Nội dung giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Một phần của tài liệu Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên (Trang 28 - 35)

5. Bố cục luận văn

1.1.2.Nội dung giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

1.1.2.1. Hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Lao động nông thôn thiếu việc làm do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là trình độ văn hóa thấp, lại không được đào tạo nghề nên lao động phổ thông là phổ biến. Đã có những doanh nghiệp sau khi thu hồi đất của nông dân, nhận lao động trẻ ở nông thôn vào làm việc, nhưng chỉ một thời gian ngắn lại phải cắt hợp đồng do lao động này không đáp ứng được yêu cầu công việc của doanh nghiệp. Bởi vậy việc đẩy mạnh đào tạo nghề và đa dạng các hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống. Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ, gọi tắt là “Đề án 1956”, được triển khai trên phạm vi cả nước, bước đầu đã thu được một số kết quả quan trọng. Nhấn mạnh yêu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011) đã xác định nhiệm vụ: “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...” trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020, nhằm bảo đảm hàng năm đào tạo khoảng 1 triệu lao động nông thôn, đưa tỷ lệ lao động được đào tạo nghề lên khoảng 55% tổng lao động xã hội vào năm 2020. Có chính sách thu hút những người được đào tạo về làm việc ở nông thôn, nhất là miền núi và vùng sâu, vùng xa. Phát triển mạng lưới dạy nghề theo hướng dân chủ hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa nhằm từng bước nâng cao chất lượng dạy nghề với phương châm hiệu quả, bền vững.

Công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Yêu

cầu nhân lực thực tế ở từng địa phương là căn cứ để phát triển cơ sở đào tạo nghề với chương trình, nội dung đào tạo, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất - kỹ thuật phù hợp. Từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, phát triển của mỗi vùng, mỗi địa phương.

Việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn hiện nay càng có ý nghĩa trong bối cảnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trong quá trình hội nhập. Một mặt, cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có ngành nông nghiệp và kinh tế ở nông thôn, là chuyển mạnh sang phát triển các ngành nghề mới, dựa trên nền tảng công nghệ ngày càng hiện đại. Với định hướng phát triển nông nghiệp xuất khẩu nên cần chú trọng đào tạo cho lao động những ngành, nghề chế biến nông sản phẩm xuất khẩu, nhằm đáp ứng được yêu cầu lao động của các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp hoạt động ở nông thôn. Mặt khác, cơ cấu lại nền kinh tế là giảm thiểu các ngành, nghề và sản phẩm có hàm lượng lao động cao. Từ đó, làm gia tăng sự dôi dư đội ngũ lao động giản đơn. Do vậy cần có nhận thức đúng về học nghề, phân luồng, định hướng giúp người lao động chọn đúng ngành, nghề phù hợp với bản thân và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và của mỗi địa phương.

Chính quyền địa phương, trước tiên phải thông tin đầy đủ và chính xác cho người học nghề về chính sách hỗ trợ và lợi ích của việc học nghề để họ chủ động và tích cực học nghề. Các ngành chức năng địa phương cần phải tạo được các mô hình đào tạo gắn với việc làm lâu dài, ổn định ở mức cao nhất có thể, để người lao động ở nông thôn hành nghề theo nghề đã được học. Thông qua đó, họ từng bước nâng cao trách nhiệm và tự tạo việc làm cho mình và cho cộng đồng để hành nghề một cách hợp pháp; tức là phải hành nghề theo nghề đã được cấp chứng chỉ của Nhà nước.

1.1.2.2. Giải quyết việc làm thông qua chính sách tín dụng nông thôn

Sử dụng chính sách tín dụng nông thôn là một nội dung quan trọng trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Khu vực nông thôn nước ta hiện nay đang được tiếp cận khá nhiều chính sách tín dụng từ: vốn ngân sách nhà

nước; vốn tín dụng nông nghiệp lãi suất ưu đãi đầu tư các dự án; vốn tín dụng lãi suất ưu đãi cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách...

Trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam, nông nghiệp được coi là nền móng cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn tín dụng và đã có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Hội Nông dân Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với vai trò là cầu nối giữa ngân hàng với hàng triệu hộ nông dân và phụ nữ nông thôn trên phạm vi cả nước. Triển khai Nghị quyết liên tịch đã ký giữa Ngân hàng Nhà nước và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 2010 về thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp thành lập 35 nghìn tổ vay vốn với hơn 1 triệu hội viên, tổng dư nợ cho vay thông qua các tổ vay vốn trên 37 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp thành lập trên 136 nghìn tổ tiết kiệm và vay vốn với sự tham gia của trên 5 triệu hội viên và dư nợ trên 105 nghìn tỷ đồng [Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015)].

Ngày 09/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/04/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng NHNN Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam phối hợp chỉ đạo các tổ chức tín dụng (nhất là Agribank) và các cấp Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện thỏa thuận ủy thác trong việc vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và tích cực tham gia triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên phạm vi cả nước.

1.1.2.3. Phát triển sản xuất, thu hút lao động nông thôn.

Sử dụng các chính sách nhằm động viên, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào những nơi còn nhiều khó khăn, địa bàn xung yếu. Nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, biên giới, những khu vực trọng yếu về an ninh quốc phòng, giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác do còn thiếu đầu tư và thiếu lao động. Bởi vậy, các địa phương cần có chính sách ưu đãi hợp lý về đất đai, vốn, thuế... nhằm động viên,khuyến khích các nguồn lực đầu tư xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, các khu kinh tế phù hợp với yêu cầu xây dựng và bảo vệ địa bàn; có quy hoạch đồng bộ các yếu tố về kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu như: đường giao thông, nhà ở, nước sinh hoạt, chợ, trạm y tế, trường học... để những lao động đến đây có điều kiện bảo đảm nhu cầu cơ bản, yên tâm và gắn bó xây dựng địa bàn. Đồng thời, có chính sách thu hút lực lượng lao động ở các vùng, miền khác đến định cư, sinh sống, làm cho kinh tế địa phương phát triển, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Muốn vậy, không chỉ động viên thanh niên địa phương, mà còn phải tuyên truyền, vận động thanh niên ở miền xuôi lên lập nghiệp; sinh viên ra trường về công tác tại các vùng còn nhiều khó khăn. Cần nghiên cứu, nhân rộng mô hình trí thức trẻ tình nguyện, làng thanh niên lập nghiệp để đáp ứng yêu cầu trên.

1.1.2.4. Xuất khẩu lao động nông thôn

Xuất khẩu lao động là hoạt động cung ứng lao động ra nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn, phục vụ cho nhu cầu nhân công lao động của doanh nghiệp nước ngoài. Trong những năm qua, công tác xuất khẩu lao động là một trong những nội dung quan trọng trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhằm khuyến khích người dân các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động để vươn lên thoát nghèo bền vững, ngày 29/04/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 71/2009/QĐ- TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020” cho vay vốn lãi suất thất, miễn phí đào tạo học nghề, học ngoại ngữ… Theo Báo cáo của Bộ Lao động

TB&XH năm 2015, có trên 30 doanh nghiệp xuất khẩu lao động tham gia đề án với số lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số được đưa đi làm việc ở nước ngoài trung bình đạt 161 người/1 năm.

Năm 2015, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 95.000 người đi xuất khẩu lao động, nhưng đến tháng 12 đã đưa được hơn 110.000 người, vượt trên 15% kế hoạch năm [Bộ lao động thương binh và xã hội (2015)] Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng này không khỏa lấp được những mối lo hiển hiện về “bài toán” phát triển thị trường xuất khẩu lao động bền vững. Cụ thể, tỷ lệ lao động bỏ trốn tại một số thị trường trọng điểm đang ở mức cao, tình trạng thu phí và lừa đảo người lao động vẫn phổ biến. Hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc đã hết hạn hợp đồng nhưng không về nước mà ở lại nước ngoài trái phép đang là vấn đề lớn đặt ra. Để giải quyết tình trạng này Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bản thân người lao động cần ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình cũng như trách nhiệm đối với toàn xã hội để thị trường xuất khẩu lao động phát triển mạnh, tác động tích cực đến thực hiện giảm nghèo và ổn định xã hội.

