Thực trạng giáo dục ý thức đạo đức (đặc biệt là ý thức đạo đức truyền

Một phần của tài liệu Phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong việc xây dựng đạo đức mới cho thanh niên sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 45 - 54)

đức truyền thống dân tộc) trong các trường cao đẳng, đại học hiện nay

Giáo dục là một trong những phương thức hết sức quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách. Bằng con đường này, người ta lĩnh hội được các giá trị xã hội, trong đó có các giá trị đạo đức, do đó, nhân cách con người mới được hình thành và phát triển.

Giáo dục đạo đức là nhiệm vụ bao trùm và xuyên suốt toàn bộ hoạt động giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội để hình thành và phát triển nhân cách. Giáo dục đạo đức phải trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, là vấn đề của mọi vấn đề trong chiến lược giáo dục - đào tạo vì sự phát triển con người và phát triển xã hội. Giáo dục đạo đức là liên tục, người có đạo đức phải có ý thức và nhu cầu tự giáo dục suốt đời.

Thông qua giáo dục đạo đức, các khái niệm, phạm trù, các giá trị đạo đức được nhận thức sâu sắc hơn, các hành động của con người sẽ phù hợp hơn với các chuẩn mực xã hội, làm cho con người có khả năng tự kiểm tra, đánh giá, thẩm định, điều chỉnh hành vi của mình. Qua đó, khơi dậy lòng nhân ái, sự bao dung trong họ. Cách đây hàng ngàn năm, nhà triết học Arixtốt đã từng nói: người ta dạy đức hạnh không phải để biết đức hạnh là gì mà để trở thành con người có đức hạnh.

Nội dung của giáo dục đạo đức gồm giáo dục nhận thức để hình thành ý thức đạo đức, bồi dưỡng tình cảm để hình thành và phát triển những xúc

cảm, tình cảm đạo đức trong sáng, cao quý thuộc về nhân tính; xây dựng niềm tin đạo đức dựa trên cơ sở kết hợp hài hoà giữa nhận thức và tình cảm đạo đức; tập luyện hành vi và trau dồi thói quen trong những ứng xử đạo đức hàng ngày giữa người với người. Tổng hợp những cái đó trong giáo dục đạo đức để hình thành nhu cầu đạo đức và văn hoá đạo đức ở mỗi người. Đó là nhu cầu hàng đầu của đời sống tinh thần, thế giới tinh thần, nói lên trình độ trưởng thành đạo đức và nhân cách của con người.

Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc là một trong những nội dung cơ bản của giáo dục đạo đức nói chung, giáo dục đạo đức ở bậc đại học và cao đẳng nói riêng. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cho toàn dân, đặc biệt là đối với thanh niên sinh viên - một tầng lớp trí thức trẻ trong tương lai của đất nước. Thật vậy, trong tất cả các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn luôn quan tâm đến việc giáo dục truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ. Đảng ta đã có Chỉ thị 34 về việc phát triển Đảng viên trong trường học. Tại Hội nghị Trung ương 5 khoá VIII, Đảng ta khẳng định: “Đội ngũ trí thức Việt Nam giàu lòng yêu nước, đại bộ phận xuất thân từ nhân dân lao động, là tinh hoa của nền văn hoá nước nhà được Đảng, Nhà nước và nhân dân tôn trọng, tạo mọi điều kiện để cho anh chị em phát huy trí tuệ, tài năng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và CNXH, giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá” [10, tr.12].

Tại Đại hội Đảng lần thứ IX, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Về giáo dục và đào tạo: tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục; thực hiện “chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá”. Phát huy tinh thần độc lập suy nghĩ và sáng tạo của học sinh, sinh viên, đề cao năng lực tự học, tự hoàn thiện học vấn và tay nghề” [11, tr.35].

Trong Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” của Đảng ta nhấn mạnh: “Tư tưởng, đạo

đức, lối sống là những lĩnh vực then chốt của văn hoá” và đặt ra cho ngành giáo dục - đào tạo phải coi trọng giáo dục bản sắc văn hoá dân tộc cho học sinh, sinh viên.

