Thực trạng giáo dục giá trị đạo đức truyền thống thông qua các phong

Một phần của tài liệu Phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong việc xây dựng đạo đức mới cho thanh niên sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 54 - 58)

các phong trào chính trị - xã hội - thực tiễn

Công tác giáo dục đạo đức không những cần tác động về mặt trí tuệ mà còn cần tác động cả về mặt tình cảm, rèn luyện nghị lực, hành vi đạo đức. Do đó, ngoài giáo dục ý thức đạo đức trong nhà trường còn cần có sự kết hợp đồng bộ của nhiều hoạt động khác. Như Lênin đã nói: “Cơ sở của đạo đức cộng sản là cuộc đấu tranh để củng cố và hoàn thành công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Đó là lời giải đáp về vấn đề phải học tập chủ nghĩa cộng sản như thế nào. Chúng ta không tin vào việc rèn luyện, giáo dục và học tập nếu những việc đó chỉ đóng khung trong nhà trường và tách rời cuộc sống sôi nổi” [33, 358]. Điều này có nghĩa là học phải đi đôi với hành.

hành, lý luận phải đi đôi với thực tiễn. Bởi lẽ, theo Người, lý luận không có

thực tiễn là lý luận suông, thực tiễn không có lý luận là thực tiễn mù quáng. Vì vậy, công tác giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống cũng không chỉ là những bài học trong sách vở mà còn cần phải được kết hợp với hoạt động thực tiễn.

Quán triệt tinh thần đó, trong những năm gần đây, Đảng uỷ các trường đại học đã có sự quan tâm, trực tiếp chỉ đạo các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên phát động nhiều phong trào cho sinh viên tham gia như: “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Về nguồn”,... Nhiều phong trào của sinh viên mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, hướng về cội nguồn sâu sắc như: Giúp đỡ và chăm sóc các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với cách mạng gặp cảnh neo đơn, những người già cả ốm đau không nơi nương tựa; nhiều phong trào đền ơn đáp nghĩa, hiến máu nhân đạo, “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, chiến dịch “Mùa hè xanh”, chương trình thanh niên tình nguyện “Tiếp sức mùa thi”, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội tổ chức triển khai chương trình hành động “Tuổi trẻ Thủ đô học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, sinh viên tình nguyện về những nơi vùng sâu vùng xa dạy học cho trẻ em nghèo,...

Bên cạnh nhiều phong trào hành động để sinh viên thâm nhập thực tế còn có nhiều cuộc thi được tổ chức cho thanh niên sinh viên có điều kiện tìm hiểu sâu về truyền thống dân tộc như: “Tìm hiểu 60 năm thành lập nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Tìm hiểu văn hoá Việt - Nhật”, cuộc thi tìm hiểu “Những mốc son Thăng Long - Hà Nội”, tìm hiểu “75 năm lịch sử vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”, tìm hiểu 55 năm Truyền thống học sinh, sinh viên và Hội sinh viên Việt Nam, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh “Sáng mãi tên Người”, “Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, đất nước phồn vinh tiến vào thế kỷ 21”, “Âm vang Điện Biên”,...

Ngoài ra, nhiều trường cao đẳng và đại học ở Hà Nội cùng các trường trong cả nước cũng luôn tạo điều kiện khuyến khích sinh viên phấn đấu

vươn lên trong học tập, sáng tạo và nghiên cứu khoa học, nhằm phát huy tính ham học hỏi bằng việc tổ chức các hội thảo khoa học, các kỳ thi Ôlimpic môn học. “Nghiên cứu khoa học cần phải trở thành một hoạt động chuyên nghiệp trong các đại học”. Hà Nội hiện có khoảng hơn 50 trường đại học và cao đẳng. Năm học 2001-2002 có 4609 đề tài nghiên cứu khoa học của 5489 sinh viên các trường đại học và cao đẳng được nghiệm thu đánh giá. 5504 sinh viên tham gia 319 cuộc thi Ôlimpic các môn học. Năm học 2002 - 2003 có 3460 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên với 9271 sinh viên tham gia, 83 đợt tổ chức thi sinh viên giỏi và Ôlympic các môn học với 3928 sinh viên tham gia. Kết quả năm học này là 1116 giải thưởng cấp trường, 270 giải thưởng cấp bộ, 128 câu lạc bộ chuyên ngành được Đoàn thanh niên các trường tham mưu với lãnh đạo nhà trường đầu tư về cơ sở vật chất, nội dung và hình thức hoạt động, thu hút 16466 sinh viên tham gia. Năm học 2004 - 2005 có hơn 2000 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, gần 5000 sinh viên tham gia, phối hợp gần 400 buổi toạ đàm về nâng cao chất lượng học tập của sinh viên...

