Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được phát sinh trên cơ sở có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phải được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Nhãn hiệu dịch vụ – mà cụ thể là dịch vụ đào tạo nếu coi giáo dục và đào tạo là một loại hình dịch vụ – hoàn toàn thuộc về trường đại học, bởi vì trong các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, pháp luật chỉ quy định quyền của tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn chứ không quy định về quyền của tác giả đối với nhãn hiệu.
Vào thời điểm hiện tại, qua khảo sát cho thấy việc quản lý nhãn hiệu dịch vụ của các trường đại học chưa được chú ý đúng mức. Có thể các nhà quản lý trường
đại học cho rằng tên trường mình đã do cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành
lập thì cần gì đến nhãn hiệu dịch vụ. Quan niệm chỉ đúng trong trường hợp không xảy ra tranh chấp và các trường đại học không mang dịch vụ đào tạo của mình ra nước ngoài. Loại trừ hai lý do vừa nêu thì quan niệm này sai lầm, bởi lẽ:
− Tên trường đại học và nhãn hiệu dịch vụ là các đối tượng rất khác nhau. Quyền đối với tên trường tự động phát sinh kể từ thời điểm quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập trường đại học có hiệu lực pháp luật. Nhưng quyền đối với nhãn hiệu dịch vụ thì không tự động phát sinh, mà muốn sở hữu hợp pháp nhãn hiệu dịch vụ thì trường đại học phải đăng ký với Cục SHTT và trên cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục SHTT cấp thì trường đại học mới được coi là chủ sở hữu hợp pháp của nhãn hiệu dịch vụ.
− Việc đăng ký nhãn hiệu dịch vụ ra nước ngoài (nếu trường đại học mở chi nhánh của mình ở nước ngoài và sử dụng nhãn hiệu dịch vụ), không phát sinh trên cơ sở tên trường, mà theo quy định của Công ước Paris, Thỏa ước Madrid nó phải dựa trên cơ sở nhãn hiệu dịch vụ do quốc gia xuất xứ cấp. Như vậy, các trường đại học chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi không sở hữu hợp pháp nhãn hiệu dịch vụ, điều trớ trêu là có khi phải mua hoặc thuê lại chính tên mình, chúng tôi sẽ đề cập ngay dưới đây.
Tác giả của tham luận đã làm một cuộc khảo sát về quản lý nhãn hiệu dịch vụ trong các trường đại học, kết quả như sau:
Nhãn hiệu dịch vụ giáo dục thì có nhiều, nhưng tính đến ngày 27.5.2009 thì cả nước mới có 8 trường đại học/đại học sở hữu hợp pháp nhãn hiệu dịch vụ, chúng tôi xếp theo thứ tự thời gian được cấp, đó là:
1. Trường Đại học Hoa Sen chủ sở hữu nhãn hiệu Lotus, số bằng 21317, ngày cấp 02.07.1996;
2. Trường Đại học Thương mại chủ sở hữu nhãn hiệu TRUONG DAI HOC THUONG MAI 1960 + hình, số bằng 70280, ngày cấp 21.02.2006;
3. Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn, chủ sở hữu nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN, số bằng 78863, ngày cấp 25.1.2007;
4. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chủ sở hữu nhãn hiệu DAI HOC BACH KHOA + hình, số bằng 95205, ngày cấp 24.01.2008;
5. Trường Đại học Ngoại thương, chủ sở hữu nhãn hiệu FTU FOREIGN TRADE UNIVERSITY SINCE 1960 + hình, số bằng 81819, ngày cấp 07.05.2007;
6. Trường Đại học Hà Nội (Đại học Ngoại ngữ Hà Nội cũ) chủ sở hữu nhãn hiệu ĐẠI HỌC HÀ NỘI + hình, số bằng 102336, ngày cấp 03.06.2008;
7. Trường Đại học An Giang chủ sở hữu nhãn hiệu ĐẠI HỌC AN GIANG UNIVERSITAS 2000 + hình, số bằng 109798, ngày cấp 24.09.2008;
8. Đại học Cần Thơ chủ sở hữu nhãn hiệu ĐẠI HỌC CẦN THƠ + hình, số bằng 125880, ngày cấp 27.05.2009.
Điểm đặc biệt lưu ý là Trường Đại học Dân lập Công nghệ Sài Gòn đã lấy trọn vẹn tên của Trường Đại học Sài Gòn (Công lập) làm nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN. Khả năng xảy ra tranh chấp nhãn hiệu là hoàn toàn có thể, mà trong cuộc chiến này phần thua có thể sẽ về Trường Đại học Sài Gòn (công lập) – một trường có bề dày
thành tích trong đào tạo. Nếu tình huống này xảy ra như dự đoán thì đây trường hợp tranh chấp quyền SHTT đầu tiên giữa các trường đại học ở Việt Nam.
Trong thực tế, nhãn hiệu VINATABA đã được bảo hộ ở Việt Nam do Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam là chủ sở hữu. Nhưng Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam đã phải mua lại chính nhãn hiệu VINATABA của mình ở nước ngoài. Nhưng đối với Trường Đại học Sài Gòn thì khả năng phải mua lại nhãn hiệu ĐẠI HỌC SÀI GÒN ngay trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài là điều có thể xảy ra.
Với số lượng chỉ có 8/376 trường đại học đã đăng ký để được sở hữu hợp pháp nhãn hiệu dịch vụ thì có thể nói rằng việc quản lý nhãn hiệu – một trong những TSTT của trường đại học chưa được coi trọng, nếu không muốn nói rằng đa số các trường đại học đã không thấy được tầm quan trọng của dạng TSTT này.