Tuy rằng vẫn chưa được quan tâm đúng mức và chưa tách biệt rõ so với thuốc kê đơn, nhưng rõ ràng là thuốc không kê đơn đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ trong thị trường chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.
Bảng 2.2: Doanh số thuốc không kê đơn tại Việt Nam (2008 – 2011) Đơn vị tính:Tỷ VNĐ Năm 2008 2009 2010 2011 Doanh số 6.377,434 8.344,691 10.693,939 13.478,335 Mức độ tăng trưởng 26,672% 30,847% 28,153% 26,037% Tỷ trọng trong ngành dược 27,700% 27,400% 27,200% 26,913%
Nguồn: Business Monitor International, Q1/2013, Vietnam Pharmaceuticals & Healthcare Report.
Tổng doanh số bán hàng của thuốc không kê đơn đã tăng trưởng 111% từ 6.377 tỷ VNĐ trong năm 2008 lên 13.478 tỷ VNĐ trong năm 2011.
Về tốc độ tăng trưởng, ngành thuốc không kê đơn liên tục tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2008 – 2011, đặc biệt là giai đoạn 2008 – 2009 tăng trưởng hơn 30%. Điều này cho thấy thuốc không kê đơn đã theo kịp tốc độ tăng trưởng của tổng ngành dược tại Việt Nam, thể hiện qua tỷ trọng đóng góp của thuốc không kê đơn trong doanh số toàn ngành dược cùng giai đoạn luôn giữ vững ở mức 27%.
Bảng 2.3: Doanh số dự báo thuốc không kê đơn tại Việt Nam (2012 – 2016)
Đơn vị tính:Tỷ VNĐ Năm 2012 DB 2013 DB 2014 DB 2015 DB 2016 DB Doanh số 16.499,863 19.524,843 22.527,094 25.295,061 27.582,063 Mức độ tăng trưởng 22,418% 18,333% 15,377% 12,287% 9,041% Tỷ trọng trong ngành dược 26,651% 26,387% 26,120% 25,850% 25,577%
Nguồn: Business Monitor International, Q1/2013, Vietnam Pharmaceuticals & Healthcare Report.
Theo dự báo của BMI, doanh số của thị trường thuốc không kê đơn tại Việt Nam sẽ tăng đến mốc 27.582 tỷ VNĐ vào năm 2016, tăng trưởng 105% so với năm 2011. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng theo từng giai đoạn sẽ có xu hướng chậm dần do thị trường tiến vào giai đoạn ổn định.
Mặc khác, tỷ trọng đóng góp của thuốc không kê đơn trong tổng ngành dược cũng được dự báo giảm dần xuống mức 25,577% vào năm 2016. Nguyên nhân của xu hướng này là do khu vực thuốc kê đơn được dự báo sẽ có mức tăng giá nhập khẩu và giá bán trong thời gian sắp đến.
Theo nhận định của BMI, một nhân tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thuốc không kê đơn chính là mức độ tiêu dùng thuốc ngày càng tăng trong xã hội. Mức chi tiêu dùng của người dân ngày càng nhiều và thuốc không kê đơn là một sản phẩm đặc biệt trong đó. Những người có học vấn cao, thường chú ý tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe của bản thân và có xu hướng tự tin tiêu dùng thuốc không kê đơn. Bên cạnh đó, những người có thu nhập thấp cũng thường tìm đến thuốc không kê đơn như biện pháp chữa trị ban đầu, thay cho việc tốn nhiều tiền khi khám bác sĩ. Thật vậy, theo một cuộc nghiên cứu giữa công ty AC Nielsen và Hiệp hội ngành Công Nghiệp Dược Phẩm Tự Điều Trị Châu Âu (AESGP), có khoảng 45% tổng số người tiêu dùng Việt Nam thường sẽ chọn mua thuốc không kê đơn để chữa trị cho một căn bệnh nhỏ hoặc ngay sau khi triệu chứng xuất hiện.
Trong các nhóm thuốc không kê đơn tại Việt Nam, thuốc giảm đau có doanh số bán cao nhất. Vitamin và thuốc bổ lại là nhóm thuốc có mức độ tăng trưởng tốt nhất. Việc bổ sung vitamin cho cơ thể đã trở thành một nhu cầu phổ biến trong các gia đình trên cả nước. Và nhờ việc gia tăng khối lượng tiêu thụ mà vitamin có giá cả phải chăng, giúp đại đa số người dân có thể tiếp cận và tiêu dùng được.
Ngày nay, với sự phát triển của truyền thông, các công ty sản xuất và phân phối thuốc không kê đơn đang tập trung vào việc xây dựng hình ảnh thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Điều này giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận nhiều thông tin về những loại thuốc có thể mua ngay không cần toa của bác sĩ cho một số bệnh thông thường, vốn còn chưa phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam. Bên cạnh đó,
việc Nhà nước đang áp dụng tiêu chuẩn Nhà Thuốc Thực Hành Tốt (GPP) vào phần lớn các nhà thuốc trên toàn quốc đã giúp phân tách thuốc không kê đơn và cần kê đơn trong điểm bán. Nhờ vậy, người tiêu dùng có được nhiều khả năng để nhận diện và tiếp cận nhóm sản phẩm đặc biệt này hơn.
Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay đa phần người tiêu dùng thuốc không kê đơn vẫn chưa thực sự nghiêm túc đối với loại sản phẩm này. Họ thường chỉ hỏi ý kiến và nghe lời tư vấn từ người thân, bạn bè hoặc người bán ở quầy thuốc. Điều này là một xu hướng có phần nguy hại, bởi vì một số loại thuốc không kê đơn tuy rằng an toàn nhưng sẽ dẫn đến việc miễn nhiễm kháng sinh khi dùng quá liều. Vì vậy, ngoài việc tìm hiểu thông tin trên bao bì sản phẩm thì việc hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ ở những nơi có giấy phép hoạt động theo quy định về một loại thuốc không kê đơn trước khi tiêu dùng là điều cần thiết.