ĐẶC ĐIỂM CẬN LÂM SÀNG

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phẫu thuật bắc cầu động mạch vành trên bệnh nhân có phân suất tống máu thất trái giảm (Trang 106 - 107)

Men tim là sản phẩm sinh ra do tổn thương hoại tử tế bào cơ tim. Các biến đổi về men tim sau mổ gián tiếp phản ánh tình trạng thiếu máu cơ tim trong quá trình phẫu thuật . Khảo sát diễn tiến thay đổi nồng độ các men tim qua các thời điểm khác nhau sau mổ (G0, G6, G12, G24, G48, N4 và N5) (bảng 3.11) chúng tôi nhận thấy có 3 vấn đề lớn:

4.2.1. Nồng độ đỉnh cao nhất của CK-MB

Xảy ra sớm hơn, vào G0 tương ứng khoảng 6 – 8 giờ sau kẹp ĐMC, giảm dần theo thời gian và trở về gần giá trị bình thường vào G48 sau mổ. Riêng nồng độ đỉnh của cTnT và cTnI cao nhất vào G6 sau mổ, tương ứng khoảng 12 – 14 giờ sau kẹp ĐMC, rồi giảm dần theo thời gian nhưng vẫn duy trì cao và kéo dài cho đến ngày thứ 5 sau phẫu thuật.

Tương tự với nghiên cứu của Bertram Pitt [33], chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt có ý nghĩa về nồng độ đỉnh của các men tim theo thời gian.

4.2.2. Nồng độ của cTnI và cTnT

Có sự kéo dài gia tăng nồng độ của cTnI và cTnT cho đến ngày thứ 5 sau mổ. Điều này cũng tương tự như nhận xét của một số nghiên cứu khác và cũng phù hợp với động học của sự phóng thích cTnT, cTnI trong NMCT cấp. Do vậy mà việc xác định nồng độ đỉnh của cTnI, cTnT vào giờ thứ 20 đến giờ thứ 24 sau mổ mạch vành hoặc van tim là thích hợp nhất.

Tất cả các trường hợp có men tim tăng cao (cTnT, cTnI, CK-MB) sau mổ đều có nguyên nhân thiếu máu cơ tim và NMCT cấp. Trong nghiên cứu chúng tôi, có 1 trường hợp tử vong (1,1%) là do hậu quả của NMCT cấp sau mổ với nồng độ men tim tăng cao.

Do đó, việc định lượng men tim sau PTBCMV là cần thiết, giúp cho các bác sĩ lâm sàng có thể phát hiện sớm thiếu máu cơ tim, NMCT sau mổ.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phẫu thuật bắc cầu động mạch vành trên bệnh nhân có phân suất tống máu thất trái giảm (Trang 106 - 107)