1.1.2.5. Tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn

Đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm ở ngay các địa phương để doanh nghiệp và người lao động có cơ hội gặp gỡ, đáp ứng nhu cầu của nhau. Các trung tâm giới thiệu việc làm tìm hiểu, nghiên cứu về thị trường lao động trong nước và ngoài nước; phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề, các tổ chức đoàn thể tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và kết nối đầu ra cho lao động sau đào tạo; liên hệ phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước tuyển dụng lao động có mức lương và các điều kiện làm việc, thu nhập phù hợp để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Đây là một trong những nội dung khá quan trọng trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn vì mức độ tiếp cận của người lao động nông thôn với các thông tin về thị trường lao động còn rất hạn chế. Do vậy, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các Trung tâm giới thiệu việc làm tới đối tượng này là rất cần thiết.

Đổi mới hình thức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm đã được một số địa phương quan tâm thực hiện như: Tổ chức hội chợ việc làm, thành lập trang web riêng để cung cấp thông tin về lao động, việc làm giúp người lao động dễ dàng tiếp cận, nắm bắt thông tin nhờ vậy số lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm, số lao động có việc làm thông qua giới thiệu việc tăng lên, góp phần tích cực vào nhiệm vụ giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động nông thôn.

1.1.2.6. Tạo điều kiện phát triển các làng nghề, hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp

- Tiếp tục phát triển các làng nghề truyền thống đi đôi với xây dựng làng nghề mới, phát triển tiểu - thủ công nghiệp, chế biến nông, lâm, thủy sản với quy mô vừa và nhỏ. Cả nước hiện có khoảng 2.000 làng nghề, hoạt động chủ yếu ở vùng nông thôn, với các ngành nghề phong phú, đa dạng. Các làng nghề truyền thống đã thu hút một số lượng lớn lao động nông thôn, song số lao động có nhu cầu việc làm vẫn còn rất lớn. Bởi vậy, cùng với công tác đào tạo nghề cho các đối tượng, phải tạo ra nhiều chỗ làm mới, thích ứng với nghề đã đào tạo. Thông qua công tác phát triển, mở rộng các làng nghề truyền thống thành xã nghề. Đặc biệt, ở những nơi có khu công nghiệp, các địa phương cần căn cứ vào hoạt động của các doanh nghiệp để có hướng phát triển các làng nghề, hoặc phát triển ngành nghề mới để sản xuất bán sản phẩm, làm vệ tinh... cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.

- Với Luật Hợp tác xã năm 2012, việc hình thành và triển khai các hợp tác xã kiểu mới là nền tảng quan trọng, là khâu đột phá để tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và tạo thu nhập bền vững cho người nông dân. Mặc dù hoạt động theo các mô hình khác nhau, nhưng hợp tác xã đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp đã và đang đáp ứng yêu cầu trợ giúp lẫn nhau trong sản xuất, đời sống của các hộ thành viên. Các tổ hợp tác đã giúp hội viên thực hiện một số dịch vụ “đầu vào” trong sản xuất như: thủy lợi, làm đất, mua bán vật tư, cây, con giống, bảo vệ sản xuất… và dịch vụ “đầu ra” tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao kỹ thuật, trao đổi thông tin, kinh nghiệm… giúp nhau làm kinh tế, tạo việc làm, xóa

đói, giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới. Các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới đang thực hiện một sứ mệnh quan trọng là tạo “cầu nối” giữa nông dân với thị trường.

- Góp phần không nhỏ vào việc tạo công ăn việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn chính là các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp. Trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, ảnh hưởng xây đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ngay sau các Nghị quyết số 08/2011/QH13, Nghị quyết số 29/2012/QH13, Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/05/2012, Nghị quyết số 02-NG/CP ngày 07/01/2013, Luật số 31/2013/QH13 ngày 19/06/2013, Luật số 32/2013/QH13… và các giải pháp tài chính khác để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, để tiếp tục vực dậy sản xuất kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp. Trong năm 2014 - 2015, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật thuế, ban hành một số giải pháp, chính sách thuế để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh thông qua Nghị định số 91/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 4 nghị định về thuế. Các chính sách này cơ bản tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Song hành với đó

Một phần của tài liệu Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên (Trang 28 - 35)