Kiến trúc mỹ thuật

Một phần của tài liệu lịch sử và văn hóa đền cờn ở phường quỳnh phương, thị xã hoàng mai, tỉnh nghệ an (Trang 41 - 48)

6. Bố cục của luận văn

2.2.1.Kiến trúc mỹ thuật

Tuy quy mô không rộng như một số ngôi đền khác ở Nghệ An như đền Vua Mai ở Nam Đàn, đền thờ Lý Nhật Quang ở Đô Lương…nhưng đền Cờn vẫn có đầy đủ các công trình của một ngôi đền tiêu biểu dưới thời phong kiến. Kiến trúc ở đây được bố trí theo mô típ có tiền, có hậu, có thượng, có hạ, có tả, có hữu, có vườn, có sân.

Bến đền phía trước sát sân đền dài 150m, rộng 4m, cao hơn 1m. Được kè bằng đá vôi, tạo thành con đường nhưng có tác dụng như con đê chắn sóng sông Mai, chống xói lở khu vực di tích, đồng thời cũng chống sự xói mòn của nước từ trong làng. Chính bờ kè đá này đã tạo nên bến đền, những khi nước triều lên thuyền lớn dễ dàng cập mạn như cập vào cầu cảng. Bến đền tạo cho khu di tích thêm sầm uất, đông vui và thuận lợi cho việc viếng thăm đền của du khách.

Nghi môn và sân đền nằm chính giữa bến đền. Nước thủy triều lên thuyền cập mạn là người trên thuyền bước ngay vào cổng chính của đền. Nước thủy triều xuống thuyền cập bến, du khách bước lên qua 8 bậc đá, mỗi bậc dài 3m, rộng 0,30m, cao 0,20m là vào cổng chính của đền. Cổng đền rộng 3m, được lát bằng những phiến đá vôi.

Phía ngoài sát lối vào cổng có 2 con voi đá tư thế phủ phục cao 1,25m, nghệ thuật tạc tượng khá cao, voi nhìn sống động, đường bệ tạo ra sự uy nghiêm, gây ấn tượng mạnh cho du khách khi mới đặt chân tới cổng chính ngôi đền. Ngang hàng với voi là hai chân cột cờ bằng đá liền khối cao1,40m.

Sân đền dài 7,60m, rộng 5m, xung quanh xây tường bao cao1,20m, có 3 cổng vào sân. Cổng chính rộng 3m sát mép sông, 2 cổng phía Nam và Bắc rộng 1,25m. Các cột trụ ở cổng chính vươn cao 6 m. Cột xây hình vuông, trên thân trụ có khắc câu đối, trang trí hoa văn, trên đỉnh trụ cột đắp con ghê.

Điều đặc biệt là sân đền chủ yếu được lát bằng gạch đá vôi, mỗi viên có kích thước 0,40 x 0,40 x0,20m, xung quanh sân trang trí bằng việc ghép gạch xây theo chiều nghiêng hình răng cưa. Trong sân, phía sau hai cột chính đặt hai con ngựa đá đầy đủ yên cương, hai cổng tả hữu có hai tượng đá: một quan văn ngồi trên sư tử ở cửa tả, một quan võ ngồi trên sư tử ở cửa hữu. Tượng hai quan văn, võ cao 1,68m, hai con sư tử vươn cổ, nhe nanh trông dữ tợn. Hai quan văn, võ ngồi trên lưng sư tử hai chân bỏ về một phía quay mặt vào nhau, tư thế thần sắc như đang chăm chú quan sát những người bước qua cổng vào đền.

Sân đền không lớn, mở ba cửa ra vào, xung quanh phía ngoài và trong sân lát đá, tường bao và cột đăng không quá cao nhưng xây to, trong và ngoài sân

không bố trí cây cảnh. Người xây sân đã tạo ra một không gian vừa giới hạn, vừa gợi mở nhưng uy nghiêm, lại bề thế, vững chắc trước sự đe dọa của sóng nước.

2.2.1.2. Hệ thống tường bao và đường lên đền

Xung quanh khu đất cao hơn mặt bằng tự nhiên 3,60m, rộng 2088m2 được xây bao bốn phía để tạo thành ngoại quốc. Tường xây cao 1,50m, dày 0,20m cứ cách hơn 2 m xây một trụ. Tường được xây bằng đá, gạch và vôi vữa. Hai phía Bắc Nam mỗi phía tường dài 35m, riêng tường phía Tây dài 41m nối liền với đốc nhà Ca vũ. Cách đốc nhà Ca vũ 1,5m mỗi phía đều mở một cửa rộng 1m để đi vào nhà Ca vũ, cửa làm theo kiểu tam quan, lợp ngói âm dương.

