Bố trí công việc phù hợp

Một phần của tài liệu Các yếu tố tác động đến động lực làm việc của công chức trong cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh bình định (Trang 67 - 71)

Sự phù hợp công việc là yếu tố tác động khá mạnh đến động lực làm việc của công chức cơ quan chuyên môn ở tỉnh, cần lưu ý một số vấn đề tác động đến công chức như:

- Việc bố trí công việc phù hợp với năng lực chuyên môn của công chức sẽ tạo cho họ sự tự tin trong giải quyết công việc, có quy chế quy định rõ ràng thẩm quyền, trách nhiệm trong giải quyết công việc tạo ra sự chủ động sẽ phát huy được tối đa tố chất năng lực của từng cá nhân.

- Kết quả giải quyết công việc của công chức được đánh giá kịp thời, kèm theo các mức độ nhận xét và đi kèm với khen thưởng đối với công chức tích cực giải quyết công việc đúng thời gian, có hiệu quả và ngược lại phê bình, kỷ luật kịp thời đối với công chức không làm tốt công việc sẽ tạo cho công chức thấy được sự công bằng, được tôn trọng sẽ kích thích yếu tố gắn kết, yêu thích công việc.

- Trong quy hoạch, sử dụng công chức khi thực hiện công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, kể cả công chức lãnh đạo giữa các đơn vị này qua đơn vị khác cần chú trọng đến yếu tố phẩm chất, năng lực cá nhân và chuyên môn đào tạo để sắp xếp cho phù hợp đảm bảo minh bạch, khách quan, công bằng, đúng người, đúng việc tránh kiểu bố trí vì thân quen, vì lợi ích trong quan hệ qua - lại, quen biết... dẫn đến không tạo được sự tôn trọng của công chức, nhân viên, người làm việc sẽ làm giảm động lực làm việc của công chức ở cơ quan, đơn vị.

- Xây dựng cơ chế thông tin về lợi ích công khai minh bạch (ngoại trừ những thông tin mật theo quy định an ninh quốc gia).

5.2.3 Đồng nghiệp

Để xây dựng và khuyến khích yếu tố đồng nghiệp trong cơ quan chuyên môn, tạo động lực làm việc tốt hơn, cần quan tâm xây dựng mối quan hệ trong tổ chức:

- Tạo cơ chế tiếp nhận và phản hồi thông tin rõ ràng hai chiều giữa cấp trên và cấp dưới giúp công chức có đầy đủ thông tin khi tiếp nhận, xử lý công việc được chuẩn xác và kịp thời và ngược lại khi gặp khó khăn, vướng mắc công chức có thể trao đổi trực tiếp, được sự hướng dẫn kịp thời của cấp trên; lãnh đạo thường xuyên phản hồi thông tin về việc thực hiện công việc đến công chức cấp dưới sẽ giúp họ cải tiến và thực hiện công việc tốt hơn.

- Trong từng cơ quan chú trọng đến việc trao đổi thông tin, hỗ trợ lẫn nhau giữa các phòng, ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc tạo điều kiện hoàn thành công việc chung của tổ chức; cần xây dựng bầu không khí làm việc thân thiện, tôn trọng, hợp tác lẫn nhau, sẵn sàng chia sẽ kinh nghiệm, tạo ra văn hóa liên kết, tin tưởng vào đồng nghiệp và thường xuyên trao đổi công việc.

- Khi có sự thay đổi về chính sách của cơ quan, tổ chức liên quan đến công chức cần phải được thông báo đầy đủ, rõ ràng và công khai để giúp công chức hiểu rõ được quyền, nghĩa vụ và lợi ích để xác định rõ vị trí, trách nhiệm của mình từ đó nâng cao trách nhiệm, sự quan tâm của công chức đối với cơ quan, tổ chức.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho công chức khi giải quyết công việc liên quan đến nhiều cơ quan thông qua quy chế phối hợp giải quyết công việc giữa các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

5.2.4 Lương thưởng

Vấn đề tiền lương của công chức hiện nay cũng chính là vấn đề của Nhà nước, thông qua chính sách tiền lương Nhà nước thể hiện vai trò quản lý của mình đối với công chức. Chính vì vây để tiền lương thực sự là động lực đối với công chức, Nhà nước cần xem xét sửa đổi chính sách quy định về chế độ tiền lương hiện nay để phù hợp với điều kiện công việc, làm sao để công chức làm tốt

công việc được nhận đồng lương xứng đáng với sức lực, trí tuệ họ bỏ ra và họ cảm nhận được giá trị của mình khi nhận tiền lương của Nhà nước. Cần có cơ chế để trả lương phù hợp với thâm niên công tác cống hiến và phúc lợi gắn với hiệu quả giải quyết công việc của từng công chức tránh tình trạng bình quân chủ nghĩa và cào bằng như hiện nay. Về phía các cơ quan chuyên môn của Tỉnh để nâng cao yếu tố tiền lương, thưởng, cần lưu ý một số vấn đề:

- Ban hành các quy định quản lý chặt chẽ giờ giấc làm việc, kỷ luật, kỷ cương trong từng cơ quan, đơn vị; quy định cụ thể, rõ ràng về thời gian giải quyết công việc; ban hành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và phân chia thu nhập tăng thêm dựa trên mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức.

