II I Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Công ước Berne trong lĩnh
1. Nhóm các giải pháp về phía các cơ quan Nhà nước
1.1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả
Hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Trước hết, cần thực hiện rà soát lại hệ thống quy phạm pháp luật, chính sách bảo hộ hiện hành liên quan đến bảo hộ quyền tác giả nhằm tìm ra những điểm bất cập để từng bước sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả phù hợp yêu cầu của các cam kết quốc tế về quyền tác giả, đặc biệt là Công ước Berne.
Như đã phân tích ở trên, quy định pháp luật của Việt Nam về quyền tác giả còn những điểm chưa tương thích với Công ước Berne. Một trong những khác biệt lớn nhất đó là quy định về thời hạn bảo hộ quyền tác giả. Sự khác biệt về thời hạn bảo hộ quyền nhân thân giữa Công ước Berne và luật SHTT Việt Nam trên thực tế đã gây khó khăn cho chủ thể quyền, thậm chí làm cơ quan thực thi lúng túng. Có thể lấy ví dụ về vụ việc ca sỹ Mỹ Linh phát hành đĩa nhạc “Chat với Mozart” năm 2006, đã nổi lên cuộc tranh luận về việc có hay không việc vi phạm bản quyền tác giả. Vì luật Việt Nam bảo hộ quyền tinh thần vô thời hạn, do đó, một số ý kiến cho rằng, Mỹ Linh và nhạc sỹ Dương Thụ vi phạm bản quyền. Những ý kiến khác lại lập luận rằng, “trong trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác quy định của luật Việt Nam thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, tức là vì có sự khác biệt giữa luật Việt Nam thì phải theo Công ước Berne”. Do đó, không thể coi “Chat
với Mozart” là vi phạm bản quyền. Ngành Văn hoá – Thông tin, giới nhạc sỹ Việt Nam và cả công chúng thấy các quy định vô cùng rối ren chỉ bởi sự khác nhau giữa điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết và quy định của Việt Nam về SHTT.
Việc Việt Nam cho hưởng quyền nhân thân “vô thời hạn” làm mất đi hai tiêu chí trái ngược nhau của quyền SHTT là: phải đủ lâu để cho tác giả có động lực sáng tác, song cũng phải ngắn để tránh lãng phí cho xã hội, khi bản quyền đó không được phổ biến, tận dụng cho cộng đồng. Quy định này cũng là bất hợp lý. Nó có nghĩa là từ nay, không một người Việt Nam hay người nước ngoài nào có quyền phóng tác, sửa đổi, hay chuyển dịch một tác phẩm của một tác giả đã chết quá 50 năm, dù là tác giả ngoại quốc hay Việt Nam. Sự giao lưu nghệ thuật của Việt Nam với thế giới sẽ cắt đứt. Và hẳn là ý nghĩa của việc bảo hộ SHTT sẽ tự triệt tiêu nó. Thiết nghĩ, luật Việt Nam nên sửa đổi thời hạn bảo hộ quyền nhân thân theo Công ước Berne (là 50 năm sau ngày tác giả mất) và chỉ cấm những thay đổi nào “gây phương hại tới danh dự và uy tín của tác giả” để đặt tất cả các tác phẩm nghệ thuật đã mãn hạn bản quyền vào lĩnh vực công cộng.
Thêm nữa, việc thực thi quyền tác giả chịu sự điều chỉnh của nhiều ngành luật khác nhau. Do đó, hoàn thiện cơ sở pháp lý phải mang tính hệ thống, thống nhất trong cả hệ thống pháp luật. Đối với biện pháp dân sự, để đảm bảo giải quyết tốt hơn tranh chấp về quyền tác giả, cần phải quy định cụ thể hơn về các vấn đề: Những tranh chấp về quyền SHTT thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án; Những tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện tranh chấp về quyền tác giả trước Toà án; Các chứng cứ đương sự được sử dụng trong quá trình chứng minh; Cơ quan có thẩm quyền giám định và trình tự, thủ tục giám định; Nguyên tắc bồi thường và xác định mức độ bồi thường khi quyền tác giả bị xâm phạm.
Đối với biện pháp hành chính, cần phải quy định rõ ràng thẩm quyền của các cơ quan có chức năng xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả để hạn chế việc chồng chéo trong hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền.
Đối với biện pháp hình sự, cần tăng mức chế tài xử lý đối với những tội xâm phạm quyền tác giả cho phù hợp với sự phát triển của các vụ vi phạm bản quyền trong thời đại kỹ thuật số, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển.
