8. Cấu trúc luận văn
3.3.2. Năng động, tự chủ trong mối quan hệ đa chiều với thế giới xung
3.3.2. Năng động, tự chủ trong mối quan hệ đa chiều với thế giới xung quanh xung quanh
Với quan niệm “mỗi em bé là một con người riêng biệt”, NNA còn tiếp cận các nhân vật của mình là những đứa trẻ luôn chủ động thể hiện mình.Mặc dù môi trường gia đình, trường lớp vẫn là hướng chủ yếu khi đi vào khai thác và tiếp cận đời sống trẻ em, nhưng NNA cũng đã đặt nhân vật của mình trong một thế giới mở với nhiều mối quan hệ đan cài phức tạp nhưng không quá rối ren. Trong các mối quan hệ nhiều chiều đó, các em có cơ hội để thể hiện tính cách cũng như bản tính vốn rất hiếu động của mình. Trong phần này, chúng tôi chỉ đi vào ba mối quan hệ cơ bản là nhân vật với môi trường tự nhiên - thiên nhiên, với người lớn và với việc học tập.
Thiên nhiên luôn là một phạm trù được mở rộng trong cách nhìn nhận và khám phá phong phú đa dạng của thế giới trẻ em trong văn học viết cho thiếu nhi thời kỳ đổi mới. Chúng ta từng được sống trong những khung cảnh thiên nhiên kỳ diệu trong Dòng sông thơ ấu (Nguyễn Quang Sáng), Tuổi thơ im lặng (Duy Khán), Hương sữa đầu mùa (Lê Cảnh Nhạc), Một lớp trưởng khác thường (Lương Tố Nga), Nhạc dế (Phượng Liễn), Cỏ may ngày xưa
(Trần Thiên Hương)... Ngay trong truyện viết cho tuổi mới lớn, NNA cũng dành miêu tả thiên nhiên lúc lung linh ảo huyền, lúc sầu não bi thương dưới con mắt nhìn của một kẻ si tình và theo nhịp đập của một trái tim đang yêu như trong Mắt biếc, Trại hoa vàng, Đi qua hoa cúc... Trong KVH, nhà văn đã thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa trẻ em với thế giới tự nhiên – thiên nhiên trong bản chất tò mò, ham muốn khám phá những điều bí ẩn. Dù thiên nhiên
chỉ được dừng lại miêu tả rất ít nhưng mỗi khung cảnh hiện lên, các nhân vật bao giờ cũng ở tư thế làm chủ với mong mỏi kiếm tìm và khám phá. Trẻ con nào và ở đâu mà chẳng tò mò và ham khám phá nhất là trong những tình huống phiêu lưu mạo hiểm. Đề tài phiêu lưu không phải là mới, nó đã xuất hiện trong VHTN thế giới khá lâu. Chúng ta không lạ gì với những tác phẩm của Mac Tuên, Điphô... viết về những chuyến phiêu lưu mạo hiểm, tìm hiểu thế giới tự nhiên – thiên nhiên của các nhân vật thiếu nhi và ở Việt Nam là cuộc chu du của anh chàng Dế Mèn trong tác phẩm bất hủ của Tô Hoài. Trong KVH, dường như chất phiêu lưu trong mỗi nhân vật thiếu nhi được nhà văn kế thừa và khai thác triệt để từ các cây bút đi trước, đồng thời NNA còn nhìn thấy khả năng thích ứng rất linh hoạt nhất là việc vận dụng những kiến thức có được từ sách vở của nhân vật trong môi trường tự nhiên – thiên nhiên. Đó là một phẩm chất của những con người trong xã hội hiện đại mà thiếu nhi cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Sự dũng cảm đầy năng động của Quý ròm và Tiểu Long đã vượt qua nỗi sợ hãi để tìm ra ngọn nguồn của bọn ma quỷ một giò thắp đèn bày tiệc trên đồi Cắt Cỏ vào mỗi tối thứ bẩy [41], tìm ra manh mối vì sao đêm đêm bọn ma quỷ lại hoành hành ngôi nhà bỏ hoang của gia đình ông Sáu Cảnh [59]. Dù bị lạc và phải ngủ lại trong rừng có nhiều muỗi, vắt, côn trùng độc và thú dữ cùng với sự hoang vắng đầy đe doạ, những thanh âm rùng rợn của chốn rừng sâu, cả nhóm Quý – Hạnh –Tiểu Long và Mạnh biết nhóm lửa như thế nào cho khỏi bị tấn công của thú dữ và cả của bọn ăn thịt người, biết tìm ra dấu đường, tìm ra phương hướng la bàn dựa trên những kiến thức về sinh vật với căn cứ vào những tảng địa y trên thân cây và dựa vào màu lá cây [71]. Trước sức mạnh đầy huyền bí của biển cả, Mạnh vốn hậu đậu là thế cũng biết vận dụng những hiểu biết của một người dân vùng biển để cứu cô bé Mèo Con thoát khỏi cù lao đang lấn chìm trong thuỷ triều và bùn cát [48]. Giữa dòng nước chảy xiết, hai bên bờ bọn ăn thịt người lại
