5. Phƣơng pháp nghiên cứu
3.5. Hiện thực về con ngƣời tìm kiếm và khẳng định nhân cách của mình
Như đã nói ở trên, Dostoievski nhìn nhận con người ở khía cạnh ý thức. Con người từ khi sinh ra đã mang trong đầu một khả năng nhận thức và biết khái quát nhận thức ấy thành tư tưởng của mình, biến nó thành hành động. Ở cuốn tiểu thuyết sám hối
Tội ác và hình phạt, nhà văn đã tập trung phản ánh con người về khía cạnh nhận thức và tâm lí, từ đó làm cơ sở cho việc hình thành ý thức hệ. Hiểu một cách ngắn gọn: ý thức hệ là hoạt động nhận thức chủ yếu của con người, phản ánh thực tế khách quan, để thích nghi với nó hoặc để cải tạo nó. Nhà marxist phương Tây là Louis Althusser đã chứng minh rằng, ý thức hệ không chỉ là phản ánh các quan hệ hiện thực, mà còn biểu hiện sự thể nghiệm, tưởng tượng quan hệ của mình đối với tồn tại, như thế ý thức hệ là biểu hiện sự phụ thuộc của con người vào thế giới của nó, là sự thống nhất đa nguyên của các quan hệ chân thực và các quan hệ tưởng tượng. Và do đó, ý thức hệ mang tính tập thể cho riêng một tầng lớp, giai cấp nhất định trong xã hội. Có thể nói, Dostoievski đã tìm ra cái căn nguyên của ý thức con người chính là yếu tố dẫn đến ý thức xã hội, làm cho xã hội chuyển biến mạnh mẽ trong tương lai.
Tội ác và hình phạt ghi nhận một ý thức hệ cá nhân cực đoan, xem mình là riêng biệt, là thứ nhất, từ đó chối từ mọi nguyên tắc đạo đức đời thường, dẫn đến nhận thức sai lệch và định hướng hành động tàn nhẫn. Con người đại diện cho ý thức hệ đó chính là Raskolnikov - một tàn dư của những kẻ sống dưới hầm và nhào nặn một tư
tưởng bạo động, vô thần. Nguyên nhân dẫn đến việc hình thành ý thức hệ cá nhân của Raskolnikov chính tính cách của anh. Raskolnikov mang tư tưởng cá nhân ngay từ đầu: trừ Razumikhin anh không kết thân với ai mặc dù anh không hiểu vì sao mình lại làm bạn với chàng trai ấy, anh chẳng hề muốn nói chuyện với mọi người xung quanh và nhìn họ bằng con mắt khinh khỉnh, anh ra sức học tập để lập thành tích cao, ai cũng nể nang nhưng họ không yêu mến anh. Chính tính cách cho mình là nhất đã dần thu anh vào một nơi nhỏ bé, chỉ có riêng mình rồi tự toan tính một điều gì đó sâu kín. Anh không giao tiếp với ai nên không biết mình đã lún sâu như thế nào vào cái hố tội lỗi và luôn cho mình là đúng. Bản thân Raskolnikov cũng biết điều này: “Anh rút vào sâu trong xó như con nhện. Em có vào cái chuồng chó của anh rồi, em thấy đấy... Em có biết rằng những trần nhà thấy lè tè và những căn buồng chật chội nó đè ép tâm hồn và trí tuệ con người ra sao không? Trời ơi, sao anh căm thù cái chuồng chó ấy đến thế! Thế nên anh vẫn không muốn đi ra khỏi buồng. […] Anh thích nằm nghĩ mông lung hơn, anh cứ nghĩ mãi...” [3; tr.512 – 513]. Raskolnikov cứ nghĩ mãi rồi tự khám phá ra rằng nhân sinh chỉ có hai loại: Thần và Nhân, tức phi thường và tầm thường. Bản thân anh có dấu hiệu của phàm nhân và dĩ nhiên anh không muốn như thế. Anh cho rằng quy luật là: con người tầm thường chỉ ngu muội suốt đời mà không khôn lên được; bị áp bức suốt đời mà vẫn không thể vùng lên; trên đời này không có hạnh phúc chung cho nhân loại mà chỉ có thứ hạnh phúc giành giật được mà thôi. Hơn nữa, Thần và Nhân có ranh giới phân biệt rạch ròi, ai có sự gan dạ sẽ là Thần. Từ đó, Raskolnikov chìm đắm vào tư tưởng đó, cho nó là chân lí và hình thành nên thế giới quan của mình. Phần lớn ý thức hệ do duy trì hiện trạng cho nên tư tưởng mang nặng tính chất tĩnh tại, bảo thủ là vì thế.
