Chính sách của Nhà nước

Một phần của tài liệu Ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong nông nghiệp ở tỉnh nam định luận văn ths kinh tế 60 31 01 pdf (Trang 33 - 34)

Vai trò Nhà nước có ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự phát triển nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng. Vai trò Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp thể hiện trước hết ở việc đề ra và thực hiện các chính sách và thể chế phù hợp để phát huy tối đa các nguồn lực cho việc nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi các thành tựu KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Tại Việt Nam, những năm sau đổi mới vai trò của Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp được thể hiện rõ trên nhiều mặt. Chẳng hạn như chương trình hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay mua máy nông nghiệp của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến nay đã được tiến hành tại hơn 30 tỉnh, với qui mô khác nhau, phụ thuộc vào ngân sách tỉnh và sự quan tâm đến vấn đề cơ giới hoá nông nghiệp. Trong thời gian 1999 - 2008, theo hình thức trả góp, tỉnh hỗ trợ lãi suất, trên toàn quốc số máy nông nghiệp các loại đã tiêu thụ được là 12.735 chiếc và 4.140 máy nuôi tôm. Quan trọng hơn, những người nông dân được hỗ trợ mua máy đều sử dụng có hiệu quả, trả nợ đúng hạn, không có trường hợp nào không trả được nợ [46]. Điều này cho thấy rõ vai trò của Nhà nước với các chính sách, chương trình hỗ trợ kịp thời đã giúp người nông dân đưa những tiến bộ KHKT&CN vào đồng ruộng của mình.

Để đẩy nhanh tốc độ cơ giới hoá trong nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới 2020". Theo đó, thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp thuộc chương trình cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư, phấn đấu đến năm 2010 ngành cơ khí đáp ứng được 45 - 50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước. Ngoài ra, chính phủ còn cho phép các tỉnh, thành phố hỗ trợ nông dân mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp bằng ngân sách của địa phương. Nhưng trong thực tế, việc cơ khí hoá nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn là do nguồn máy móc

sản xuất trong nước còn hạn chế về số lượng, chất lượng, chủng loại và giá cả chưa hợp lý. Hiện nay, cả nước có khoảng 1.300 doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh các loại máy kéo, máy nông nghiệp và thiết bị cơ khí phục vụ nông nghiệp; 1.218 cơ sở chuyên sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành máy móc, thiết bị cơ khí nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu [47]. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng hiện nay là phải xác định cơ sở vững chắc cho việc xây dựng đường lối, chính sách và quy hoạch đối với từng lĩnh vực cơ giới hoá. Vì cơ giới hoá nông nghiệp chỉ có thể phát triển đúng hướng, vững chắc và hiệu quả khi có định hướng đúng với đầy đủ cơ sở thực tiễn khoa học.

Một phần của tài liệu Ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong nông nghiệp ở tỉnh nam định luận văn ths kinh tế 60 31 01 pdf (Trang 33 - 34)