tấn công tới tấp, cả nhóm Quý ròm vẫn tuỳ cơ ứng biến, chống trả đến cùng trên cái bè chùng chình như bị dòng nước nuốt lấy [48]... Những hiểu biết về thế giới - thiên nhiên qua sách vở đã được các em vận dụng vào chính thực tế trong các chuyến phiêu lưu đối mặt với thiên nhiên. Khi sắp bị chết đói đến nơi, gặp những chiếc nấm trên đường, nhỏ Hạnh biết nấm nào là độc, nhờ thế cả bọn đã không bị ăn phải cây độc, không bị chết đói vì có những cây mộc nhĩ nấu lên lót dạ [48]. Mối quan hệ với thế giới tự nhiên – thiên nhiên còn được thể hiện ở tình cảm đối với loài vật. Các con vật trong KVH hiện lên như những người bạn thân thiết của các em. Mặc dù lúc đầu, Tùng bị Đại xúi dại hành hạ làm cho con chó Tai To sợ chết khiếp, ba mẹ phải mang cho người khác nhưng khi thấy tình cảm yêu quý và trung thành của Tai To với chủ, Tùng đã xúc động và hối hận [36] và đến những tập truyện sau, Tai To luôn là người bạn đồng hành khi Tùng đi làm nhiệm vụ trinh thám [36], là người bạn tâm tình với Tai To khi bị ba mẹ hay dì Khuê mắng oan mà không biết chia sẻ cùng ai... Trong Khu vườn trên mái nhà, Tùng rất tự hào vì có đôi chim đến đậu hót vang trên khu vườn nhân tạo trên mái tôn, nhỏ xíu nhưng có cả cây ăn quả đến cây cảnh. Dù nhiều lần lời qua tiếng lại, tranh cãi lợi ích với thằng Hưng sún con cô Bốn Loan, Tùng và Hưng đều nhận ra được lợi ích của thiên nhiên và ra sức chăm sóc khu vườn. Đó còn là tình cảm thân thiết của anh em thằng Nở – Xảo mồ côi ở kênh Tàu Hủ với con sáo biết nói tiếng người. Trong thế giới trẻ thơ, thiên nhiên – tự nhiên hiện lên có lúc thật gần gũi, thân thuộc có lúc lại bí hiểm và hùng vĩ. Thiên nhiên luôn quây quần, hào phóng và rộng mở trong cuộc sống của trẻ – những đứa trẻ thông minh, nhạy bén, linh hoạt, ham hiểu biết và khám phá và có thái độ trân trọng những gì mà thiên nhiên ban tặng.
Còn trong mối quan hệ với người lớn, KVH đã hướng đến nhiều đối tượng, nhưng chủ yếu vẫn là người thân trong gia đình như ông bà, bố mẹ,
anh chị lớn và các thầy cô giáo dạy các phân môn khác nhau ở lớp. Có những tập truyện, bóng dáng của người lớn rất mờ nhạt, thậm chí không xuất hiện. Truyện viết cho thiếu nhi trước năm 1975, hình ảnh người lớn xuất hiện trong tác phẩm ngoài ông bà, bố mẹ là anh tổng phụ trách Đội, anh bí thư chi đoàn, thậm chí có cả bí thư chi bộ... nghĩa là họ là những người mà tiếng nói của họ có ý nghĩa tác động tư tưởng chính trị rất lớn đối với thiếu nhi, họ theo dõi sát sao đời sống ở cả hai mặt vật chất và tinh thần của thiếu niên, chỉ bảo và uốn nắn kịp thời. Số lượng người lớn có thể ít nhưng tác động của họ lại rất sâu sắc vào cuộc sống cũng như mọi mặt đời sống của trẻ và đó là những tác động một chiều và không bao giờ có sự phản ứng lại từ phía thiếu niên. Còn ở
KVH, người lớn có thể có nhiều người hơn, nhưng tần số xuất hiện trong tác phẩm nhạt dần và đặc biệt đó là những người lớn hiểu và tôn trọng nhu cầu của các em. Vẫn luôn luôn uốn nắn khi các em sai hoặc lệch hướng, nhưng bao trùm hơn cả là thái độ tôn trọng và tin tưởng vào khả năng của bọn trẻ. Việc bày tỏ thái độ tôn trọng những ý kiến và tin tưởng vào hành động của bọn trẻ, người lớn đã thừa nhận các em như là một chủ thể độc lập, năng động, linh hoạt và sáng tạo trong đời sống của chính bọn trẻ và với mọi người xung quanh.