Chính vì ý thức hệ ấy mà Raskolnikov đã dẫn đến một loạt nhận thức sai lầm khác bởi ý thức hệ có chức năng định hướng hành động, thôi thúc con người phải làm gì đó chứng minh cho những điều mình đắc ý: nhu cầu tự khẳng định mình, tự thử nghiệm xem mình có gan hay không. Anh đưa ra những biểu tượng sáng ngời, đó là những Napoléon, Nietzsche, những trận Tulong, chiến dịch Ai Cập, cuộc hành quân qua Moutblance, trận Waterloo... Tất cả đều là vĩ nhân làm nên các sự kiện vĩ đại lưu danh hậu thế; bởi họ có gan vượt qua những trở ngại về luân lí, đạo đức của con người bình thường; họ sẵn sàng bóp chết một vài người cản trở họ trên con đường danh vọng phía trước để rộng đường lập nghiệp lớn. Vì thế nên, Raskolnikov đã hành động, ý
thức hệ chỉ là lí thuyết nhưng nó có sức mạnh thúc đẩy người ta hành động. Ta đã từng thấy con người sống vì chính mình, yêu vì chính mình và chết cho mình nhưng giết người vì mình thì đó là khái niệm khủng khiếp mọi thời đại. Giết người chỉ để xét xem mình có gan vượt qua xúc cảm ám ảnh khi phạm tội không là việc làm hủy hoại nhân loại, là hậu quả của chủ nghĩa cá nhân cực đoan, thà hy sinh người khác để chứng minh chân lí của riêng mình.
Nghiên cứu từ góc độ nhận thức xã hội và nhân sinh của Raskolnikov, việc làm của anh là tội ác nhưng không phải xuất phát từ việc mất nhân tính mà là xuất phát từ cái đầu muốn khẳng định mình bằng một tư tưởng bạo động. Giết người để chứng tỏ mình là một siêu nhân đã vượt qua luân lí hèn nhát của con người thường và tin rằng sau khi vượt qua được giới hạn sợ hãi của bản thân rồi thì một thế giới tốt đẹp hơn sẽ mở ra phía trước một cách nhanh chóng. Anh không thừa nhận hai từ “tội ác” và “sai lầm” bởi ý thức hệ vốn dĩ ăn sâu bám rễ trong bộ não. Nó cho phép anh phạm tội mà không bị dằn vặt lương tâm, chỉ lo chạy tội. Tuy nhiên, vì với Raskolnikov, cái anh không lường trước được đó chính là đối mặt với nhân tính, luật pháp và nỗi khát khao tự thú dâng lên trong lòng. Anh tự thú với cảnh sát nhưng vẫn hoàn toàn không phục, vẫn cho lí thuyết người hùng của mình là đúng. Từ đó có thể thấy, pháp luật có thể áp chế con người nhưng chưa thể thu phục lòng người. Đối mặt và giải quyết một ý thức hệ này cần có một ý thức hệ khác – “thuyết Sonia”.
Trong Raskolnikov là con người cá nhân vị kỉ, ôm giấc mộng làm vĩ nhân mà hủy hoại những giá trị nhân sinh vĩnh cửu. Sai lầm của anh là sai lầm bắt nguồn tứ ý thức hệ, hy sinh mạng người để đánh đổi hạnh phúc vị kỉ cho bản thân, từ bỏ đạo đức để ngẩng cao đầu với một lí thuyết lệch lạc. Anh sống quá cô đơn, bài báo anh viết ra được nhuận bút thế nào và đăng ở đâu anh cũng không biết, đời sinh viên anh chỉ có mỗi người bạn là Razumikhin, căn phòng trọ nhỏ bé như cái quan tài của anh lúc nào cũng tối tăm và ít người lui tới. Mà chính Raskolnikov cũng không muốn tìm đến nhân quần, chủ động xa lánh mọi người, anh khác với Razumikhin chàng trai cởi mở lúc nào cũng hòa hợp, thích chung vui cùng bạn bè dù nhà Razumikhin cũng chẳng khá hơn anh là bao. Đó là sự khác nhau về thế giới quan của từng người. Thất bại của Raskolnikov là sự phá sản của ý thức hệ cá nhân cực đoan kia.
