thủy sản ở Bến Tre
- Về quản lý thuế
KTTN sản xuất kinh doanh trong ngành thủy sản ở Bến Tre hiện nay chủ yếu là áp dụng hình thức thu thuế khoán nên thất thu còn nhiều. Để chống thất thu thuế, cần xây dựng
môi trường phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN và ngành thuế phải thực hiện chế độ kế toán, hạch toán theo quy định của Nhà nước.
- Về lĩnh vực nuôi thủy sản
Hiện nay các cơ sở sản xuất tôm giống ở Bến Tre không đáp ứng được nhu cầu nuôi của các hộ nuôi thủy sản, nhiều hộ dân mua tôm giống từ các tỉnh về, chất lượng tôm giống chưa đảm bảo, dễ xảy ra dịch bệnh, làm ô nhiễm môi trường nuôi. Nguyên nhân là do công tác quản lý giống của Nhà nước chưa được chặt chẽ. Vì vậy, trong thời gian tới cần tăng cường công tác quản lý tại các cơ sở sản xuất giống, các đại lý mua bán vận chuyển giống từ ngoài tỉnh về nhằm kịp thời phát hiện mầm bệnh trên tôm, cá giống để xử lý ngay, không cho dịch bệnh có điều kiện lây lan sang nhiều vùng nuôi gây thiệt hại cho người nuôi. Mở rộng các cơ sở giống hiện có, đồng thời khuyến khích KTTN tham gia vào sản xuất giống. Có chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng trại sản xuất giống, nhằm cung cấp đủ nguồn giống tốt cho nhu cầu nuôi của các hộ dân. Tăng cường công tác khuyến ngư, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao quy trình kỹ thuật tiên tiến cho người nuôi.
- Trong lĩnh vực khai thác thủy sản: những năm gần đây tình trạng sử dụng xung
điện, chất độc trong đánh bắt thủy sản gia tăng. Việc sử dụng những phương tiện nói trên không những huỷ diệt nguồn lợi thủy sản mà còn thiệt hại cả tính mạng. Mặc dù, ngành thủy sản đã phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền vận động để các tổ chức và cá nhân tham gia khai thác thủy sản hiểu rõ tác hại trong việc sử dụng các phương tiện nói trên, thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh thường xuyên theo dõi phát hiện nhiều vụ vi phạm và xử lý kịp thời. Nhưng việc sử dụng các phương tiện cấm trong khai thác thủy sản vẫn chưa chấm dứt, do công tác tuyên truyền trong dân chưa sâu rộng vì một số địa phương chưa quan tâm đến công tác này, nên người dân chưa nhận thức đầy đủ các tác hại của mình làm. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục làm cho mọi người biết được tác hại trong việc sử dụng các phương tiện nói trên. Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với các hộ không có khả năng chuyển đổi sang nghề nghiệp khác và đẩy mạnh công tác quản lý tàu thuyền trên địa bàn tỉnh.
Các cơ sở của KTTN tham gia trong lĩnh vực chế biến thủy sản phần lớn có quy mô nhỏ, dưới dạng hộ gia đình là chủ yếu và hoạt động không thường xuyên nên khó thống kê chính xác số lượng hộ tham gia vào sơ chế mặt hàng hải sản. Mặt khác, các cơ sở này thực hiện chế độ thuế khoán và chưa thực hiện chế độ ghi chép sổ sách, kế toán… Vì vậy, cần phải bắt buộc các cơ sở này thực hiện chế độ thống kê, kế toán (như thống kê nguyên liệu mua vào, số lượng hàng bán ra…). Từ đó, làm cơ sở xác định mức tiêu hao nguồn nguyên liệu trong quá trình chế biến từng mặt hàng của các cơ sở đó và quản lý các cơ sở này dễ dàng hơn, tránh thất thu thuế.