Trong gia đình, vị trí của các em ít nhiều đã có sự thay đổi. Từ sự tin tưởng của mọi người trong gia đình, các em được gia đình xem như là một thành viên tích cực, được giao nhiệm vụ cụ thể, thậm chí còn được ba mẹ trao đổi bàn bạc một số công việc gia đình. Tuy thằng cháu Quý ròm có tật ngủ nướng bà phải gọi như gọi đò mới dậy đi học nhưng bà bảo đó là do nó học nhiều nên thiếu ngủ đến còm nhom cả người và bà vẫn tin nó sau này sẽ là nhà khoa học. Khi làm trò ảo thuật chẳng may làm cháy tấm drap trải giường của anh Vũ, anh Vũ cho đó là trò dở hơi nhảm nhí còn bà chỉ cho đó là trò nghịch phá bởi “xưa nay, bà chưa bao giờ lên tiếng phê phán… có vẻ như bà
sẵn sàng tin những hoạt động khoa học của nó là những việc làm bổ ích”[32, tr.50]. Mẹ đi vắng xa mấy ngày, Lệ Hằng đã được mẹ tin tưởng giao nhiệm vụ trông nhà, trông em, quán xuyến mọi việc thay mẹ, mặc dù Lệ Hằng không khỏi lo lắng và hồi hộp vì trách nhiệm cao cả của mình [69]. Có những chuyện Hạnh phải giữ kín không cho ba biết sự thật như việc trúng số tiền xổ số rất lớn của nhỏ Văn Châu, Hạnh hỏi ý kiến của ba để làm từ thiện nhưng lại nói dối. Vậy mà ba nhỏ Hạnh vẫn “tin con đang làm một điều tốt”cũng như “tin trong chuyện này có điều gì khó nói”[66, tr.359]. Và chính Hạnh cũng cảm nhận được điều “Ba làm Hạnh cảm động quá. Ba biết nó nói dối nhưng không rầy la, qưở trách. Ba cũng không vặn hỏi lý do, ngược lại ba tỏ ra tôn trọng và thông cảm với quyết định của nó”. Ngay cả khi bố mẹ định mua một con chó về nuôi, ba mẹ Hạnh cũng đem đề tài này ra thảo luận cùng gia đình để nghe ý kiến của chị em Hạnh trước [36]. Ba mẹ Hạnh cũng rất tin tưởng vào bộ ba Quý ròm – Tiểu Long và Hạnh khi ông đồng tình với việc điều tra của cả bọn về người đàn ông mũi đỏ trong chuyến đi tham quan ở Đà Lạt “Ba hiểu! Các con cứ làm những gì các con cho là cần thiết! Dặn Quý và Tiểu Long cố nấp cho kỹ, mặc dù ba tin các con sẽ không gặp nguy hiểm nơi người đàn ông này”[58, tr.620]. Hoặc sau khi giúp cả nhóm điều tra về gia cảnh của Hiền Hoà bằng cách gọi điện thoại hỏi thăm ba mẹ, ba mẹ Hạnh đã để cho bọn trẻ tự bàn và tìm ra cách giúp bạn tốt nhất và phù hợp nhất, “ba nhỏ Hạnh nói và khoan thai bước vô phòng làm việc, dường như ông rất tin tưởng bọn Quý ròm”[35, tr.194]. Nhưng không phải cứ là người lớn thì đều nói những điều duy nhất đúng và bao giờ cũng đúng, ngay cả ông bà, bố mẹ. Ngay cả oắt Tùng em nhỏ Hạnh “khệnh khạng bỏ đi, lòng vô cùng đắc ý vì đã dám oai vệ phê phán những khuyết điểm của ba mẹ”là mê tín dị đoan mà “mê tín dị đoan thì không tốt”[32, tr.340] khi quan niệm nuôi vật ba màu trong nhà liên quan đến sự hoà thuận của vợ chồng, chuyện “khắc khẩu”sẽ chấm
dứt. Quý ròm lém lỉnh và xỏ xiên cái vỏ người lớn chững chạc của anh Vũ là
“người chững chạc phải biết suy tư mơ mộng, phải biết ngồi vẩn vơ hàng giờ bên cửa sổ, ngắm mưa rơi lất phất bên ngoài để rồi sau đó ngồi thêm hàng giờ nữa để cặm cụi viết những vần thơ không bao giờ đăng báo, hay nói chính xác là không báo nào chịu đăng”[32, tr.27] vì anh Vũ suốt ngày chê những chai lọ thí nghiệm khoa học chân chính của nó là linh tinh, là rác nhà. Ngay cả bà nhiều khi Quý cũng bảo bà là lẩm cẩm vì đó là sự cẩn trọng quá mức của những người già. Rồi trong chuyến đi tìm bí mật của kho báu dưới hồ, cả nhóm cũng thấy rõ bộ mặt của người đàn ông đi buôn đồ cổ nên luôn dè chừng, đề phòng trước những việc làm và lời nói của ông ta [72].