Hiện nay, công tác giáo dục giá trị đạo đức truyền thống trong việc

xây dựng đạo đức mới cho sinh viên có nhiều thuận lợi. Đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đang ngày càng ổn định và phát triển mạnh mẽ. Sự thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã tạo nên không khí phấn khởi, tin tưởng, củng cố vững chắc niềm tin của các tầng lớp nhân dân, trong đó có thanh niên sinh viên Hà Nội, vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản trong sự nghiệp đổi mới của đất nước. Sau hai mươi năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, chúng ta đã thu được nhiều thành tựu lớn. Hơn nữa, trong quá trình hội nhập, toàn cầu hoá kinh tế quốc tế, Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình trong các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới như: ASEAN, AFTA, APEC,…và đặc biệt Việt nam đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức thương mại quốc tế (WTO). Chính những thay đổi lớn lao ấy đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực khác của đời sống xã hội, mọi tầng lớp nhân dân (trong đó có tầng lớp thanh niên sinh viên).

Trên cơ sở những thuận lợi nêu trên của tình hình mới đem lại, công tác giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên ở các trường đại học và cao đẳng của Hà Nội đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Quán triệt quan điểm của Đảng và Nhà nước về vấn đề giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, các trường đại học và cao đẳng ở thành phố Hà Nội đã triển khai công tác này một cách tích cực. Các trường đã phối hợp với gia đình, các cơ quan, tổ chức đoàn thể xã hội,... đưa ra những mô hình và phương pháp mới giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc mang lại hiệu quả cao. Khác so với trước đây, trong xã hội cũ, việc giáo dục chỉ thiên về giáo dục đạo đức (có thể hiểu là đạo đức truyền thống, bởi lẽ người ta thường lấy những giáo lý thời xa xưa đem dạy lại), còn xem thường các loại hình giáo dục khác; thì

nay công tác giáo dục có sự phối kết hợp giữa các loại hình: giáo dục tri thức, giáo dục pháp luật, giáo dục thẩm mỹ. Định hướng giá trị của sinh viên cũng có những biến đổi đáng kể: không chỉ coi trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, lễ nghĩa truyền thống mà còn đánh giá cao những giá trị vật chất, nhu cầu sinh hoạt vật chất. Theo kết quả của đề tài KX - 07 - 04 thì sinh viên chọn nghề có thu nhập cao là quan trọng hơn cả (77%), nghề có điều kiện phát triển năng lực (62,8%), nghề được xã hội coi trọng (62,7%), nghề có điều kiện tiếp tục học lên (56,8%) là những nghề mà sinh viên thích trong cơ chế thị trường. Thanh niên sinh viên với những đặc điểm tốt đẹp của lớp người có trình độ học vấn cao, nhạy cảm với cái mới, cái đẹp, đã tiếp thu rất nhanh những kiến thức nhờ tiếp xúc với văn hoá nhân loại và phát triển nhu cầu văn hoá đa dạng, từng bước hình thành một lối sống đạo đức mới qua các chuẩn và thang giá trị văn hoá. Do đó, việc giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống đạt hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên, xem xét và đánh giá một cách toàn diện về công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học, ở một góc nhìn khác, chúng ta cũng không thể phủ nhận những hạn chế và thiếu sót nhất định:

Thứ nhất, mặc dù, Đảng và Nhà nước đã có quan điểm đúng đắn về

công tác giáo dục song còn dừng lại ở mức chung chung, chưa có những định hướng cụ thể với việc giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Trong những năm gần đây, yêu cầu của việc phát triển kinh tế mạnh mẽ đã khiến nhiều người trong chúng ta xem nhẹ việc giáo dục văn hoá tinh thần. Ở một số trường, nhất là các trường kỹ thuật, nội dung chương trình học mở rộng thêm một số môn chuyên ngành song đồng thời lại giảm thời lượng hoặc cắt

môn Đạo đức học. Một số trường còn đang giảng dạy môn học này thì nhìn

chung chưa có sự đổi mới về nội dung và phương pháp cho phù hợp với cuộc sống hiện tại, chưa sát thực tế, chưa phản ánh được yêu cầu cấp bách của việc xây dựng con người toàn diện trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện

đại hoá. Đặc biệt, nội dung giáo dục truyền thống dân tộc, giáo dục lịch sử văn hoá dân tộc, nêu những gương sáng của thanh niên còn bị xem nhẹ trong

chương trình đào tạo, chưa được đưa vào môn Đạo đức học. Việc giảng dạy

đạo đức hiện nay vẫn thuần tuý lý thuyết chung chung, giảng giải một chiều, áp đặt, thiếu sự hấp dẫn, thiếu sức thuyết phục, chưa coi “người học làm trung tâm” do vậy chưa kích thích được tính tích cực, ham học hỏi ở sinh viên.

