1 Dự báo triển vọng thị trường sản phẩm quế trên thế giới

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xuất khẩu quế ở Công ty XNK tổng hợp 1-Bộ thương mại: Thực trạng và giải pháp doc (Trang 57 - 59)

Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các nhà khoa học đã tìm ra những chất có trong sản phẩm quế để nâng cao giá trị sử dụng của sản phẩm này. Ngày nay, những chất được chiết suất từ sản phẩm quế là một trong những thành phần quan trọng trong công nghệ thực phẩm, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng...

Trong những năm tới, nhu cầu về sản phẩm quế vẫn tiếp tục ở mức cao, do nhu cầu về nguyên liệu làm hương liệu sản xuất những sản phẩm hàng tiêu dùng vẫn không ngừng gia tăng. Nước có nhu cầu sản phẩm quế lớn nhất là Mỹ - với nhu cầu nhập hàng năm lên tới trên 20.000 tấn. Chúng ta biết rằng Mỹ là một trong những nước sản xuất Coca-Cola lớn nhất thế giới, mà hương liệu chính của loại sản phẩm này được chiết suất từ sản phẩm quế . Hơn nữa, Mỹ cũng là một thị trường lớn đối với nhiều loại sản phẩm trong đó có sản phẩm quế .

Cộng hoà liên bang Nga và Nhật Bản là hai nước có nhu cầu sản phẩm quế khá lớn. Dự kiến trong những năm tới mỗi nước có nhu cầu nhập hàng năm lên tới trên 10.000 tấn. Nhật Bản dùng sản phẩm quế để chế biến sản xuất hàng mỹ phẩm, thực phẩm... Bên cạnh đó nước này cũng là một trong những nước xuất khẩu bột quế lớn trên thế giới. Trong những năm qua, Cộng hoà liên bang Nga nhập sản phẩm quế chủ yếu là sử dụng để chống rét trong mùa đông. Song cùng với sự phát triển của nền kinh tế của mình, Nga sẽ phát triển mạnh ngành công nghiệp thực phẩm và y dược trong những năm tới, trong đó nhu cầu sử dụng sản phẩm quế là rất lớn.

Bên cạnh đó, để phát triển ngành công nghệ thực phẩm, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng...của mình, các nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp... luôn có nhu cầu rất lớn về sản phẩm quế. Nhu cầu nhập trung bình hàng năm của mỗi nước lên tới trên 5.000 tấn. Tuy nhiên số lượng thực nhập lại hạn chế do nguồn cung cấp sản phẩm quế trong những năm tới có tăng song không đáng kể.

Trong tương lai, nguồn cung cấp sản phẩm quế trên thế giới vẫn là bốn nước chính: Inđônêxia, Trung Quốc, Việt Nam, Srilanca. Khối lượng xuất khẩu hàng năm trên thế giới dừng lại ở mức 45.000 tấn/năm. Trong đó Trung Quốc sẽ vươn lên là nước xuất khẩu sản phẩm quế lớn nhất thế giới (khoảng 18.000 tấn/năm - chiếm 40% tổng lượng quế xuất khẩu của toàn thế giới). Inđônêxia xuống vị trí thứ hai với 17.000 tấn/năm, chiếm 17%. Việt Nam được đánh giá là một nước có chất lượng sản phẩm cao và không ngừng mở rộng diện tích trồng quế. Dự kiến đến năm 2010, Việt Nam sẽ chiếm 20% (khoảng 10.000 tấn) sản lượng sản phẩm quế xuất khẩu của toàn thế giới (Theo tạp chí Kinh tế Nông nghiệp năm 2002).

Với nhu cầu quế hàng năm rất lớn trên thị trường thế giới và khả năng cung cấp lại có giới hạn nên giá sản phẩm quế không ngừng gia tăng. Sự tăng giá này mang tính hiển nhiên do cầu nhiều trong khi cung ít. Theo dự báo của các nhà phân tích, giá sản phẩm quế vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này tạo một lợi thế rất lớn cho những nước xuất khẩu sản phẩm quế, bởi vì trong tình hình hiện nay, những loại sản phẩm nông - lâm nghiệp có chiều hướng giảm giá trên toàn thế giới. Riêng sản phẩm quế và một số sản phẩm lâm đặc sản khác như Hồi, Cánh kiến đỏ... được coi là loại sản phẩm “đặc biệt”, một loại sản phẩm quý nên nhu cầu hàng năm vẫn không ngừng tăng dẫn tới giá của sản phẩm này cũng tăng qua các năm.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xuất khẩu quế ở Công ty XNK tổng hợp 1-Bộ thương mại: Thực trạng và giải pháp doc (Trang 57 - 59)