Là một lớp phó học tập, một cây văn số một của lớp, bộ từ điển sống, nhà thông thái, Hạnh được cô Trinh rất yêu quý và tin cậy. Hạnh được mời vào ban giám khảo cùng các thầy cô trong phần thi hoạt cảnh lịch sử giữa các tổ trong lớp, được cô Trinh kể cho nghe những tâm sự của cô như kể với một người bạn. Mặc dù lên cấp hai, quan hệ giữa giáo viên và học sinh đã có phần xa cách hơn so với học sinh tiểu học, các em được học nhiều thầy cô hơn, thầy cô không can thiệp nhiều vào đời sống riêng tư của các em nữa nhưng chính vì thế mà các thầy cô giáo không khỏi ngạc nhiên về những tiết mục bất ngờ mà học sinh của mình đạt được. Cô Trinh cũng như của các thầy cô giáo trong buổi lễ kết thúc năm học của lớp 8A4 vừa vui vừa xúc động trước tình cảm của học sinh nhưng cũng không thể không ngạc nhiên vì những “vai diễn”đóng giả thầy cô. Các em tự bàn bạc và dựng hoạt cảnh đặc sắc, ấn tượng nhất về thầy cô vừa là những tiết mục bất ngờ đầy ắp tiếng cười vừa là sự tinh tế, sắc sảo trong cách nhận thức (và có thể là nhận xét) về thầy cô giáo. Các em vẫn tôn trọng và coi thầy cô là những người dẫn đường đến chân trời kiến thức và nhân cách nhưng trong một chừng mực nào đó đã bắt đầu manh nha có thái độ dân chủ trong khoa học ví như khi thầy cô nói sai học
sinh thắc mắc ngay, dám hỏi lại thầy cô một vấn đề nào đó mà các em nghi ngờ… Học sinh đã bạo dạn hơn rất nhiều khi muốn bày tỏ ý kiến cá nhân của mình chứ không sợ sệt, ù lì, bị động nhưng cũng không phải là thái độ hỗn láo cãi lại thầy cô giáo. Học sinh lớp 8A4 trường Tự Do không đón nhận và công nhận hoàn toàn thụ động những kiến thức mà thầy cô dạy, cũng có khi các em tham gia góp ý thay đổi phương pháp ví dụ như cách điều chỉnh từ dạy học truyền thống giáo viên thuyết trình sang học sinh tự chuẩn bị bài thuyết trình theo nhóm để tránh tình trạng ngủ gục trong giờ giáo dục công dân [67, tr.378]. Đồng thời các em còn thể hiện tinh thần tự lập, tự chủ ngay chính trong hoạt động học tập của mình.
Tinh thần tự lập, tự chủ trong học tập là thái độ muốn được độc lập lĩnh hội tri thức, muốn có quan điểm và lập luận riêng. Nếu ở cấp học dưới, trẻ học tập hệ thống các sự kiện và hiện tượng, hiểu những mối quan hệ cụ thể, đơn giản giữa các sự kiện và hiện tượng đó thì ở cấp hai việc học tập đã phức tạp hơn, nghiên cứu có hệ thống và có phân môn các cơ sở khoa học. Từ đó hình thức hoạt động học tập chủ yếu là tự học. Trong KVH, không có một chi tiết nào các nhân vật bị ba mẹ rầy la phải làm bài tập về nhà. Các em tự lập thành các nhóm nhỏ để học nhóm: ở trên lớp là theo bàn, theo tổ [67], ở nhà là theo mức độ thân thiết và khu vực địa lý nhà gần [35], hoặc thành lập nhóm học trong trường hợp cần giúp đỡ bạn [64, tr.147]… Không giống như An và Nghi trong Chú bé rắc rối, học nhóm nhưng chủ yếu là để chơi, để nghịch mà nhân vật trong KVH vẫn có những hoạt động khác ngoài chuyện học nhưng sau khi các nhiệm vụ của nhóm học đã hoàn thành. Đôi bạn cùng tiến hoặc cả tổ cùng tiến khi đoàn kết với nhau để học tập, giữ gìn nề nếp và tổ chức sinh hoạt như dàn dựng và diễn những hoạt cảnh [57]…Dường như NNA đã để cho hoạt động học tập là một hoạt động tự giác chứ không phải là sự tự phát