Tổ chức SHTT thế giới WIPO đã khẳng định: có Luật SHTT chưa đủ, điều quan trọng là Luật SHTT được thực thi như thế nào. Hiện nay, đối với hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển, cơ sở pháp lý cho quyền SHTT nói chung và quyền tác giả nói riêng đã ở mức độ hoàn thiện. Các quốc gia, bởi vậy tập trung vào việc xây dựng cơ chế thực thi quyền SHTT và đảm bảo thực thi hiệu quả quyền này. Còn ở Việt Nam hiện đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý cho quyền SHTT và đồng thời cũng đang tìm cho mình một cơ chế thực thi quyền SHTT thật hiệu quả. Bởi vậy, cần phải xác định được tầm quan trọng của cả hai vấn đề: xây dựng pháp luật SHTT và thực thi pháp luật SHTT. Đây là hai vấn đề có mối liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhau.
1.2. Nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan thực thi
Để nâng cao hiệu quả thực thi Công ước Berne trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan rất cần thiết phải nâng cao năng lực của các cơ quan chức năng và đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp liên quan đến việc xác lập và triển khai các biện pháp thực thi quyền tác giả, quyền liên quan. Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và chủ sở hữu, nâng cao sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa các cơ quan.
Nâng cao hơn nữa vai trò của Tòa án trong việc xét xử các hành vi xâm phạm quyền tác giả và các tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan. Hiện nay, hệ thống Toà án rất thiếu các chuyên gia có chuyên môn về quyền tác giả, quyền liên quan. Quá trình giải quyết tranh chấp thường kéo dài, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chủ thể. Các chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan vẫn chưa có ý thức rõ ràng về quyền và lợi ích chính đáng của mình để khởi kiện bên vi phạm. Tâm lý của các chủ sở hữu quyền không muốn khởi kiện do e ngại thủ tục rườm rà, sợ mất những thông tin được bảo mật, thời gian theo đuổi vụ kiện dài và tốn kém về chi phí. Vì vậy, cần đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ của Toà án, nhất là đội ngũ thẩm phán, đầu tư cho việc cải cách và hiện đại hoá hệ thống thông tin tư liệu, xây dựng quy trình để xác định và bảo vệ các thông tin bí mật về những bên tham gia tố tụng, tăng cường cho Toà án những công cụ, biện pháp chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Nhà
nước cần ban hành văn bản pháp luật quy định rõ thẩm quyền vụ việc của Toà án trong việc xét xử các tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan nhằm nâng cao tính khả thi của Luật SHTT 2005.
Đồng thời, tổ chức xây dựng lực lượng chuyên trách về SHTT nói chung và quyền tác giả nói riêng, từng bước đào tạo cán bộ thực thi, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường cơ sở vất chất kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cần chú trọng việc trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia nước ngoài, và cử các cán bộ chuyên trách đi khảo sát nước ngoài nhằm tăng cường việc tiếp cận, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm các nước.
Thêm nữa, cũng cần khắc phục sự chồng chéo, phân công chức năng quyền hạn của từng cơ quan theo hướng một cơ quan đầu mối. Thiết nghĩ, không nên phân tách rạch ròi việc quản lý đăng ký bản quyền đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật và tác phẩm khoa học. Sự phân chia này không phù hợp với thông lệ quốc tế và sẽ gây khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo hộ quyền tác giả. Theo Công ước Berne, thuật ngữ “tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học” dùng để chỉ chung tất cả các tác phẩm thuộc loại hình nói trên được bảo hộ quyền tác giả. Sự phân chia rạch ròi các tác phẩm văn học nghệ thuật và tác phẩm khoa học để quản lý là không cần thiết và khó có thể thực hiện được. Việc phân định cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm như vậy sẽ gây vướng mắc cũng như giảm hiệu quả của hoạt động thực thi. Sự phân chia đối tượng quyền tác giả để bảo hộ như vậy làm nảy sinh khó khăn trong việc xác định ai có thẩm quyền phân định đâu là tác phẩm văn học và nghệ thuật, đâu là tác phẩm khoa học, khi giữa các cơ quan chức năng không thống nhất được với nhau điều này.
1.3. Nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền SHTT nói chung và quyền tác giả nói riêng
Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên và phát huy sức mạnh toàn cộng đồng tích cực tham gia phòng ngừa và đấu tranh chống xâm phạm quyền tác giả, đưa nội dung giáo dục vào nhà trường, đồng thời kết hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền. Từ đó xây dựng ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành nghiêm pháp luật về bảo hộ quyền tác
giả, nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền. Cần khuyến khích kịp thời những tập thể cá nhân có thành tích trong việc ngăn ngừa và chống vi phạm quyền tác giả, để từ đó khích lệ các cá nhân tổ chức khác thực hiện.
Để nâng cao hiểu biết của xã hội về pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan cần đẩy mạnh hơn nữa việc phổ biến các thông tin nhằm đưa việc sử dụng pháp luật về bảo hộ và thực thi quyền trở nên quen thuộc hơn với xã hội. Nâng cao hơn nữa vai trò của hệ thống quản lý tập thể quyền tác giả trong việc thông tin tuyên truyền thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Hệ thống này có vai trò rát lớn trong việc thông tin tuyên truyền thực thi và đặc biệt trong hoạt động tự bảo vệ quyền lợi của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Thêm nữa, phát huy vai trò của các tổ chức đào tạo, các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu trong nỗ lực nâng cao nhận thức xã hội về bảo hộ quyền tác giả.
