Nguyên nhân của những hạn chế

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hoạt động thanh tra nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước ở việt nam luận văn ths kinh tế 60 31 01 pdf (Trang 88 - 90)

- Nhận thức về công tác thanh tra, kiểm tra chưa đúng với vị trí, vai trò của nó trong công tác quản lý nhà nước. Công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức pháp luật nói chung và pháp luật về thanh tra chưa đúng mức, chưa thường xuyên và hiệu quả còn chưa cao. Vị trí, vai trò của hoạt động thanh tra đối với các DNNN chưa được xác định đúng mức trong hoạt động thanh tra và trong công tác quản lý vĩ mô nền kinh tế của Nhà nước.

- Cơ cấu tổ chức của các cơ quan thanh tra tổ chức chưa thật sự khoa học và thiếu thống nhất, đặc biệt là các cơ quan Thanh tra bộ, ngành. Theo nghiên cứu mới đây nhất (8/2004) của đề tài “Tổ chức, hoạt động và mối quan hệ giữa Thanh tra bộ và Thanh tra chuyên ngành – Thực trạng và giải pháp” của cơ quan Thanh tra Chính phủ cho thấy có tới 4 mô hình tổ chức thanh tra ở các Bộ, ngành:

+ Thanh tra bộ chỉ thực hiện chức năng thanh tra nhà nước như: Bộ Ngoại giao, Uỷ ban dân tộc, Uỷ ban dân số, gia đình và trẻ em;

+ Thanh tra bộ thực hiện cả chức năng thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành như: Bộ Y tế, Bộ Văn hoá-Thông tin, Bộ Công nghiệp…

+ Thanh tra chuyên ngành được xác định là đơn vị cấp 2 của Thanh tra bộ như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên- môi trường;

+ Thanh tra bộ và thanh tra chuyên ngành hoàn toàn độc lập với nhau như: Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng...

Mối quan hệ giữa các cơ quan thanh tra chưa chặt chẽ, kể cả các cơ quan Thanh tra nhà nước và Thanh tra chuyên ngành. Nhìn chung mối quan hệ ngang đã chi phối mối quan hệ dọc, tức các cơ quan thanh tra phụ thuộc nhiều vào Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

- Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra và của các cơ quan quản lý nhà nước khác chưa được phân định rõ ràng và rành mạch, nên chức năng thanh tra, kiểm tra hay nội dung thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan này vẫn còn trùng lặp.

- Quyền hạn của các cơ quan thanh tra, của Trưởng đoàn thanh tra và của các Thanh tra viên chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu công tác đòi hỏi, nhiều quyền còn mang tính chất hình thức, thiếu thực tế và chế tài thực hiện.

- Trình độ học vấn của đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra nhìn chung còn thấp, năng lực về nghiệp vụ công tác thanh tra còn hạn chế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa được quan tâm đúng mức… cho nên một bộ phận chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Hệ thống chính sách, pháp luật chưa đồng bộ và thiếu thống nhất, nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực và hiệu quả của hoạt động thanh tra nói chung và thanh tra các DNNN nói riêng.

Trước sự phát triển của nền kinh tế thị trường và yêu cầu đòi hỏi của công tác quản lý nhà nước về kinh tế, đã đòi hỏi hoạt động thanh tra và thanh tra các DNNN phải được đổi mới và từng bước hoàn thiện, nhằm khắc phục những khiếm khuyết, hạn chế trong hoạt động thanh tra nói chung và thanh tra các DNNN nói riêng, góp phần làm cho DNNN phát triển đúng hướng và kinh doanh có hiệu quả, thật sự là một lực lượng vất chất, một công cụ quan trọng để Nhà nước định hướng và quản lý vĩ mô nền kinh tế.

Tóm lại, sau khi đã phân tích khái quát quá trình đổi mới tổ chức TTNN

và quá trình đổi mới của các DNNN trong tiến trình đổi mới chung của đất nước. Luận văn đã đi sâu vào phân tích làm rõ thực trạng hoạt động thanh tra và thanh tra các DNNN trong những năm gần đây. Qua đó đã thấy được ngành Thanh tra đã từng bước được củng cố, kiện toàn về tổ chức, bộ máy, xây dựng được một đội ngũ cán bộ thanh tra từ Trung ương đến địa phương, đã thật sự là một chức năng thiết yếu của các cơ quan quản lý nhà nước, là một trong những

công cụ hữu hiệu để Nhà nước quản lý vĩ mô nền kinh tế. Kết quả mà ngành Thanh tra đạt được trong thời gian vừa qua là rất khả quan, trong đó có sự đóng góp quan trọng của hoạt động thanh tra các DNNN; đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho, góp phần xứng đáng vào việc củng cố chính quyền, xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực quản lý đất nước để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Bên cạnh những kết quả mà ngành Thanh tra và hoạt động thanh tra các DNNN đã đạt được cũng còn những khiếm khuyết, hạn chế cần phải sửa chữa, khắc phục. Vì vậy, để phục vụ tốt cho công tác quản lý vĩ mô nền kinh tế của Nhà nước, đòi hỏi hoạt động thanh tra và thanh tra các DNNN phải được củng cố, đổi mới và từng bước hoàn thiện trong thời gian tới.

Chương 3

QUAN ĐIỂM VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

NHẰM HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG THANH TRA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRONG THỜI GIAN TỚI

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hoạt động thanh tra nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước ở việt nam luận văn ths kinh tế 60 31 01 pdf (Trang 88 - 90)