- Kiểm soát chặt chẽ các khoản chi hoạt động thường xuyên, các khoản đầu tư mua sắm công tránh tình trạng lãng phí, thất thoát, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm để tăng kinh phí tiết kiệm, qua đó tăng thu nhập cho công chức và quan tâm hỗ trợ thêm cho công chức có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

5.2.5 Lãnh đạo

Một người lãnh đạo giỏi là người luôn biết lắng nghe một cách chân thành, thấu hiểu và thông cảm với cấp dưới của mình, là người có khả năng truyền cảm hứng, động viên và tiếp thêm năng lượng cho nhân viên, người lao động trong tổ chức của mình, là tấm gương sáng cho mọi người học tập và noi theo. Nếu người lãnh đạo biết cách hỗ trợ, biết quan tâm, biết chia sẻ những khó khăn trong công việc với cấp dưới của mình thì điều đó sẽ tạo cảm giác thân thiện và gần gũi. Chính vì vậy người lãnh đạo phải luôn tạo sự quan tâm, tạo sự tin tưởng mới có thể kích thích và duy trì sự đoàn kết trong công việc của đội ngũ công chức. Từ kết quả nghiên cứu trên cho thấy yếu tố hành vi lãnh đạo mặc dù có sự tác động đến động lực làm việc, nhưng mức độ tác động của yếu tố này chưa thật sự cao. Để yếu tố lãnh đạo được nâng cao trong tổ chức, nên chú ý các điều sau:

- Lãnh đạo tin cậy cấp dưới trong công việc. Việc này sẽ làm công chức cảm thấy lãnh đạo tin tưởng, trọng dụng và kích thích họ hơn trong công việc.

- Lãnh đạo trực tiếp hỏi ý kiến khi có vấn đề liên quan đến công việc. Việc luôn tham khảo ý kiến sẽ giúp cấp dưới cảm thấy vai trò quan trọng của họ và cảm nhận được sự tôn trọng, chân thành từ lãnh đạo để họ làm việc tốt hơn.

- Người lãnh đạo thân thiện sẽ tạo sự gần gũi, gắn bó hơn với cấp dưới, với công chức, nhân viên, sẽ dễ dàng hiểu được nguyện vọng của cấp dưới, của công chức, nhân viên hơn và mối quan hệ giữa họ sẽ tốt hơn.

- Lãnh đạo giúp đỡ cấp dưới giải quyết những vấn đề cá nhân, công việc. Điều này làm cho cấp dưới cảm thấy lãnh đạo luôn quan tâm tới, như người thân của mình, tạo được sự tin tưởng đối với cấp dưới hơn. Cần có sự công bằng về thông tin.

- Lãnh đạo xử lý kỷ luật công bằng đối với mọi người, điều này rất quan trọng, nó tạo cho công chức, nhân viên cấp dưới cảm giác công bằng, thoải mái, yên tâm khi làm việc góp phần làm tốt nhiệm vụ chức trách của công chức..

5.3 Đóng góp và hạn chế của Đề tài 5.3.1 Đóng góp của Đề tài

Thông qua kết quả khảo sát 330 cán bộ công chức thuộc 19 cơ quan sở, ban ngành thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định. Phương pháp lấy mẫu theo xác suất ngẫu nhiên đại diện được tất cả 19 đơn vị và đặt trưng từ giới tính đến vị trị công tác. Nghiên cứu đã kiểm định được ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê của 5 yếu tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của cán bộ công chức Tỉnh Bình Định là 1. Đào tạo và phát triển, 2. Phù hợp công việc, 3. Đồng nghiệp, 4. Lãnh đạo, 5. Lương thưởng.

Bên cạnh đó, đề tài nghiên cứu này đo lường động lực làm việc của cán bộ công chức bởi 5 biến quan sát. Thang đo này cũng rất tốt về độ tin cậy và độ giá trị. Đề tài này cũng sử dụng nhiều công cụ trong phân tích dữ liệu, nó khắc phục được những điểm yếu và tận dụng được những điểm mạnh của mỗi công cụ.

Thông qua kết quả khảo sát, đề tài đã phân tích và đề xuất một số kiến nghị nhằm phát huy các yếu tố tích cực và hạn chế yếu tố tiêu cực.

Một phần của tài liệu Các yếu tố tác động đến động lực làm việc của công chức trong cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh bình định (Trang 67 - 71)