Thứ hai, trên địa bàn Hà Nội những năm gần đây, một số trường cao

đẳng, đại học đã có những sai phạm làm ảnh hưởng xấu đến kết quả của công tác giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức nói riêng. Có những cán bộ, giảng viên có biểu hiện tiêu cực trong kỳ thi tuyển sinh. Có những giảng viên suy thoái về nhân cách trong quan hệ thày trò,... Giáo dục đạo đức có nhiều hình thức, trong đó có việc phải nêu gương cho người học noi theo. Vì vậy, trong thực tế, những hiện tượng tiêu cực sẽ tác động rất lớn, làm cho sinh viên mất đi tình cảm và niềm tin đạo đức trong sáng, ảnh hưởng đến quan hệ truyền thống đạo đức tốt đẹp giữa thày và trò. Hơn thế nữa, với một số trường, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý chuyên trách còn thiếu về số lượng và yếu về năng lực trình độ, chưa toàn tâm toàn ý với công việc của mình. Thu nhập của giảng viên chưa cao, khó có thể sống bằng chính đồng lương của mình, khiến họ phải làm thêm, nhiều khi “chân ngoài dài hơn chân trong”. Điều đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Thứ ba, trong quá trình hội nhập và chuyển đổi cơ chế kinh tế, chúng

ta đã không tính hết được những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Công tác giáo dục đạo đức nói chung và việc giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống nói riêng cho thanh niên sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học hiện nay gặp phải không ít những khó khăn do những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường. “Về khách quan mà nói kinh tế thị trường với sức mạnh tự phát ghê gớm của nó đã khuyến khích chủ nghĩa cá nhân, lối

sống thực dụng, làm cho người ta chỉ chú ý tới lợi ích vật chất, mà coi nhẹ giá trị tinh thần, chỉ chú ý lợi ích cá nhân mà coi nhẹ lợi ích cộng đồng, chỉ chú ý lợi ích trước mắt mà coi nhẹ lợi ích lâu dài, cơ bản” [7, tr.30]. Do vậy, “những năm gần đây tình trạng suy thoái về đạo đức và lối sống có chiều hướng tăng lên, rất đáng lo ngại...” [7, tr.27] và “một bộ phận thanh niên còn mơ hồ về lý tưởng, chưa nhận thức được tình hình, nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới, chưa xác định được trách nhiệm của thanh niên nói chung và của bản thân nói riêng” [54, tr.309].

Thang giá trị xã hội trong đó có giá trị đạo đức truyền thống bị thay đổi, thậm chí “đảo lộn” nhanh chóng. Nhiều sinh viên bộc lộ rõ tính ích kỷ, thích hưởng thụ,... Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã tính đến công việc tương lai là: không muốn đi những vùng sâu vùng xa cống hiến, muốn được ở lại thành phố, làm những công việc nhàn hạ mà có thu nhập cao... [Phụ lục 2 và 3]. Điều này khiến nhiều sinh viên dễ bị những kẻ xấu, những tổ chức phản động, hoạt động phi pháp lôi kéo, dụ dỗ. Ngoài ra, khi hàng hoá ngoại nhập ùa vào thị trường trong nước, nhiều văn hoá phẩm độc hại tràn vào bằng nhiều con đường bất hợp pháp làm suy thoái đạo đức, lối sống thế hệ trẻ. Nhiều sinh viên, thậm chí còn là những sinh viên khá giỏi do chưa vững vàng về lý tưởng sống mà đã nhanh chóng huỷ hoại cuộc đời mình: tham gia vào đường dây “thi hộ đại học”, sinh viên “tống tiền”, cướp giật tài sản của công dân,... Những hình ảnh này làm giảm sút niềm tin của mọi người đối với thế hệ gánh vác tương lai của đất nước.

