Thuốc không kê đơn có một số đặc điểm như sau:
Thuốc có độc tính thấp, không tạo ra các sản phẩm phân huỷ có độc tính, không có những tác dụng có hại nghiêm trọng (là những tác dụng có hại gây hậu quả tử vong, nguy hiểm đến tính mạng, cần phải nhập viện để điều trị hay kéo dài thời gian điều trị, gây tàn tật vĩnh viễn hay nặng nề, sinh con dị dạng, dị tật bẩm sinh và các hậu quả tương đương...) đã được biết hoặc khuyến cáo có tác dụng này.
Thuốc có phạm vi liều dùng rộng, an toàn cho các nhóm tuổi, ít có ảnh hưởng đến việc chẩn đoán và điều trị các bệnh cần theo dõi lâm sàng.
Thuốc thường được sử dụng trong điều trị các bệnh thông thường và bệnh nhân có thể tự điều trị, không nhất thiết phải có sự thăm khám, tư vấn và theo dõi của bác sĩ.
o Bệnh thông thường: cảm sốt, chóng mặt, ho…
o Triệu chứng đau: đau bụng, đau răng…
o Triệu chứng dị ứng: dị ứng do tiếp xúc, dị ứng do côn trùng cắn…
o Bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết…
Đường dùng, dạng dùng đơn giản, chủ yếu là đường uống, dùng ngoài da với hàm lượng, nồng độ thích hợp cho việc tự điều trị.
Thuốc ít tương tác với các thuốc khác và thức ăn, đồ uống thông dụng.
Thuốc không gây tình trạng lệ thuộc.
Vì những đặc điểm trên, nên thuốc không kê đơn được xem như một sản phẩm tiêu dùng đặc biệt:
Thuốc có thể được mua ở cửa hàng thuốc, siêu thị hoặc các điểm bán lẻ mà không cần đơn thuốc của bác sĩ.
Thuốc được quảng cáo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng phải được cơ quan quản lý dược phẩm cấp phép.
Ví dụ một số loại thuốc không kê đơn tại thị trường Việt Nam:
Fugacar: của Janssen Cilag, dùng trong điều trị tẩy giun.
Imodium: của Janssen Cilag, dùng trong điều trị tiêu chảy.
Surbex: của Abbott Laboratories, dùng trong trường hợp cần bổ sung chất kẽm.
Brufen: của Abbott Laboratories, dùng trong điều trị cảm sốt ở trẻ em.
Rhinathiol: của Sanofi Aventis, dùng trong điều trị ho.