Phương án khống chế ô nhiễm bằng biện pháp pha loãng

Một phần của tài liệu Khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường và đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý tại cụm công nghiệp quang trung, quận 12, tp hồ chí minh (Trang 64)

CHƯƠNG 4: ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI CỤM CÔNG NGHIỆP QUANG TRUNG

4.2.1.Phương án khống chế ô nhiễm bằng biện pháp pha loãng

Khống chế ô nhiễm bằng biện pháp pha loãng tới tiêu chuẩn thải. Kỹ thuật xử lý của phương án này đơn giản, đầu tư thấp, dễ thực hiện nhưng không làm giảm được tải lượng ô nhiễm mặc dù nồng độ thải đạt tiêu chuẩn thải. Các phương án này chỉ mang tính chất tạm thời trong các giai đoạn đầu của phát triển kinh tế.

Các nguồn gây ô nhiễm không khí rất đa dạng như khí thải do đốt nhiên liệu, hơi dung môi, mùi hôi, bụi,… Để pha loãng tới tiêu chuẩn thải sẽ có hai giải pháp là tăng chiều cao ống khói và đưa khí sạch vào pha loãng.

Khi tăng chiều cao ống khói, các tính toán sẽ tính cho trường hợp xấu nhất như tốc độ gió nguy hiểm, theo hướng gió chủ đạo, lưu lượng và tải lượng chất thải lớn nhất,… để sao cho nồng độ các chất ô nhiễm chỉ thị cần khống chế trong không khí xung quanh tại mặt đất đạt tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh. Phương án này thường áp dụng cho các lò đốt nhiên liệu mà không bị phụ thuộc bởi chế độ đốt, khống chế hơi dung môi, khống chế bụi có kích thước nhỏ, khống chế mùi hôi,… Thiết bị chủ yếu là ống thải khí có chiều cao theo tính toán, các bộ phận thủy lực như van, cút,… và quạt hút (đẩy) để cân bằng với trở lực toàn hệ thống.

Tuy nhiên, phương án nâng cao ống khói chỉ có tác dụng pha loãng chất thải chứ không giảm được tải lượng ô nhiễm. Hơn nữa trong điều kiện lặng gió hoàn toàn thì phương án pha loãng khí thải bằng khí thải bằng ống khói cũng không đạt hiệu quả cao.

Đưa khí sạch vào pha loãng là một biện pháp pha loãng trước khi thải. Với biện pháp này sẽ cho phép pha loãng được khí thải ở độ cao nhất định của ống thải khí. Thông thường, biện pháp này chủ yếu dung đối với các nguồn đã có chiều cao thải khí cố định, các lò đốt phụ thuộc nhiều vào chế độ đốt, các thiết bị đã xây dựng cố định,… Thiết bị chủ yếu là hệ thống làm giảm trở lực, ống nối và quạt hút (đẩy) để cân bằng trở lực của toàn hệ thống.

Một phần của tài liệu Khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường và đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý tại cụm công nghiệp quang trung, quận 12, tp hồ chí minh (Trang 64)