Tác động tiêu cực của kinh tế thị trường là nó đẻ ra lối sống thực dụng, cực đoan, tôn thờ đồng tiền, huỷ hoại đạo đức truyền thống. Một số người vì đồng tiền mà làm mọi việc táng tận lương tâm, trà đạp lên đạo lý. Lối sống đó tác xấu tới thanh niên sinh viên nhanh chóng. Đồng tiền lên ngôi chi phối nhiều mối quan hệ giữa người và người, tình bạn bè, tình thày trò có phần phai nhạt. Nạn hối lộ biểu hiện dưới nhiều hình thức. Tiêu cực xâm nhập vào học đường - nơi mà xưa nay vốn lấy đạo lý, lương tâm làm

trọng - khiến cho một số giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục bị xói mòn lương tâm nghề nghiệp. Có thày giáo, cô giáo bị đồng tiền làm méo mó nhân cách, biến dạng cả quan hệ thày trò vốn thiêng liêng của truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “tiên học lễ hậu học văn”.

Trong giới sinh viên, đồng tiền cũng chi phối ghê gớm làm nảy sinh nhiều bất công. Trong học tập, họ muốn điểm cao, không phải thi lại nhưng không bằng quyết tâm học tập, rèn luyện và cố gắng của chính bản thân mình mà bằng “chạy chọt” xin điểm, quay cóp, gian lận trong kiểm tra, thi cử với nhiều thủ đoạn tinh vi. Một số sinh viên có tâm lý tự bằng lòng với mình, thậm chí coi việc đi học như một sự miễn cưỡng vì gia đình hoặc vì sự sĩ diện của bản thân. Cho nên, họ có những biểu hiện tiêu cực như: thường xuyên đi học muộn, không ghi chép bài vở, không thích lên thư viện tìm đọc sách báo, không chịu khó nghiên cứu, thiếu trung thực trong học tập, thi cử,... Qua điều tra tình trạng sinh viên đi học muộn của một số trường đại học ở Hà Nội, kết quả cho thấy:

Đi học muộn Các trường Tương đối phổ biến (%) Có đi muộn nhưng chiếm tỉ lệ thấp (%)

Đi muộn không đáng kể (%) Kinh tế quốc dân

125 14.4 46.4 39.2 Sư phạm I 125 52.2 34.4 10.4 Tổng hợp 125 54.4 42.4 3.2 Bách khoa 125 45.6 40.8 13.6 Chung 500 42.4 41.0 16.6

Nguồn: Báo cáo tổng kết kết quả nghiên cứu đề tài “Tình hình nếp sống sinh viên Hà Nội - thực trạng và giải pháp”. Phạm Xuân Cảnh (chủ nhiệm đề tài), năm 2000.

Bảng số liệu cho chúng ta thấy một thực trạng đáng buồn là chính những sinh viên trường Đại học sư phạm I Hà Nội - đội ngũ giáo viên trong tương lai - lại rất kém ý thức trong việc chấp hành nội quy học tập của nhà trường. Tỷ lệ đi học muộn phổ biến cao hơn nhiều so với các trường khác: 52,2%, cao hơn nhiều so với mức chung các trường (42,2%).

Điều tra về thói quen lên thư viện trường tìm đọc sách, báo phục vụ học tập, kết quả như sau:

Lên thư viện Các trường Thường xuyên (%) Thỉnh thoảng (%) Hiếm khi (%)

Kinh tế quốc dân

125 18.4 53.6 28.0 Sư phạm I 125 7.2 56.8 36 Tổng hợp 125 16 54.4 29 Bách khoa 125 20.8 59.2 20 Chung 500 15.6 56 28.4

Nguồn: Như trên (tr. 48)

Một lần nữa, chúng ta lại thấy trường Đại học sư phạm I Hà Nội có tỷ lệ sinh viên gần như không có thói quen lên thư viện tìm đọc sách, tự học và tự nghiên cứu là nhiều nhất so với các trường đại học khác.

Một phần của tài liệu Phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong việc xây dựng đạo đức mới cho thanh niên sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 45 - 54)