Cơ sở pháp lý (những văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục, của Sở Giáo dục)

Một phần của tài liệu thực trạng quản lý việc thực hiện chương trình giáo dục trẻ mẫu giáo theo hướng mới tại các trường mầm non quận 5 thành phố hồ chí minh (Trang 73 - 74)

9. Kế hoạch nghiên cứu

3.1.2.Cơ sở pháp lý (những văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục, của Sở Giáo dục)

Với sự phát triển chung của nền giáo dục nước nhà, GDMN đang dần có được vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong nhận thức của người dân. Đề án “Phát triển GDMN giai đoạn 2006 – 2015” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vào ngày 23 tháng 06 năm 2006 với quyết định số 149/2006/QĐ-TTg khẳng định: “GDMN là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em Việt Nam. Việc chăm lo phát triển GDMN là trách nhiệm chung của các cấp chính quyền, của mỗi ngành, mỗi gia đình và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước”“Từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp GDMN theo nguyên tắc bảo đảm đồng bộ, phù hợp, tiên tiến, gắn với đổi mới giáo dục phổ thông, chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1, góp phần tích cực, thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục.”

Việc thực hiện đề án phát triển GDMN giai đoạn 2006 – 2015 được thực hiện theo từng kế hoạch 5 năm. Trong đó, giai đoạn 2010 – 2015 có nội dung “trọng tâm là đẩy mạnh phát triển về quy mô và chất lượng GDMN; triển khai đại trà chương trình GDMN, tập trung phát triển mẫu giáo 3 – 4 tuổi; tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng mạng lưới trường, lớp tại các vùng khó khăn; tăng tỷ trọng trường chuẩn, trường điểm; củng cố hệ thống trường sư phạm; hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.”

Đề án cũng đưa ra mục tiêu và giải pháp cụ thể cho việc “Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp GDMN”:

a) Xây dựng và triển khai chương trình GDMN mới theo hướng tích hợp các nội dung chăm sóc, giáo dục theo chủ điểm, tổ chức các hoạt động cho trẻ, đặc biệt là hoạt động vui chơi phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi và yêu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ;

b) Cải tiến cách theo dõi, đánh giá chất lượng phát triển của trẻ;

c) Tăng cường cung cấp thiết bị, đồ chơi phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp GDMN. Cung cấp chương trình trò chơi và bộ đồ chơi làm quen với tin học và ngoại ngữ để đến năm 2010 có khoảng 1/3 số cơ sở GDMN được tiếp cận với tin học và ngoại ngữ;

d) Biên soạn tư liệu hướng dẫn thực hiện chương trình GDMN mới, trong đó chú trọng việc dạy tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số.”

Trong văn bản số 2458/BC-GDĐT-MN của Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành về việc triển khai “Kế hoạch năm học 2013-2014, ngành GDMN” xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của ngành là phải “Nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN với phương châm đảm bảo trẻ phát triển tốt hơn đồng thời giảm tải lao động cho giáo viên”. Ngoài ra, đối với trẻ cuối tuổi mẫu giáo, nhiệm vụ “Sử dụng bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi vào hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục, chuẩn bị tốt cho trẻ vào học lớp 1” cũng được đưa vào trong văn bản.

Như vậy, việc nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN, trong đó có CTGD trẻ mẫu giáo luôn là mục tiêu được quan tâm hàng đầu của ngành Mầm non nói chung.

Một phần của tài liệu thực trạng quản lý việc thực hiện chương trình giáo dục trẻ mẫu giáo theo hướng mới tại các trường mầm non quận 5 thành phố hồ chí minh (Trang 73 - 74)