Kính nội nhãn điều tiết

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phẫu thuật phaco đặt thể thủy tinh nhân tạo đa tiêu điều trị đục thể thuỷ tinh (Trang 27 - 29)

Trong kính nội nhãn điều tiết, sự thay đổi lực căng của cơ thể mi là lý do để làm thay đổi độ dài của tiêu điểm kính nội nhãn - mắt của hệ thống

quang học. Kính được thiết kế để tập trung hầu hết ánh sáng tại tiêu điểm mong muốn. Hiện tượng lóa và quầng giảm đi so với kính nội nhãn đa tiêu cự vì ít tán xạ hơn và ít tia chếch hơn [36].

Trong kính nội nhãn điều tiết đơn, về lý thuyết thị lực nhìn gần đạt được bởi kết hợp các cơ chế, trong đó giả điều tiết cũng đóng một vai trò. Cơ chế đầu tiên là thay đổi trục bởi co kéo của cơ thể mi. Cơ chế khác liên quan đến thiết kế của kính làm cho tăng lực điều tiết. Trong trường hợp của kính nội nhãn Crystalens (Bausch & Lomb, Rochester, NY), phần kính có thể hơi cong ra trước làm thay đổi bán kính của bề mặt trước của phần optic sẽ dẫn đến tăng khả năng nhìn gần. Một biến thể khác là kính nội nhãn Crystalens HD được bổ sung thêm một phần nhỏ khúc xạ ở trung tâm làm tăng khả năng nhìn sâu ở khoảng cách nhìn trung gian và nhìn gần. Về cơ bản, việc thêm vào một phần khúc xạ nhỏ ở trung tâm là yếu tố của việc thiết kế kính nội nhãn điều tiết. Một phiên bản khác là kính nội nhãn điều tiết phi cầu. Một nghiên cứu giữa kính nội nhãn điều tiết và kính nội nhãn đơn tiêu cự cho thấy điều tiết trung bình ở nhóm đặt kính nội nhãn điều tiết là 1,5 D ± 0,0D và ở nhóm đơn tiêu cự là 1,00D ± 0,0D.

Kính nội nhãn Tetraflex (hãng Lenstec, St Petersburg, FL) là một loại kính nội nhãn điều tiết đơn optic khác. Áp lực dịch kính và tác động của cơ thể mi làm cho thay đổi hình dạng của kính Tetraflex và làm cho tăng quang sai bậc cao như cầu sai, trong đó mở rộng chiều sâu của lĩnh vực.

Kính nội nhãn điều tiết hai optic: Vì kính nội nhãn điều tiết đơn bị giới hạn độ rộng của điều tiết nên các nhà nghiên cứu phát triển kính nội nhãn hai optic. Gồm 2 kính có công suất trước sau khác nhau, sự di chuyển của của 2 kính này sẽ tạo nên điều tiết. Khi phân tích độ điều tiết phụ thuộc 2 yếu tố là độ rộng của trục kính thay đổi và công suất của kính được thay đổi. Ví dụ như

kính nội nhãn có công suất + 19D đặt trong túi bao khi thay đổi trục chỉ thêm được +1,2D điều tiết, kính nội nhãn có công suất +32D khi thay đổi trục thêm được +2,6D điều tiết. Cũng cùng một thiết kế đưa ra giới hạn của điều tiết từ 0,3 đến 1,9D cho 1mm thay đổi trục của kính với công suất kính từ 15 đến 25D. Nguyên lý của kính nội nhãn hai optic dựa trên một mặt kính cong cầu phía trước và một mặt kính lõm ở mặt sau giống như kính thiên văn Galilean [46].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phẫu thuật phaco đặt thể thủy tinh nhân tạo đa tiêu điều trị đục thể thuỷ tinh (Trang 27 - 29)