BÀI TẬP TÌNH HUỐNG 1 GIÁM ĐỐC MỚ

Một phần của tài liệu Câu hỏi trắc nghiệm và bài tập tình huống quản trị nhân lực (Trang 81 - 83)

1. GIÁM ĐỐC MỚI

Xí nghiệp Cơ khí Tân Hoa do ông Tân lãnh đạo đã được mười năm. Quy mô của xí nghiệp ngày càng được mở rộng, sản phẩm của xí nghiệp ngày càng chiếm lĩnh được uy tín trên thị trường. Ông Tân là người ít được học hành, ông làm việc chỉ theo kinh nghiệm cá nhân. Ông vốn là một công nhân cơ khí giỏi nổi tiếng và có khả năng thu hút được nhiều thợ giỏi, đoàn kết được nhiều nhân viên trong xí nghiệp. Mặc dù tiền lương và thu nhập ở Xí nghiệp Cơ khí Tân Hoa không cao hơn so với các đơn vị khác cùng ngành, nhưng công nhân đều đoàn kết, gắn bó với xí nghiệp và làm việc tận tình.

Năm 1992, ông Tân nghỉ hưu. Cấp trên bổ nhiệm ông Phong, trưởng phòng kỹ thuật, một kỹ sư trẻ có tài, năng nổ, nhiều tham vọng làm giám đốc. Ông Phong nhận thấy rằng hầu hết các cán bộ của xí nghiệp đều không được đào tạo từ các trường lớp chính quy, làm việc theo kiểu gia đình xuề xoà, ưa nhậu nhẹt, còn máy móc thiết bị thì quá lạc hậu. Theo ông Phong, điều này không thể phù hợp với yêu cầu mới của thị trường và không thể tồn tại được trong một môi trường cạnh tranh ác liệt. Ông Phong muốn tạo cho xí nghiệp một phong cách làm việc hoàn toàn mới. Vì vậy, ông đã cho lập một dây chuyền công nghệ mới, hiện đại và thay đổi hầu hết các cán bộ quản lý cũ bằng những người bạn cùng học hoặc quen biết cũ của ông Phong. Do có bằng cấp cao, những người cán bộ mới được lĩnh lương cao hơn so với các cán bộ quản lý cũ. Tuy nhiên, khi đi vào thực hành giải quyết một số vấn đề cụ thể, họ lại tỏ ra thiếu kinh nghiệm, không có sức thuyết phục, đôi khi yếu kém hơn các cán bộ quản lý cũ của ông Tân. Trong xí nghiệp dần dần hình thành hai phe: cũ và mới. Nhiều công nhân cũ trở nên lơ là với công việc, một số công nhân giỏi xin chuyển đi nơi khác. Tệ nạn mất cắp tài sản, nguyên vật liệu tăng lên rõ rệt mặc dù ông Phong đề ra kỷ luật lao động rất nghiêm khắc.

Câu hỏi thảo luận:

1. Anh(chị) có nhận xét gì về phong cách lãnh đạo của ông Phong?

2. Theo Anh(chị), có thể sử dụng tiền lương như một đòn bẩy kích thích sản xuất kinh doanh trong các doanh nghiệp như thế nào?

3. Ở cương vị của ông Phong hiện nay, Anh(chị) sẽ làm gì để giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp?

2. ÔNG TOÀN

Ông Toàn là chủ nhân của 3 nhà hàng nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, cha mất sớm, ông phải nghỉ học từ năm 13 tuổi để phụ mẹ bán cà phê nuôi 3 em nhỏ. Là một người thông minh, tháo vát, ông nhanh chóng nắm bắt được cách làm hài lòng những khách hàng khó tính nhất. Đồng thời, ông thuộc loại may mắn, luôn đi trước trong các phong trào về nuôi heo, nuôi chim cút, nuôi cá trê phi, đặc biệt là vụ kinh doanh bất động sản trong giai đoạn 1990 - 1993. Dường như ông đã biến những cơ hội thành vàng và kịp rút ra trước khi những người khác sa lầy, thất bại.

Ông luôn chú ý tới đầu tư để có những đầu bếp nấu ăn sành điệu. Tuy nhiên, điều mà khách hàng thích thú nhất trong các nhà hàng của ông là cung cách phục vụ chu đáo của đội ngũ nhân viên. Chính ông Toàn cũng thường đến quan sát cách thức khách hàng ăn uống, nói chuyện với khách, hỏi xem khách có yêu cầu đặc biệt gì thêm v.v... và nhắc nhở nhân viên nhớ thị hiếu và các thói quen nhỏ của các khách quen để phục vụ họ tốt nhất. Khách hàng cảm thấy thú vị khi những ý thích riêng của họ như chỗ ngồi ưu thích, cách thay gia vị trong một số món ăn v.v... luôn được phục vụ chu đáo.

Anh Thắng, con trai ông Toàn, sau khi tốt nghiệp Đại học Quản lý kinh doanh, tham gia phụ giúp cha trong công việc kinh doanh. Tuy nhiên, anh Thắng thường có các quan điểm trái ngược với cha trong vấn đề quản lý các nhà hàng. Anh Thắng muốn rủ một số bạn bè cùng học về tham gia làm việc trong nhà hàng nhưng ông Toàn không muốn nhận các sinh viên tốt nghiệp đại học. Trong nhà hàng của ông, hầu hết tất cả các tiếp viên, người phục vụ thường chỉ có văn hoá cấp 3 là cao nhất. Theo ông Toàn, sinh viên đại học thường mong muốn quá nhiều, hay lý sự và không kiên nhẫn trong việc theo đuổi nghề nghiệp. Tất cả các nhân viên trong nhà hàng của ông đều mập mạp, to lớn. Theo ông Toàn, những nhân viên mập mạp, to lớn thường năng động, khoẻ mạnh hơn, và như thế mới thể hiện được sự phồn thịnh của nhà hàng. Khi tuyển người mới, ông thích tuyển những người độc thân hoặc những người đã có gia đình nhưng không được hạnh phúc. Theo ông chỉ có những nhân viên như vậy mới có thể toàn tâm toàn ý phục vụ nhà hàng. Nhân viên thường xuyên phải làm việc đến 12 giờ/ngày. Ông Toàn luôn luôn dùng tiền thưởng để kích thích nhân viên.

Anh Thắng muốn góp ý với cha về quan điểm và cách thức tuyển dụng nhân viên và điều hành các nhà hàng, nhưng ông Toàn thường không chấp nhận. Ông thường nói: "Hãy xem cách cha làm việc. Có thể con không thích cách cha lãnh đạo và tuyển chọn nhân viên nhưng con không thể phủ nhận là cha đã thành công".

Câu hỏi thảo luận:

Điều gì giải thích sự khác biệt cơ bản trong quan điểm của cha con ông toàn trong cách quản trị các nhân viên trong nhà hàng?

Một phần của tài liệu Câu hỏi trắc nghiệm và bài tập tình huống quản trị nhân lực (Trang 81 - 83)