HỌP BÀN VỀ PHÂN PHỐI THU NHẬP TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC HCE

Một phần của tài liệu Câu hỏi trắc nghiệm và bài tập tình huống quản trị nhân lực (Trang 101 - 103)

HỌC HCE

Trường đại học HCE có gần 300 giảng viên, và khoảng 120 cán bộ nhân viên làm việc trong các phòng ban, bộ phận khác nhau. Trước đây, đời sống của cán bộ công nhân viên chức rất khó khăn. Gần đây, ban lãnh đạo mới của trường đã suy nghĩ tìm ra nhiều cách thức để tăng thêm nguồn thu cho trường như mở thêm các lớp bồi dưỡng, các hệ đào tạo rỗng rãi cho người có nhu cầu học, áp dụng nhiều hình thức kinh doanh khác đề tận dụng tối đa cơ sở vật chất kĩ thuật và nguồn chất xám quý giá của cán bộ, giảng viên, công nhân viên chức trong trường. Trong ban lãnh đạo còn nhiều ý kiến chưa thống nhất về cách phân phối thu nhập cho cán bộ công nhân viên chức trong trường, do đó ban giám hiệu đã quyết định triệu tập một cuộc họp mở rộng bàn riêng về phương pháp phân phối thu nhập cho CBCNVC trong trường. Sau đây là tóm tắt những ý kiến trong cuộc họp:

Giám đốc thư viện trường:

- Theo tôi, phân phối thu nhập cần tạo ra sự công bằng giữa các giáo viên và cán bộ, nhân viên các phòng ban thuộc khối quản lý hành chính sự nghiệp. Giáo viên chỉ phải làm theo giờ giảng, hết giờ giảng là được nghỉ, còn cán bộ nhân viên các phòng ban thì phải làm việc theo giờ hành chính 8 giờ/ngày. Thu nhập của giáo viên rất cao, trong khi đó, thu nhập của cán bộ viên chức các phòng ban lại rất thấp. Đề nghị nhà trường nên giảm bớt tiền vượt giờ, tăng thêm quỹ phúc lợi chung. Áp dụng hình thức hạn chế giờ giảng: nếu số lượng giờ giảng vượt quá một mức quy định nào đó thì tiền thanh toán vượt giờ/ 1 tiết sẽ giảm. Điều này còn phù hợp với thực tế là khi giáo viên đứng lớp quá nhiều, chất lượng bài giảng sẽ giảm sút.

Chủ nhiệm khoa toán:

Tôi đồng ý là khi giáo viên đứng lớp quá nhiều, chất lượng bài giảng sẽ giảm. Tuy nhiên, số giáo viên ở khoa tôi đã phải làm việc quá tải. Nhiều giáo viên không muốn nhận thêm lớp vì quá mệt, họ đã phải thường xuyên phải giảng hai ca, đôi khi ba ca. Tiền thù lao vượt giờ hiện nay chỉ bằng khoảng một phần ba so với đơn giá trên thị trường. Tôi thường xuyên phải động viên, thậm chí phải năn nỉ giáo viên để họ nhận thêm lớp. Nếu áp dụng hình thức hạn chế giờ giảng thì sẽ phân công ai giảng dạy?

Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật nông nghiệp:

Trong bộ môn tôi, không phải là các giáo viên không muốn giảng, nhưng do đặc thù của ngành nghề, hiện nay rất ít sinh viên theo học. Số tiết giảng bị hạn chế. Nhiều giáo viên cả học kỳ không có tiết nào cả. Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu, dù ở cơ chế thị trường hay đi nữa cũng không thể bỏ qua được môn kỹ thuật nông

nghiệp. Do đó, tôi đề xuất nhà trường nên có các biện pháp để điều tiết thu nhập sao cho đời sống giáo viên này không quá khó khăn.

Chủ nhiệm khoa ngoại ngữ:

Hiện nay, tiền thù lao vượt giờ giảng đại học thậm chí còn thấp hơn cả tiền thù lao vượt giờ của các giáo viên cấp 2, cấp 3 trong thành phố. Đối với các môn có nhu cầu cao như tin học, ngoại ngữ, khoảng cách này còn lớn hơn. Tại sao các trung tâm ngoại ngữ, tiền thù lao trả cho một tiết giảng ít nhất cũng gấp 2 lần so với tiền vượt giờ ở trường ta. Tôi đề nghị nhà trường chỉ nên quy định giáo viên phải giảng đủ một định mức vượt giờ nào đó. Thời gian còn lại họ được quyền từ chối không nhận thêm lớp. Khi giáo viên đã giảng hơn định mức giờ đó, đề nghị nhà trường nên trả tiền vượt giờ như đối với giáo viên thỉnh giảng, hoặc là đi mời các giáo viên thỉnh giảng nếu thấy giáo viên thỉnh giảng tốt hơn giáo viên trong trường. Hiện nay có nhiều tình trạng giáo viên chỉ có tên ở trường, hầu như không giảng dạy gì, còn thời gian và công sức là dành cho công việc bên ngoài. Đồng thời tôi cũng đề nghị nhà trường nên xem xét lại chính sách cán bộ của mình. Hiện nay trong khoa tôi có một số giáo viên Nga văn, trước đây đã có nhiều đóng góp với trường, nay đã lớn tuổi, không có điều kiện để chuyển sang ngoại ngữ khác. Từ đó dẫn đến tình trạng biên chế giáo viên thì đông nhưng thực tế, số giáo viên đứng lớp thì lại ít.

Câu hỏi thảo luận:

1. Theo Anh(chị), những mâu thuẫn trong khi xây dựng phương án phân phối thu nhập ở trường đại học HCE là gì?

2. Chính sách phân phối thu nhập của trường cần quan tâm đến những yếu tố nào để có thể giải quyết được các mâu thuẫn đó?

3. Nếu là nhà lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp, anh(chị) sẽ đề ra một số chính sách cán bộ như thế nào đối với những nhân viên đã đóng góp lớn với doanh nghiệp nhưng nay không đủ sức đáp ứng các tiêu chuẩn mới trong công việc?

Một phần của tài liệu Câu hỏi trắc nghiệm và bài tập tình huống quản trị nhân lực (Trang 101 - 103)