xây dựng đạo đức mới cho thanh niên sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 82 - 84)

thanh niên sinh viên Việt Nam hiện nay

Nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và đào tạo đã quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên ở các trường cao đẳng và đại học, nhiều lần tổ chức biên soạn lại giáo trình và tài liệu tham khảo phục vụ môn đạo đức học. Tuy nhiên, nội dung, chương trình và phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức vẫn còn nghèo nàn, nhiều khi còn nặng tính hàn lâm, xa rời thực tế, thiếu cập nhật. Giáo viên giảng dạy môn đạo đức học ở các trường cao đẳng, đại học phần lớn chưa được đào tạo chuyên sâu, chủ yếu do các giảng viên giảng dạy các môn lý luận Mác-Lênin đảm nhận, do đó chất lượng và hiệu quả thấp. Thực tế này đã được nêu ra trong Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương khoá VIII: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nhân văn, giáo dục thể chất, giáo dục thẩm mỹ bị xem nhẹ. Hiệu quả giảng dạy các môn khoa học Mác- Lênin bị hạn chế” [9, tr.26].

Giáo dục đạo đức là một phương thức quan trọng trong quá trình xây dựng đạo đức mới cho thanh niên sinh viên. Thông qua giáo dục đạo đức, sinh viên sẽ lĩnh hội được các phạm trù, khái niệm, các giá trị đạo đức một cách sâu sắc. Từ đó, các hoạt động của họ sẽ phù hợp hơn với yêu cầu của xã hội mới, quan trọng hơn là làm cho họ có khả năng tự kiểm tra, đánh gía và tự điều chỉnh hành vi của chính mình trong điều kiện mới. Trong giáo

dục đạo đức, việc coi trọng giáo dục giá trị đạo đức truyền thống là một yêu cầu cơ bản. Giáo dục đạo đức truyền thống sẽ là cầu nối quan trọng giữa thế hệ trẻ với quá khứ, với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy trong họ niềm tin, niềm tự hào và ý thức bảo vệ những thành quả tinh thần mà ông cha ta đã đạt được.

Để công tác giáo dục mang lại hiệu quả cao, cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên (vấn đề có ý nghĩa quyết định) cần phải tổ chức biên soạn tài liệu, giáo trình mới phục vụ tốt hơn cho giảng dạy. Nội dung giáo dục: kết hợp giữa việc kế thừa và đổi mới các giá trị đạo đức truyền thống với việc bổ sung thêm hệ thống giá trị, chuẩn mực đạo đức mới như: đạo đức sinh thái, đạo đức nghề nghiệp, tự lập, tự chủ, sáng tạo,... Hơn nữa, cần tăng cường và đa dạng hoá các hình thức hoạt động có ý nghĩa chính trị xã hội để thu hút sinh viên tham gia, kích thích tính tích cực xã hội ở họ, đồng thời đó cũng là giải pháp tốt nhất để thực hiện phương châm giáo dục: lý luận kết hợp với thực tiễn, học đi đôi với hành. Như vậy, việc giáo dục đạo đức sẽ không bị đóng khung trong nhà trường, không tách rời với cuộc sống sôi động đang biến đổi từng ngày, từng giờ.

Cùng với nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho thanh niên sinh viên cũng phải được đổi mới sao cho phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của họ. Thông thường, chúng ta vẫn áp dụng những phương pháp mang tính truyền thống trong giáo dục đạo đức như: diễn giảng, tổ chức cuộc thi tìm hiểu truyền thống, lấy gương người tốt việc tốt để giáo dục, thiết lập các thói quen ứng xử theo chuẩn mực đạo đức,...Việc áp dụng và phát huy những phương pháp giáo dục truyền thống này đối với thanh niên sinh viên là rất cần thiết và quan trọng, tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay đòi hỏi các chủ thể giáo dục phải luôn đổi mới, tìm những hình thức giáo dục mới, cuốn hút được đông đảo thanh niên sinh viên tham gia theo kiểu học mà chơi, chơi mà học. Chẳng hạn, một số nơi đã áp dụng các

hình thức sân khấu hoá hoạt động giáo dục truyền thống, tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho tuổi trẻ. Ở đó, thanh niên sinh viên không còn có cảm giác bị “giáo huấn”, học lý thuyết suông. Việc tiếp thu giá trị truyền thống đến một cách tự nhiên, thoải mái, tự giác mà hiệu quả rất cao. Chính trong những hoạt động như thế, sinh viên không đơn thuần chỉ là đối tượng giáo dục, mà xét ở khía cạnh nào đó họ đã trở thành chủ thể giáo dục của chính mình.

Ngoài ra, chúng ta phải tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của các đoàn thể, tổ chức quần chúng cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của sinh viên. Điều đó đòi hỏi các tổ chức đoàn thể phải có chương trình về công tác giáo dục thanh niên của tổ chức mình, xây dựng quy chế hoạt động phù hợp gắn Đoàn thanh niên với hội viên.

Trên thực tế, riêng ở Hà Nội những năm gần đây, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học đã tổ chức được nhiều hình thức hoạt động mang tính giáo dục giá trị truyền thống cao, thu hút đông đảo sinh viên hưởng ứng tham gia: chương trình “Xây dựng hình ảnh người sinh viên Thủ đô ngàn năm văn hiến”, “Tuổi trẻ học đường Thủ đô tiến bước dưới cờ Đảng thi đua học tập - rèn luyện, lập công xuất sắc trong phong trào Thanh niên tình nguyện”, thi tìm hiểu “Đảng cộng sản Việt Nam, Đảng bộ thành phố Hà Nội”,... Đây là những dịp thuận lợi để sinh viên biến nhận thức, ý thức đạo đức thành thực tiễn đạo đức, không ngừng nâng cao tình cảm đạo đức cách mạng cho thanh niên sinh viên.

Một phần của tài liệu Phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong việc xây dựng đạo đức mới cho thanh niên sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 82 - 84)