Đặc điểm chung: Qua 50 trường hợp được mổ chúng tôi nhận thấy sỏi trong gan thường là sỏi mềm, dễ bóp vỡ, đa phần có màu nâu đen, số lượng thường nhiều viên kích thước khác nhau từ vài ml cho tới vài cm với hình dáng đa dạng phân bố lan tỏa khắp các đường mật trong gan.
Nhận xét này của chúng tôi cũng phù hợp với nhiều nhận xét của các tác giả khác [28],[11],[8],[43].
Vị trí sỏi: Bảng 3.11 cho thấy sỏi trong gan phân bố lan tỏa khắp các đường mật trong gan. Trong đó sỏi phối hợp cả trong và ngoài gan chiếm 88% trong khi sỏi đơn thuần trong gan chỉ chiếm có 12%. Nếu xét riêng vị trí của từng sỏi thi sỏi lan tỏa trong hai gan vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 48%, trong khi sỏi trong gan môt bên phải và trái thấp hơn với tỷ lệ lần lượt là 16% và 36%.
Nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả khác nhau cho các kết quả rất khác nhau:
Bảng 4.1. Phân bố sỏi trong gan theo các tác giả
STT Tác giả Tỷ lệ sỏi 2 gan (%) Tỷ lệ sỏi gan T (%) Tỷ lệ sỏi gan P (%) 1 Tôn Thất Tùng [30] 46,2 32,3 14,4 2 Đỗ Kim Sơn [42] 40 41,4 13,6 3 Văn Tần [54] 33 48 19 4 Đặng Tâm [11] 51,1 25,7 12,82 5 Trần Đình Thơ [8] 64,96 22,22 12,82 6 Jan.Y.Y [65] 38,6 44 17,4 7 Nakayam.F [55] 49,15 38,98 11,87
Kết quả của các tác giả có sự khác nhau có lẽ do sự lựa chọn đối tượng bệnh nhân theo các mục đích nghiên cứu khác nhau nhưng nhìn chung chúng tôi nhận thấy tỷ lệ sỏi trong gan 2 bên có phần nhiều hơn sỏi trong gan 1 bên và tỷ lệ sỏi trong gan trái cao hơn tỷ lệ sỏi trong gan phải.
4.4.3. Tỷ lệ sạch sỏi
Dựa vào 2 tiêu chuẩn sạch sỏi và sót sỏi đã xây dựng chúng tôi nhận thấy trong nghiên cứu trên 50 bệnh nhân kết quả lấy sỏi được thể hiện tại bảng 3.14: tỷ lệ sạch sỏi là 64% và tỷ lệ sót sỏi là 36%. Theo các nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ sót sỏi của các tác giả Đỗ Kim Sơn [20],[27], Nguyễn Tiến Quyết [44], Đoàn Thanh Tùng [66], Đỗ Trọng Hải [24], Lê Văn Đương [67], Nguyễn Quang Trung [49]… dao động từ 8,2% đến 29,5%. Như vậy so sánh với các tác giả trên thì tỷ lệ sót sỏi trong nghiên cứu của chúng tôi có vẻ cao hơn, tuy nhiên chúng tôi nhận thấy có ba lý do:
- Thứ nhất, kết quả của chúng tôi nghiên cứu trên các bệnh nhân có sỏi trong gan đơn thuần và các bệnh nhân có sỏi trong gan kết hợp với sỏi ngoài gan. Mà hiển nhiên với sỏi ngoài gan đơn thuần thì tỷ lệ sót sỏi là rất thấp.
- Thứ hai, kết quả của các tác giả trên dựa vào kết quả chụp đường mật sau mổ qua dẫn lưu Kehr, còn nghiên cứu của chúng tôi dựa vào cả kết quả chụp Kehr kết hợp với siêu âm sau mổ.
- Thứ ba, nghiên cứu của chúng tôi tiến hành trên các bệnh nhân cao tuổi với thể trạng già yếu và nhiều bệnh nhân có các bệnh lý khác kèm theo nên khi tiến hành phẫu thuật chúng tôi chú trọng rút ngắn thời gian mổ, thời gian gây mê, hạn chế can thiệp tối đa tránh các biến chứng nặng nề sau thời gian phẫu thuật. Vấn đề này chúng tôi sẽ bàn luận sau.
Các tác giả Đoàn Thanh Tùng [68], Nguyễn Tiến Quyết [28] đều có nhận xét rằng: khi phối hợp cả hai phương pháp chụp đường mật và siêu âm sau mổ thì việc phát hiện sỏi sót sẽ chính xác hơn. Có lẽ vì vậy trong một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng tỷ lệ sót sỏi với phương pháp mổ mở kinh điển là rất cao: Nguyễn Tiến Quyết [28] khi xét riêng sỏi trong gan tỷ lệ sót sỏi lên tới 81,48%, Đoàn Thanh Tùng [68] tỷ lệ sót sỏi là 75,2%, Văn Tần [54] tỷ lệ sót sỏi là 50%.
Như vậy để nhấn mạnh vai trò của việc nội soi trong mổ kết hợp với tán sỏi điện thủy lực, chúng tôi nhận thấy: nếu như phương pháp mổ mở kinh điển sau khi lấy sỏi tỷ lệ sót sỏi là rất cao tuy nhiên sau khi có sự trợ giúp của nội soi tán sỏi trong mổ tỷ lệ sót sỏi giảm xuống còn 36%. Kết quả của chúng tôi cũng tương tự với nghiên cứu của một số tác giả có sử dụng nội soi tán sỏi trong mổ: theo Trần Đình Thơ [8] nghiên cứu các bệnh nhân có sỏi trong gan tỷ lệ sót sỏi là 35,8%, theo Thái Nguyên Hưng [59] tỷ lệ sót sỏi là 36,4%.