•Auxin trong sự phát triển rễ
Auxin đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát sinh hình thái. Đặc tính di chuyển và hiệu ứng theo nồng độ của auxin quyết định chiều hướng và tính hữu cực trong sự phát sinh cơ quan (Sachs, 1993).
Từ khi auxin lần đầu được mô tả, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự liên hệ chặt chẽ giữa các hormone này với sự phát triển rễ (Overvoorde, 2010). Auxin giúp sự kéo dài tế bào, sự phân chia, sự phát triển và duy trì mô phân sinh ngọn rễ (Mironova, 2010).
Một trong những hiệu ứng rõ nét nhất của auxin đối với sự phân hóa tế bào đã được chứng thực từ năm 1934, đó là khả năng phát sinh rễ. Hiệu ứng đó tạo nên một trong các ứng dụng quan trọng của auxin hoặc các chất gần giống nó, là cơ sở của tất cả các sản phẩm thương mại (bột nhão hay dung dịch) nhằm xúc tiến sự giâm cành (Nguyễn Như Khanh, 2007).
Auxin ở nồng độ cao kích thích sự tạo sơ khởi rễ nhưng cản sự tăng trưởng của các sơ khởi rễ này (Mai Trần Ngọc Tiếng và cs., 1980). Auxin được vận chuyển hướng gốc, tích lũy ở phần gốc của khúc cắt trụ hạ diệp của cà chua và cảm ứng sự hình thành rễ bất định (Kuroha và cs., 2002). Trong sự tạo rễ, auxin cần phối hợp với các vitamin (như thiamin mà rễ không tổng hợp được), acid amin (như arginin), và nhất là các hợp chất ortho–diphenolic (như acid cafeic, acid chlorogenic) (Bùi Trang Việt, 2000).
Vai trò của auxin cho sự phân hóa rễ thể hiện rất rõ trong nuôi cấy mô. Trong môi trường chỉ có auxin thì mô nuôi cấy chỉ xuất hiện rễ mà thôi. Vì vậy trong kĩ thuật nhân giống vô tính thì việc sử dụng auxin để kích thích sự ra rễ là cực kì quan trọng và bắt buộc (Vũ Văn Vụ, 1999).
Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng auxin cảm ứng sự tượng rễ bất định (adventitious root initiation) ở các khúc thân in vitro với các nồng độ auxin khác nhau (Lund, 2008; Mironova, 2010; Sorin, 2005). Cùng với bản chất, nồng độ và khuynh độ của auxin (auxin gradients) giải thích được phần nào về sự tạo rễ bất định ở mức phân tử (Gutierrez, 2009).
Những thay đổi nồng độ auxin nội sinh liên quan với những giai đoạn sinh lí của rễ, nồng độ auxin nội sinh cao thường ứng với giai đoạn hình thành sơ khởi rễ. Khi xử lí auxin ngoại sinh trên khúc cắt nồng độ auxin nội sinh đạt tới đỉnh cao trùng với thời điểm tạo sơ khởi rễ (Tiberia, 2011).
Điều đáng lưu ý là việc sử dụng auxin có hiệu quả ức chế ngay ở nồng độ thấp đối với hệ rễ. Đối với rễ, auxin có tác dụng kích thích ở nồng độ thấp khoảng 10-10
– 10 -12M; ở thân nồng độ cao hơn 10-6 – 10 -7M. (Võ Thị Bạch Mai, 2004).
•Auxin trong sự sinh trưởng, phân chia và phân hóa tế bào
Auxin rất cần thiết cho sự phân chia và tăng trưởng của tế bào nên nó có vai trò quan trọng trong sự phát sinh hình thái thực vật. Auxin được tổng hợp trong ngọn thân, trong mô phân sinh (ngọn và lóng) và lá non (tức là các nơi có sự phânchia tế bào nhanh). Sau đó, auxin di chuyển tới rễ và tích tụ trong rễ (Taiz và Zeiger, 2002).
Auxin kích thích mạnh sự kéo dài tế bào diệp tiêu và tế bào vùng kéo dài dưới ngọn của thân. Sự kéo dài tế bào rễ cần nồng độ thấp hơn nhiều so với tế bào thân. Ở nồng độ cao auxin kích thích sự tạo mô sẹo từ các tế bào sống. Đặc tính này được áp dụng nuôi cấy tế bào sống (Bùi Trang Việt, 2000).
Auxin kích thích rất mạnh sự phân chia tế bào tượng tầng (tầng phát sinh libe- mộc) nhưng hầu như không tác động trên mô phân sinh sơ cấp. Như vậy auxin tác động trên sự tăng trưởng theo đường kính. Ở nồng độ cao, auxin kích thích sự tạo mô sẹo từ các tế bào sống, cảm ứng trực tiếp sự phân hóa tế bào nhu mô thành các tổ chức mô dẫn (Bùi Trang Việt, 2000).