Hệ thống tường bao quanh tạo thành bức bình phong chắn gió cho một công trình ở một vùng quê luôn bị gió bão uy hiếp. Đồng thời chính hệ thống tường bao đã cách biệt đền với thế giới bên ngoài tôn thêm sự thâm nghiêm, hấp dẫn của di tích.

Ngoài con đường chính đi qua sân, trèo qua 11 bậc đá lên nhà Ca vũ để vào đền, người ta còn tạo ra hai con đường phụ tả hữu ( Bắc - Nam) để vào đền. Hai đường, mỗi đường dài 25m rộng 3m, kè đá láng vôi. Đường đắp thoai thoải với độ dốc không lớn, tạo thuận lợi cho khách viếng thăm đền. Cả hai đường có hai cây cổ thụ sum sê tỏa bóng mát. Hai đường phụ dẫn lên đền còn có chức năng chắn sóng cho khu đất cao, chống sự xói lở đất của khu vực đền xuống sông. Mặt khác hai con đường này còn tăng thêm sự bề thế, đồ sộ của đền. Đó cũng là nơi để du khách ngồi tĩnh tâm, nghỉ ngơi ngắm cảnh sông nước trước hoặc sau khi vào đền.

2.2.1.3. Nhà Nghi môn

Từ sân bước qua 11 bậc đá được ghép bằng những phiến đá dài 1m, rộng 0,30m, cao 0,20m là vào nhà Nghi môn. Tòa nhà này có 3 gian, 4 vì, lợp ngói, xây tường.

Trong nhà Nghi môn đặt sát tường phía trước là cặp hai tượng đá quan văn và quan võ. Hai tượng quan văn cao 1,71m (cả bệ), tư thế đứng, đội mũ, đi giày, hai tay cầm bút sách khoanh trước ngực. Hai tượng quan võ cao 1,73m, tư thế đứng, tay cầm chùy khoanh trước ngực. Bốn pho tượng này được tạo khá công phu, đẹp, có thần sắc như người thật đang đứng chăm chú nghe sự phán bảo của bề trên hay các đấng thần linh.

Phía trong, sát với nhà Bái đường đặt hai tượng hổ đá, tư thế ngồi quay mặt vào nhau như đang canh giữ ngôi đền. Tượng cao 1m, chạm khắc khá sinh động khiến chúng ta có cảm giác hai con hổ sẵn sàng nhảy ra vồ bất cứ khi nào, bất cứ người nào tỏ thái độ khiếm nhã, ngạo mãn với bậc thần linh thờ trong đền.

Theo các cụ cao tuổi ở địa phương và các chức trách của đền thì tòa Nghi vũ có thể là nơi để tiếp các quan viên dân làng đến chuẩn bị tế lễ và tế lễ.

2.2.1.4. Nhà Bái đường ( Tòa Ca vũ)

Nhà Bái đường được làm năm 1663. Đến thời vua Gia Long thì được trùng tu, nâng cấp. Trải qua thời gian, bom đạn đây là toàn nhà còn lại khá nguyên vẹn của đền. Nhà 6 vì, 3 gian, 2 hồi, được làm theo kiểu tứ trụ, chồng rường. Chiều dài trong lồng nhà là 15,5m, chiều rộng là 7,5m. Mỗi vì nhà có 4 cột, chu vi mỗi cột 1,52m, chiều cao cột 4m. Các cột đều được đặt trên các hòn đá tảng dày, vuông, mỗi chiều 0,70m. Nhà xây tường, cửa bức bàn, mái lợp ngói mũi hài trên những thanh rui bằng lim đóng liền nhau.

Nhà Bái đường có 6 vì nhưng không phải 5 gian mà 3 gian, 2 hồi, bởi 2 gian bên hẹp hơn. Tất cả các bộ phận trong nhà đều bằng gỗ lim, trừ các cột và các đường xà không chạm, còn các bộ phận khác đều có đề tài trang trí đa dạng. Bốn khóa giang chạm 4 hình khác nhau: cái thì chạm lưỡng long triều nguyệt, cái thì chạm cửu long tranh châu, cái thì chạm long li quy phượng, cái thì lại chạm hổ phù với rồng ngậm ngọc.