Vì thế, Raskolnikov giết người là vì cô đơn trong tư tưởng, cô đơn giữa nhân gian chứ bản chất của anh không xấu. Anh có một gia đình yên ấm từ thuở nhỏ, điều
đó đủ sưởi ấm tâm hồn anh bằng tình yêu thương. Từ bé, Raskolnikov đã chạy ra bảo vệ chú ngựa tội nghiệp bị bọn đi buôn hành hạ dã man; tận sâu trong lòng, Raskolnikov căm thù bọn vô nhân đạo kia tột cùng, chúng thản nhiên cười hềnh hệch và cắn hạt dưa nhìn chú ngựa kia thoi thóp dưới đòn roi đau điếng. Mãi khi trưởng thành, điều đó vẫn ám ảnh anh trong cả giấc mơ. Ra đường, anh thấy cô bé mới mười sáu tuổi say rượu và sắp bị một gã làm hại thì sẵn sàng bỏ tiền ra nhờ cảnh sát đưa cô bé về nhà và còn suýt đánh nhau với gã bất lương ấy nữa. Anh vì cứu một đứa bé trong trận hỏa hoạn mà bị bỏng khắp người. Anh lo ma chay cho gã Marmeladov bằng những đồng tiền cuối cùng của mình. Khi Sonia bị Lugin vu cáo là ăn cắp tiền, anh đã đứng ra đòi công bằng và bênh vực nàng hết lời. Anh biết Lugin là người xấu và ngăn cản em gái Dunia kết hôn với hắn bằng mọi cách. Chứng kiến cảnh người hành hạ thú vật, người ngược đãi lẫn nhau như bà dì Kateria nắm tóc ông chồng Marmeladov mà quật xuống, rồi biết bao số phận đáng thương đang ngày ngày kiếm sống khắp các xó xỉnh Peterburg; và chứng kiến bên cạnh anh, mẹ và em giá Dunia đang bị một tên địa chủ hãnh tiến, độc ác bám lấy không dứt thì với một người có ý thức sâu sắc về cuộc sống như Raskolnikov làm sao có thể đứng yên nhìn mọi việc tiếp diễn như thế được. Rõ ràng anh biết phân biệt đâu là xấu xa, gian ác và đâu là yêu thương chân thành. Ngày cuối cùng sắp đi tự thú, Raskolnikov tin tưởng gửi gắm em gái Dunia cho người bạn thân Razumikhin của mình vì hiểu Razumikhin là một người chí thú, nghiêm túc và thật thà, anh còn nhắn lại với mẹ mình lời cuối rằng anh vẫn rất cần tình thương và sự thứ tha của mẹ khi mình đã phạm tội thế này. Thực sự Raskolnikov mãi yêu thương gia đình nhỏ bé của mình, mong muốn được giúp đỡ họ thật nhiều chứ không phải chính họ hy sinh để giúp đỡ anh, chẳng những thế anh còn hăng hái cứu rỗi nhân loại, tình nguyện gánh vác bước tiến của nhân loại trên đôi vai mình. Nhưng tiếc thay, do quá nôn nóng đi tìm chân lí, anh đã rơi vào cạm bẫy vị kỉ của chính mình và nhận lấy bi kịch không sao tránh khỏi.
Như M.Bakhtin đã từng nói: “Nhân vật của Dos hiện ra không phải như một hiện tượng thực tế có những dấu hiệu xã hội điển hình hoặc một cá thể có cá tính vững chắc, cũng không phải như một khuôn mặt nhất định phối hợp những nét có ý nghĩa phổ biến và khách quan để rồi tổng hợp lại, sẽ trả lời cho câu hỏi: Anh là ai? Không, nhân vật của Dos là một góc độ nhìn đặc biệt vào thế giới và vào chính mình”. Từ đó ta có thể thấy, Raskolnikov trong tiểu thuyết Tội ác và hình phạt không hề khiến người
đọc phải căm ghét tột cùng hay cảm thương tột cùng mà nhân vật này khiến ta phải đau đáu suy nghĩ về ranh giới giữa Thiện và Ác bên trong một người. Anh yêu thương nhân quần nhưng lại coi thường nhân quần, anh khát khao cứu mọi người ra khỏi cảnh lầm than đó nhưng lại muốn cứu mình trước tiên. Dường như Dostoievski để cho Raskolnikov bộc lộ ý đồ phi nhân đạo phát sinh từ xã hội tư bản đang trong thời kì chuyển mình dữ dội kia và để anh sống hết mình với nhiệt huyết muốn được cứu giúp những kiếp người đang chịu nỗi thống khổ dưới ách chế ngự của các thế lực bạo tàn. Raskolnikov muốn tự giác chạy ra khỏi bóng tối của thực tại xã hội nhiễu nhương bằng một lí thuyết soi đường, nhưng tiếc thay chân lí mà anh tìm ra lại phản lại loài người. Con người không thể theo đuổi hai mục tiêu trái ngược nhau vì nếu không sẽ chết trên ranh giới ấy, nhưng Raskolnikov lại không như thế. Anh có thể hòa hợp hai yếu tố đối lập nhau và đến cuối cùng vẫn tin chân lí thuộc về mình.
Nếu con người có ý thức hệ kiểu Raskolnikov phát triển ngày càng nhiều, như trung úy Porfiri đã nói: “Thôi đi, ở nước Nga chúng ta thì hiện nay ai mà không tự cho mình là Napoléon?” [3; tr.329] đã khẳng định hiện thực trường hợp của Raskolnikov là có thật. Nhất là ở trong tình hình nước Nga những năm 60 của thế kỉ XIX đang chuyển mình sang nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, khi tiền bạc lên ngôi và lòng người càng muốn đong đếm mọi thứ, mọi giá trị đều được đánh giá lại và người ta bơ vơ không biết đâu mới là chân lí để rồi nhầm lẫn thiện thành ác như trường hợp của Rodion Romanovich. Vì thế, ý thức hệ có khả năng trở thành công cụ của giai cấp thống trị mà tiền thân của nó là chủ nghĩa phát xit độc tài. Nó là một mối đe dọa, là nguyên nhân gây ra các cuộc chiến tương tàn vô nghĩa mà cả thế giới phải run sợ.