Chủ trương của Đảng uỷ và chính quyền địa phương về phát triển khoa học

Một phần của tài liệu Ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong nông nghiệp ở tỉnh nam định luận văn ths kinh tế 60 31 01 pdf (Trang 44 - 47)

nghiệp ở Tỉnh Nam Định từ năm 1996 đến nay

2.2.1. Chủ trương của Đảng uỷ và chính quyền địa phương về phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ trong nông nghiệp khoa học kỹ thuật và công nghệ trong nông nghiệp

Nhận thức được tầm quan trọng của KHKT&CN đối với sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng, tại Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng vào ngày 24 tháng 12 năm 1996 đã ban hành Nghị quyết số 02 - NQ/HNTW về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hoá đã nhấn mạnh "Đẩy mạnh nghiên cứu tuyển chọn các giống cây, con có năng suất và chất lượng cao. Làm chủ được các công nghệ sản xuất các giống ưu thế lai về lúa, ngô và rau quả. áp dụng các biện pháp sinh học hiện đại và công nghệ sinh học, sử dụng hợp lý hoá chất, sản xuất các loại nông sản sạch. Phát triển chăn nuôi, nâng cao trình độ chế biến và bảo quản lương thực, thực phẩm, đánh bắt và chế biến thuỷ sản, đẩy nhanh cơ giới hoá, sử dụng phương pháp tưới tiêu tiên tiến, có các chính sách giải pháp công nghệ để đưa diện tích rừng che phủ lên 40%, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả diện tích đất trồng trọt cũng như khai thác hợp lý các vùng đất mới, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật để phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ và thúc đẩy

chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn... đến năm 2020 đạt trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực ở các ngành kinh tế trọng điểm như công nghệ sinh học, sản xuất lương thực, chế biến nông, lâm, hải sản... ". Trong đó giải pháp hàng đầu để phát triển KHKT&CN là "Tăng dần tỷ lệ ngân sách nhà nước hàng năm chi cho khoa học và công nghệ đến năm 2000 đạt không dưới 2% tổng chi ngân sách" [5, tr.8]. Cụ thể hoá tinh thần Nghị quyết trung ương hai khoá VIII tại Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành trung ương Đảng khoá IX đã ra Nghị quyết số 15 NQ/TW ngày 18/03/2002 về “Đẩy mạnh CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn thời kỳ 2001 - 2010” có ghi rõ: “ Đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ cho sản xuất , coi đây là khâu đột phá quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn…”. Tiếp đó kết luận của Hội nghị lần thứ sáu BCHTW khoá IX về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 2 khoá VIII phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ từ 2005 đến 2010 lại một lần nữa khẳng định: “Xây dựng và phát triển có trọng điểm các ngành công nghiệp công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Phấn đấu đưa trình độ khoa học và công nghệ nước ta đạt mức tiên tiến trong khu vực… Chuyển giao mạnh các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ về nông thôn, nhất là áp dụng công nghệ giống, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp… xây dựng những khu sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao. Ứng dụng và phát triển mạnh mẽ một số công nghệ cao… ” [36].

Đến Đại hội X, 2006, Đảng chủ trương: “Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả của từng ngành, từng lĩnh vực của nền kinh tế. Tăng nhanh năng lực khoa học và công nghệ nội sinh, đi đôi với tăng cường tiếp thu, làm chủ, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ thế giới” [36].

Thực hiện đường lối phát triển nông nghiệp, nông thôn và ứng dụng KHCN trong nông nghiệp của Đảng CSVN, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XV (tháng 12 năm 1997) đã chỉ rõ: "Từng bước chuyển nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá theo hướng đa dạng sản phẩm gắn với chất lượng cao, trong đó sản xuất lương thực, thực phẩm và chế biến nông sản là trọng tâm... Đưa nhanh tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đặc biệt là tiến bộ kỹ thuật về giống, cây, con.. " [12, tr.41]. Tiếp đến trong phương hướng phát triển và giải pháp thực hiện kế hoạch 5 năm 2001 - 2005, Đại hội đại biểu tỉnh Nam Định lần thứ XVI (tháng 2 năm 2001) một lần nữa nhấn mạnh: "...Ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới, nhất là công nghệ mới vào sản xuất... Đối với nông nghiệp phải khai thác triệt để tiềm năng đất đai, đưa hệ số sử dụng ruộng đất lên 2,5 lần... Làm tốt việc cải tạo giống và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt, bảo quản, chế biến sản phẩm.... Phát triển chăn nuôi toàn diện, đa dạng. Cải tạo giống để nâng cao chất lượng thịt đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu... Tăng cường và củng cố hệ thống dịch vụ nông nghiệp đặc biệt là dịch vụ thủy nông, giống cây trồng, con nuôi, thú y, bảo vệ thực vật, điện, cơ khí nông nghiệp..." [13, tr.53]. Điều đó cho thấy nhận thức và sự quan tâm của Đảng bộ tỉnh đối với việc đưa nhanh, chuyển giao tiến bộ KHKT&CN vào trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Sau 5 năm thực hiện đường lối Đại hội lần thứ XVI, đến năm 2006 đã tổng kết đánh giá những thành tựu và hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và phát triển KHKT&CN nói riêng. Đại hội lần thứ XVII (tháng 3 năm 2006) chỉ rõ: "...Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất. Đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp... Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá; cải tạo đàn giống gia súc, gia cầm để cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao phục vụ thị trường

trong nước và xuất khẩu... Tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất các giống thuỷ sản có giá trị kinh tế cao" [14, tr.52].

Mặc dù quyết tâm bứt phá bằng công nghiệp và dịch vụ mà biểu hiện rõ nét nhất là đẩy mạnh qui hoạch xây dựng các khu công nghiệp tập trung, nhưng nông nghiệp vẫn được xác định là một trong ba ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định đến năm 2015. Đó là quyết sách đúng đắn, phù hợp với một tỉnh có 81% dân số sống bằng nghề nông như Nam Định.

Một phần của tài liệu Ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong nông nghiệp ở tỉnh nam định luận văn ths kinh tế 60 31 01 pdf (Trang 44 - 47)