Phần đầu 4 cột chính 3 gia giữa có 3 khuông nhẫn: khuông nhẫn gian giữa chạm lưỡng long triều nguyệt, khuông nhẫn hai bên, một bên cũng chạm phượng múa rồng chầu, một bên đã bị mất mà theo các bộ bô lão nói là chạm cá gáy hóa rồng. Phần đầu các cột sau cũng có 5 khuông nhẫn và có chạm khắc hoa lá.

Ngoài hiên các đuôi kẻ được chạm công phu hơn: cái thì chạm long mã phụng đồ, cái thì chạm phượng hàm thư với tư thế đang múa, cái thì chạm long cuốn thủy có cá chép đang ngoi lên, cái thì chạm long quy, rồi lại chạm lưỡng long với tư thế hai con đang vờn nhau, có cái lại chạm hoa sen và lá sen bao quanh mặt hổ phù.

Các chi tiết gỗ của nhà Bái đường từ cột đến rui đều được sơn một lớp sơn ta màu đỏ hoặc màu đen. Đây là điểm chưa thấy ở một di tích nào trên đất Nghệ An. Lớp sơn tăng thêm vẻ lộng lẫy của ngôi đền, đồng thời chống được thẩm thấu hơi nước biển.

Ngoài sự chạm khắc trên các xà nhà còn có các hoành phi câu đối được chạm khắc kỹ lưỡng và được sơn son thếp vàng trong sự hài hòa màu sắc của đồ thờ tự và kết cấu kiến trúc trong đền. Đó là các họa tiết mang nặng về các tích chuyện xưa, đó là các cảnh vật như tứ linh bát tiên, hoa hồng, hoa cúc, các hình ngũ phúc, các hình như chim sóc…, thể hiện sự tinh vi trong từng cảnh vật hiện lên trên nền gỗ óng ánh. Các hoành phi, câu đối được gắn vào các hàng cột, nghệ thuật ở đây gắn liền giữa màu sắc và trang trí vì thế tạo cho chúng ta một không gian cổ kính.

Có thể nói, bộ khung nhà nghi môn là một tác phẩm điêu khắc độc đáo thời Lê còn lại trên đất Nghệ An. Du khách đền thăm đền dễ bị quên đi chức năng kỹ thuật của các chi tiết gỗ liên kết ngang dọc mà bị cuốn hút vào mặt mỹ thuật, về các đề tài chạm khắc ở đây.

Thật ra các kiến trúc sư, các nghệ nhân đặc biệt chú ý đến kỹ thuật xử lý kết cấu bộ rường, mái lợp, từ đầu đao đến bờ nóc, bờ chảy đến con xô để công trình tăng thêm sự bền vững, kéo dài tuổi thọ.

Một công trình kiến trúc kề sông, sát biển, ở vùng khí hậu bão lụt thường xuyên đe dọa. Đền to, cột lớn song không cao, mái ngói được xử lý khá đặc biệt là rui lát bản, lợp ngói mũi hài, toàn bộ rui được phủ một lớp sơn. Hệ thống các chân tảng ngoài việc tạo gương tròn họa tiết, gờ chỉ trang trí còn đục rãnh vòng quanh chân cột để tra dầu, tạo lớp ngăn cách giữa nền nhà và cột, giúp cho công trình không bị mối xông. Những điểm đó cho thấy người xưa đã tính đến yếu tố thiên nhiên nhỏ nhất tác hại đến công trình để có phương pháp xử lý trong quy trình xây dựng. Chính vì vậy tuy trải qua thời gian và bom đạn công trình vẫn giữ được dáng vẻ ban đầu của nó.

Nhà Bái đường là một sự kết hợp chặt chẽ giữa hai yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật, công trình không chỉ vững chắc mà còn đẹp. Vị trí xây dựng công trình, vật liệu xây dựng, sự kết hợp yếu tố thẩm mỹ và kỹ thuật đã làm nên giá trị kiến trúc độc đáo của ngôi đền.

