Theo cách xác định của nhóm Ngân hàng Thế giới, các quốc gia có thu nhập trung bình thấp là những nước có tổng thu nhập quốc gia trên đầu người từ 876 USD đến 3.465 USD một năm9. Năm 2015 trên thế giới có 52 quốc gia và lãnh thổ có thu nhập trung bình thấp. Với những nổ lực đáng kể nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giai đoạn 1990-2015 nền kinh tế ở các quốc gia này tăng trưởng khá ổn định. Tuy nhiên với những khác biệt về đặc điểm của nền kinh tế, mỗi quốc gia sẽ theo đuổi một mô hình kinh tế khác nhau và từ đó dẫn đến đường hướng phát triển khác biệt. Bên cạnh đó, con đường phát triển bền vững toàn diện cần phải đem lợi ích của nền kinh tế tới những nhóm nghèo nhất và giải quyết các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng xã hội. Các chính sách tiến tới mục tiêu công bằng có thể làm cầu nối những hố sâu ngăn cách. Thế nên, mục tiêu không phải là sự công bằng trong thu nhập, mà xa hơn là mở rộng khả năng tiếp cận cho người nghèo đến với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, công ăn việc làm, nguồn vốn.
Trong phần tiếp theo của nghiên cứu này, tác giả sẽ mô tả lại rõ nét hơn hiện trạng trên, cũng như xác định những yếu tố tác động đến bất bình đẳng thu nhập trong giai đoạn 1990-2015 với 18 quốc gia được chọn đại diện cho nhóm các nước
có thu nhập trung bình thấp. Đặc biệt là tác động của bất bình đẳng giáo dục đến bất bình đẳng thu nhập. Từ đó sẽ đề xuất ra những giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm cải thiện hiện trạng, xây dựng nền kinh tế bền vững, đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở các quốc gia.