Tuổi:
Kết quả nghiên cứu tại bảng 3.1 của chúng tôi cho thấy tuổi thấp nhất là 60, cao nhất là 85 và độ tuổi trung bình là 68,42 ± 7,3. Trong đó bệnh phân bố chủ yếu ở độ tuổi từ 60-69 với 32 bệnh nhân chiếm 64%.
Giới:
Sỏi trong gan thường gặp ở nữ nhiều hơn ở nam. Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ nữ/nam là 28/22 = 1,27 (bảng 3.2). Các nghiên cứu khác trong nước ở các lứa tuổi cũng cho thấy tỷ lệ gặp ở nữ nhiều hơn ở nam: theo Đoàn Thanh Tùng tỷ lệ này là 1,35 [43], Nguyễn Tiến Quyết là 2,08 [28], Văn Tần là 1,82 [54], Trần Đình Thơ là 1,79 [8], Nguyễn Quang Trung là 1,72 [49]…
Các tác giả nước ngoài cũng cho thấy tỷ lệ gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới: theo Nakayama.F tỷ lệ này là 2 [55], trong 1 nghiên cứu tại Trung Quốc tỷ lệ này dao động từ 1,17 đến 1,54 [55]…
Với sỏi túi mật giới nữ là 1 yếu tố nguy cơ của sỏi túi mật vì người ta thấy có sự liên quan rõ rệt với nội tiết tố nữ - làm giảm sự co bóp túi mật còn đối với sỏi trong gan thì vẫn chưa có 1 nghiên cứu nào chỉ ra tại sao nữ nhiều hơn nam.
Nghề nghiệp:
Sỏi trong gan chủ yếu gặp ở đối tượng làm ruộng. Trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ gặp ở người làm ruộng là 62%, trong khi tất cả các nghề khác cộng lại là 38% (Bảng 3.3). Các tác giả khác cũng cho kết quả tương tự [8],[49],[21],[1],[19]… Theo các tác giả này, những người làm ruộng là những đối tượng có đời sống kinh tế cũng như điều kiện vệ sinh ăn uống thấp, lại phải lao động trong điều kiện môi trường vệ sinh kém tiếp xúc thường xuyên với các loại phân bón nên nguy cơ nhiễm giun đũa và các loại ký sinh trùng cao hơn so với các đối tượng làm nghề khác
Điều này phù hợp với bệnh sinh của sỏi đường mật mà đã được nhiều tác giả nói đến. Chang. T. M và cộng sự khi nghiên cứu về sỏi mật tại Đài Loan cũng đưa ra kết luận tương tự: sỏi trong gan thường gặp ở những đối tượng có hoàn cảnh kinh tế thấp, sinh sống trong điều kiện vệ sinh thực phẩm không tốt [56],[54].