Không những thế, thanh niên sinh viên Thủ đô còn là lực lượng sôi nổi nhất trong các phong trào phòng chống tệ nạn xã hội, ma tuý, mại dâm; các hoạt động tuyên truyền về dân số, sức khoẻ và môi trường... Họ vừa học tập vừa nhiệt tình với các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao do nhà trường tổ chức. Nhiều sinh viên xuất sắc đã được giới thiệu học các lớp đối tượng cảm tình Đảng và được kết nạp vào Đảng [Phụ lục 4].

Trên đây là tổng quan các hoạt động, các phong trào Đoàn và công tác Hội sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những năm gần đây. Từ đó, ta thấy được thực trạng việc giáo dục đạo đức truyền thống cho sinh viên qua các phong trào chính trị - xã hội đều có những điểm mạnh và đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Nhìn chung, trong những năm qua, các trường cao đẳng và đại học ở thành phố Hà Nội đã phối hợp với Trung ương Hội sinh viên nắm bắt kịp thời các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội sinh viên, Hội sinh viên thành phố, bám sát chương trình năm học, sáng tạo trong việc triển khai tổ chức thực hiện. Vì vậy, ngoài việc giáo dục kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho sinh viên, các trường đều quan tâm đến nhiều hoạt động khác nhằm giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho sinh viên, đặc biệt là nhằm giáo dục ý thức bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Thông qua nhiều hình thức giáo dục phong phú ấy mà những truyền thống cách mạng được nhấn mạnh như: truyền thống yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc, truyền thống hiếu học, truyền thống thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau,... Sinh viên Thủ đô ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò xung kích, sáng tạo của mình trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Song trong khi đa số các sinh viên với bản tính sôi nổi, ưa hoạt động, nhiệt tình, thích tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, các buổi giao lưu trong nước và quốc tế, những lễ hội truyền thống và các hoạt động xã hội khác thì vẫn còn một số ít thanh niên sinh viên chưa ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, nên họ không cố gắng vươn lên trong các hoạt động và trong mọi hoàn cảnh. Mặc dù số đông sinh viên đều thích tham gia các hoạt động chính trị - xã hội nhưng vẫn còn không ít sinh viên ngại sinh hoạt tập thể. Họ chưa ý thức được mặt tích cực của các hoạt động đoàn thể nên không tự giác, không thường xuyên hưởng ứng.

Hơn nữa, một số sinh viên hiện nay sống thiếu lý tưởng, ước mơ, khát vọng vươn lên. Thay vì lý tưởng sống cao cả, vì Tổ quốc, “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, số ít sinh viên lại có lối sống cá nhân ích kỷ, thờ ơ với đời sống chính trị, với các sinh hoạt đoàn thể. Họ thích nhập vào

những băng đảng, những nhóm thanh niên có các hoạt động đi ngược với lợi ích số đông mọi người chỉ để thoả mãn tính tò mò hay để “giết” thời gian.

Nên chăng, chúng ta cũng cần phải xem xét lại nội dung và cách thức tổ chức những phong trào hướng về cội nguồn cho sinh viên trong các nhà trường để thực sự thu hút được họ nhiệt tình tham gia hơn nữa. Các phong trào chính trị - xã hội phải ngày càng đa dạng, phong phú, có ý nghĩa thiết thực giúp sinh viên nhận thức được những giá trị truyền thống của dân tộc.

Một phần của tài liệu Phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong việc xây dựng đạo đức mới cho thanh niên sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 54 - 58)