xây dựng đạo đức mới cho thanh niên sinh viên Việt Nam hiện nay
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa là một trong những đặc trưng cơ bản, phổ biến của sự phát triển. Nó là sự biểu hiện mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng, quá trình trong thế giới, khi cái mới thay thế cái cũ nhưng vẫn giữ lại một số yếu tố phù hợp của cái cũ - những yếu tố này cần thiết cho sự ra đời của cái mới. Tuy nhiên, trong sự phát triển, không chỉ diễn ra sự kế thừa mà còn luôn luôn có sự đổi mới, tái tạo. Đây là hai mặt thống nhất biện chứng trong sự phát triển, luôn tồn tại song hành, thâm nhập và bổ sung lẫn nhau. Hơn nữa, theo quan điểm mácxít, không những chỉ tồn tại sự kế thừa theo thời gian (theo lịch đại) mà còn tồn tại sự kế thừa theo không gian (kế thừa đồng đại) - điều này càng có ý nghĩa to lớn hơn trong điều kiện mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế hiện nay.
Trong đạo đức, việc kế thừa và đổi mới có nhiều nét đặc trưng riêng. Việc kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc đối với quá trình xây dựng đạo đức mới cho thanh niên sinh viên Việt Nam hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Thứ nhất, các giá trị đạo đức truyền thống giữ vị trí nền tảng, làm cơ
sở cho việc xây dựng đạo đức mới nói chung và xây dựng đạo đức mới cho thanh niên sinh viên nói riêng. Hơn nữa, nó còn tạo điều kiện cho nền đạo đức mới được khẳng định và phát triển vững chắc. Bởi vì, các giá trị đạo đức truyền thống làm nên bản sắc Việt Nam, tâm hồn, lối sống con người Việt
Nam từ truyền thống đến hiện đại. Đạo đức truyền thống là tiền đề trực tiếp của đạo đức cách mạng (đạo đức mới). Đạo đức mới của thanh niên sinh viên là sự tiếp nối và phát huy giá trị đạo đức tốt đẹp của thời đại trước để lại. Những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc, truyền thống của thanh niên sinh viên đã từng tạo nên ý nghĩa tích cực trong sự phát triển đạo đức của người thanh niên sinh viên trước đây thì ngày nay những giá trị ấy vẫn không ngừng phát huy ảnh hưởng tích cực trong quá trình xây dựng đạo đức mới cho người thanh niên sinh viên hiện đại.
Những giá trị đạo đức truyền thống được lựa chọn về cơ bản là phù hợp với công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Có những chuẩn mực đạo đức truyền thống đã lỗi thời bị gạt bỏ, nhưng cũng có những giá trị mới được khẳng định và sẽ đề cao như: coi trọng giá trị cá nhân, tính năng động, dám nghĩ, dám làm,... Khả năng thích ứng của người Việt trong điều kiện mới rất nhanh chóng. Song không ai phủ nhận được vai trò nền tảng của các giá trị đạo đức truyền thống trong đời sống tinh thần. Một hệ thống đạo đức xã hội sẽ không thể phát triển nếu gạt bỏ đạo đức truyền thống và không hướng tới mục tiêu ngày càng phát triển con người toàn diện. Mặc dù có sự tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường nhưng những giá trị đạo đức truyền thống đích thực vẫn được nhân dân ta gìn giữ, phát huy trong đời sống đạo đức của người Việt Nam hiện nay. Xây dựng nền văn hoá mới, đạo đức mới mà lãng quên những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc là sẽ tự đánh mất mình, “trở thành bóng mờ, hoặc bản sao chép của người khác” [6, tr.6]. Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta cũng là một mẫu mực trong việc đánh giá được tầm quan trọng và đã kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống dân tộc. Đối với Người, kế thừa các giá trị truyền thống nói chung và giá trị đạo đức truyền thống nói riêng cần phải thực hiện theo phương thức:
“Đời sống mới không phải cái gì cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới.
Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm…
Cái gì mới mà hay thì phải làm” [41, tr.94-95].
Trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, nguyên tắc kế thừa được vận dụng một cách nhuần nhuyễn và trở thành nguyên tắc có tính chất chỉ đạo trong sự tiếp thu các giá trị đạo đức truyền thống và nhân loại để xây dựng nền đạo đức mới - đạo đức cộng sản.
Thứ hai, những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc là động lực và là
ngọn nguồn phát triển của dân tộc, tạo nên sức mạnh tinh thần và bản lĩnh dân tộc, đặc biệt là kích thích thế hệ thanh niên sinh viên vươn lên tự tin trong điều kiện mới hết sức phức tạp như hiện nay. Trong xu thế quốc tế hoá, dù muốn hay không, các quốc gia cũng phải mở cửa hoà nhập chung với thế giới hiện đại. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại làm cho các lĩnh vực của cuộc sống trở nên hết sức năng động, các điều kiện và yêu cầu của cuộc sống luôn luôn thay đổi. Đặc biệt là những thành tựu của cuộc cách mạng tin học làm cho các luồng tư tưởng, các sản phẩm văn hoá được truyền bá nhanh chóng và rộng khắp. Chính những nhân tố mới của thời đại đã tạo nên những mối quan hệ mới có ảnh hưởng sâu sắc đến các quan hệ truyền thống và các chuẩn mực vốn tương đối ổn định. Tất cả những yếu tố mới ấy làm thay đổi tư duy, tác phong của con người nói chung, đặc biệt là tầng lớp thanh niên sinh viên nói riêng, làm cho họ năng động hơn, nhạy cảm hơn, tăng khả năng nhận thức và cải tạo thế giới, thay đổi nhiều quan niệm sống của họ. Trước nhiều tác động mạnh mẽ của thời đại, nền kinh tế thị trường bên cạnh những yếu tố góp phần tích cực vào việc hình thành phẩm chất đạo đức mới của con người Việt Nam hiện đại còn có mặt tiêu cực tác động theo chiều hướng ngược lại. Vậy dựa vào đâu để con người có cơ sở sàng lọc những gì phù hợp, cần thiết cho sự phát triển riêng của Việt Nam và loại bỏ những cái không phù hợp với quá trình xây dựng con người mới XHCN? Đó chính là nền tảng những giá trị đạo đức truyền
thống dân tộc Việt Nam. Quá khứ, hiện tại và tương lai là một dòng chảy liên tục. Không có cái mới chân chính nào ra đời bên ngoài nền móng của truyền thống. Giá trị đạo đức truyền thống giúp cho thế hệ trẻ luôn có lòng tự hào về dân tộc, có niềm tin, sức mạnh vượt qua những khó khăn mới mà thực tiễn cách mạng đặt ra. Sẽ không thể có con người Việt Nam hiện đại phát triển toàn diện nếu như mỗi chúng ta không có hiểu biết, không thấm nhuần lịch sử hào hùng của dân tộc ta cùng với những truyền thống đạo đức tốt đẹp mà ông cha để lại. Việc kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong việc xây dựng đạo đức mới cho thế hệ trẻ sẽ tạo khả năng to lớn cho sự hoàn thiện từng bước con người mới, từ đó sẽ nung nấu trong lòng họ những hoài bão, khát vọng đấu tranh và xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh.
Chương 2
PHÁT HUY GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC TRONG VIỆC XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC MỚI CHO THANH NIÊN SINH VIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY - THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN
NHÂN (QUA MỘT SỐ TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở HÀ NỘI)