Vệ tinh tìm thấy nước trên Mặt trăng

Một phần của tài liệu BẢN TIN VẬT LÍ THÁNG9 2009 (Trang 50 - 52)

Trên Mặt trăng có nhiều nước hơn trước nay người ta vẫn nghĩ, đó là kết luận của các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu thu thập bởi ba sứ mệnh không gian khác nhau. Dữ liệu lấy từ một sứ mệnh cho thấy nước được Mặt trăng giữ lại thông qua các phản ứng hóa học, như vậy nước cũng có thể có mặt bên dưới bề mặt chị Hằng. Những lượng nước đáng kể trên Mặt trăng có thể tạo thuận lợi cho các kế hoạch khai thác Mặt trăng của con người.

Bức ảnh ghép gồm nhiều ảnh con của dữ liệu Bản đồ Khoáng vật học Mặt trăng cho vùng Orientale. Bên trái là ảnh màu ghép của dữ liệu thu được từ 28 bước sóng độc lập của ánh sáng phản xạ từ mặt trăng. Các quầng từ xanh lam tới đỏ tiết lộ sự biến thiên thành phần đá và khoáng chất, và màu xanh lục là dấu hiệu xác nhận của sự dồi dào các khoáng chất gốc sắt như pyroxene. Hình bên phải thu được từ chỉ một bước sóng ánh sáng. (Ảnh: NASA)

Kể từ khi các sứ mệnh tàu Apollo mang về những mẩu đất đá của Mặt trăng, các nhà khoa học đã có ấn tượng là có rất ít nước (nếu không nói là chẳng có) trên người láng giềng gần nhất của chúng ta. Ngoài việc khô cằn, những mẩu đá Mặt trăng này còn cho thấy chẳng có vết tích nào của tương tác hóa học từng xảy ra với nước. Những nghiên cứu bề mặt Mặt trăng sau đó lại mang đến những dấu vết trêu ngươi rằng nước có thể có mặt ở đấy, nhưng những kết quả này không thật sự thuyết phục.

50

Phần lớn những gì chúng ta biết về bề mặt của Mặt trăng bị hạn chế với những vùng xích đạo của nó. Đó là nơi các sứ mệnh Apollo đã hạ cánh, và đó cũng là nơi các sứ mệnh rô-bôt của người Nga đã thu thập mẩu đất đá. Chúng ta biết ít hơn nhiều về các vùng cực, nơi nước đóng băng có thể bị che khuất – đặc biệt là trong những miệng hố tối đen.

Những ngày ẩm ướt

Những dữ liệu mới từ tàu vũ trụ Deep Impact của NASA hé lộ rằng các phân tử nước và hydroxyl (nước chỉ có một nguyên tử hydrogen) có mặt khắp nơi trên bề mặt của chị Hằng. Ngoài ra, nồng độ của những phân tử này còn tăng giảm theo chu kì hàng ngày, cho thấy chúng được hình thành vào ban ngày bởi các phản ứng hóa học giữa proton trong gió mặt trời và đá mặt trăng. Deep Impact đã sử dụng quang phổ kế hồng ngoại của nó khảo sát toàn bộ bề mặt của mặt trăng và đồng thời tìm thấy nồng độ nước và hydroxyl là cao nhất ở cực bắc mặt trăng.

Bằng chứng tương tự cho nước trên bề mặt như thế cũng vừa được tìm thấy bởi Roger Clark ở Cục Khảo sát Địa chất Mĩ, người đã phân tử dữ liệu thu thập hồi năm 1999 bởi Giao thoa kế Lập bản đồ Nhìn thấy và Hồng ngoại (VIMS) gắn trên tàu vũ trụ Cassini.

Tuy nhiên, theo chuyên gia mặt trăng Ian Crawford thuộc trường Birbeck College London, thì quan trọng nhất trong ba kết quả trên là Máy lập bản đồ Khoáng vật học Mặt trăng (M3) gắn trên vệ tinh Chandrayaan-1 của Ấn Độ - vệ tinh được phóng lên cách nay 11 tháng. M3 lập bản đồ thành phần khoáng chất của bề mặt Mặt trăng, sử dụng các quang phổ kế bao quát từ vùng hồng ngoại đến tử ngoại.

Giữ nước

“Kết quả M3 cho thấy có các khoáng chất hydrate trên Mặt trăng”, Crawford giải thích. “Điều này cho thấy nước không chỉ đóng băng trên bề mặt, mà còn đòi hỏi một số tương tác giữa đá và nước”. Những tương tác này cho thấy Mặt trăng đang giữ nước đến trên bề mặt của nó thông qua các sao chổi, thiên thạch và bụi, cũng như gió mặt trời.

Crawford còn tin rằng ba kết quả mới nhất này cho thấy có đủ nước trên Mặt trăng để sử dụng trong những chuyến khai thác mặt trăng trong tương lai.

Chúng ta sẽ biết thêm nhiều thứ về Mặt trăng vào tuần tới, khi tàu thăm dò LCROSS của NASA lao vào một miệng hố tối đen ở vùng cực – và hi vọng nhặt ra băng và những mảnh vụn khác sau đó sẽ được phân tích.

Thách thức lớn tiếp theo cho các nhà khoa học Mặt trăng, theo Crawford, sẽ là việc kết hợp những kết quả thu được từ tất cả những sứ mệnh trên nhằm thu được sự hiểu biết tốt hơn về nước trên Mặt trăng. Đặc biệt, ông chỉ rõ, băng trên Mặt trăng phải chứa bản ghi lịch sử chính xác xem các sao chổi đã phân phối những gì cho các hành tinh nhóm trong. Điều này có thể giúp chúng ta tìm hiểu cách thức Trái đất có được môi trường nước của nó, yếu tố thiết yếu cho sự sống tồn tại trên hành tinh này.

Một phần của tài liệu BẢN TIN VẬT LÍ THÁNG9 2009 (Trang 50 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)