Nhà Bái đường hiện này có 4 cung thờ: Gian giữa thờ Vua cha Bát Hải; gian bên hữu thờ Thánh triều Trần Trần Hưng Đạo; gian tả có 2 cung, 1 cung thờ Ngũ vị Tôn quan và 1 cung thờ Phật.

2.2.1.5. Các tòa Trung điện, Thượng điện và Hậu cung

Tiếp sau nhà Bái đường là tòa Trung điện. Trung điện nằm ngang, có 4 vì, 3 gian, cửa bức bàn, hai bên thưng ván, có diện bảo vệ bao quanh, rộng khoảng 0,80m. Có nhiều mảng rang trí trên quá giang, oai bẩy, rường xà… Đáng tiếc là do thời gian, do ý thức của con người và do chiến tranh nên tòa Trung điện cũ trước đây đã bị tàn phá, còn trơ lại nền đất không.

Năm 2002, tòa Trung điện mới được xây dựng lại gồm một gian hai hồi. Gian giữa rộng khoảng 4m, hai hồi mỗi hồi rộng khoảng 3,5m như vậy nhà dài khoảng 11m, chiều rộng khoảng 8m, trong đó hè rộng hơn 1m.

Nhà làm theo kiểu tứ trụ, kẻ truyền, cột cái cao khoảng 5m, cột nhang, khóa giang, xà nhà cho đến thượng lương, hoành tải…đều bào trơn đóng bén, không chạm trổ hoa lá mà đánh vecni đậm trông bóng loáng.

Tòa này không có diện bảo vệ bao quanh và thưng kín bằng ván dày mà xây tường bít đốc, mái lợp ngói mũi hài.

Do mới làm thêm, nên cách bố trí các cung thờ trong Trung điện không giống như năm 2002 về trước.

Gian giữa, trong khám thờ đặt tượng Thánh Mẫu tức bà Thái hậu Dương Nguyệt Quả, vợ vua Tống Độ Tông, mẹ của Đế Bính; ngoài khám thờ, trước mặt Thái hậu Dương Nguyệt Quả đặt 3 tượng nhỏ hơn ngang hàng nhau và những đồ tế khí. Trong 3 tượng đó, hai tượng công chúa là Triệu Nguyệt Khiêu và Triệu Nguyệt Hương con gái Thái hậu Dương Nguyệt Quả, tượng còn lại đặt giữa là Quách Thị Hoàng Hậu.

Trước 3 tượng là bộ đồ tam sự bằng đồng gồm một lư hương và 2 cây nến, trông khá lớn. Ngoài cùng là một bát hương bằng đồng.

Cạnh chân bàn thờ là hai tượng ông Phỗng và ghê đá. Hai bên bàn thờ là hai cái giá, mỗi giá cắm hai bát bửu 1 cây gươm và 1 cây chùy.

Hai hồi tức là hai gian bên, gian bên phải thờ Cốc Thần (Thần Lúa), gian bên trái thờ Mộc Thần (Thần Gỗ). Trước bát thờ thần lúa là một bát hương cổ bằng đồng có khắc 4 chữ: Càn điện Thánh Mẫu.

Tiếp sau Trung điện là tòa Thượng điện. Thượng điện có 3 gian, nằm dọc, 4 vì, 4 hàng cột, hai bên thưng ván, tòa này nối liền với hậu cung và trung điện. Nhưng cũng giống như Trung điện và Hậu cung, tòa thượng điện cũ trước đây không còn nữa. Hiện nay, được sự đầu tư của Sở Văn hóa Thông tin tòa Thượng điện đang bắt đầu được xây dựng lại.

Cuối cùng là Hậu cung. Hậu cung, chính điện 3 gian nằm ngang, 4 vì, mái lợp ngói, xung quanh đóng ván, cửa ra vào thượng song hạ bản trên có khuôn nhẫn. Nhiều mảng trang trí trên các vì kèo. Hậu cung cũng không còn, hiện nay nhà đền đang trong quá trình phục dựng lại nhà Hậu cung.

Mặc dù bị tàn phá bởi chiến tranh, thiên tai, bởi thời gian và thậm chí là sự ruồng rẫy ( một thời) của con người, đềnCờn vẫn xứng đáng là một công trình kiến trúc có giá trị cao về mặt lịch sử và nghệ thuật.

Một phần của tài liệu lịch sử và văn hóa đền cờn ở phường quỳnh phương, thị xã hoàng mai, tỉnh nghệ an (Trang 41 - 48)