1.4. Mở rộng hợp tác quốc tế
Yêu cầu của quá trình hội nhập khiến Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế phát triển của hoạt động bản quyền thế giới. Ngay từ thế kỷ XIX, khi mà những Công ước quốc tế song phương và đa phương đầu tiên về quyền tác giả ra đời, bảo hộ và thực thi quyền tác giả đã được xác định không phải là vấn đề của mỗi quốc gia mà là vấn đề toàn cầu. Bởi vậy, để đảm bảo thực thi quyền tác giả, cần phải tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia. Việt Nam cần mở rộng quan hệ hợp tác với các nước để có thể nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc thực thi các cam kết, điều ước quốc tế về bảo hộ quyền tác giả. Trên cơ sở mở rộng giao lưu, hợp tác với các quốc gia khác để học tập những kinh nghiệm của thế giới trong việc khắc phục và hạn chế khó khăn trong quá trình thực thi bảo hộ quyền tác giả.
Việt Nam có thể mở rộng hợp tác quốc tế theo hướng tăng cường liên kết với các tổ chức phi chính phủ như Hiệp hội các nhà soạn nhạc và lời quốc tế (CISAC), Liên hiệp quốc tế các tổ chức quyền sao chép ở Châu Âu (IFRRO), hay Hiệp hội các tổ chức người biểu diễn Châu Âu (AEPO). Là một phần trong các hoạt động hợp tác phát triển quốc tế, WIPO hoạt động rất gần gũi với các tổ chức này và nhiều tổ chức khác. Mục đích của việc liên kết này sẽ nhằm hỗ trợ sự phát triển quốc gia theo yêu cầu của quốc gia đó trong việc thành lập các tổ chức quản lý tập
thể, và tăng thêm sức mạnh cho các tổ chức đang hoạt động để đảm bảo hiệu quả trước các thách thức trong môi trường kỹ thuật số.
1.5. Giải pháp với hệ thống thông tin và mạng lưới dịch vụ quyền tác giả
- Nâng cao các hoạt động dịch vụ thông tin về quyền tác giả, điện tử hoá các thông tin về quyền tác giả, tác phẩm và chủ sở hữu đã đăng ký, các niên giám quyền tác giả Việt Nam nên xuất bản theo thường niên, nhằm lưu trữ và khai thác.
- Tăng cường hoạt động của Sàn giao dịch bản quyền, đây là một kênh thông tin giám sát rất hiệu quả để giảm thiểu nạn vi phạm bản quyền hiện đang nghiêm trọng.
Để làm được điều này, cần có sự đầu tư đúng mức của Nhà nước và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về quyền tác giả để các thông tin được thường xuyên cập nhật, đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước.
Đối với các dịch vụ liên quan đến bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan: Xu thế hiện nay là thương mại dịch vụ đang phát triển rất nhanh chóng, vì vậy, yêu cầu đặt ra cho hệ thống bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan là cần mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ đại diện, tư vấn pháp lý về bảo hộ quyền tác giả.
Hiện nay ở nước ta, hoạt động dịch vụ đại diện, tư vấn quyền tác giả quyền liên quan là một nghề chuyên môn đặc biệt cần phải có những kỹ năng cần thiết về nghiệp vụ, kỹ thuật và kiến thức pháp luật cũng như cần phải có sự kết hợp hai kỹ năng này với nhau. Thêm vào đó, đối tượng của hoạt động dịch vụ này lại là tài sản vô hình nên đây là một hoạt động kinh doanh khá nhạy cảm. Vì vậy, cần có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo hệ thống đội ngũ những người tham gia hoạt động này để nâng cao hiệu quả bảo hộ và hội nhập.
1.6. Xử phạt thật nghiêm các vi phạm bản quyền
Tại Nghị định 56 của Chính phủ, hành vi sao chép bản quyền có thể bị phạt từ 20-30 triệu. Từ tình hình thực tế của vấn đề vi phạm bản quyền, có thể thấy mức xử phạt trên còn quá nhẹ, chưa đủ nghiêm khắc để răn đe và ngăn chặn việc tái diễn các hành vi vi phạm bản quyền. Chính phủ cần ban hành văn bản xử phạt mới theo hướng tăng nặng khung hình phạt nhằm khắc phục tình trạng xong đâu lại vào đấy.
Cần nghiên cứu điều chỉnh cách tính mức phạt phải cao hơn, nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm, sao cho mức phạt tối thiểu cũng phải cao hơn lợi nhuận xác định được do hành vi vi phạm bản quyền gây ra. Hơn nữa, cần kiên quyết đưa những hành vi xâm phạm bản quyền với quy mô thương mại ra truy tố hình sự.