Cách đặt tên nhân vật

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh (Trang 75 - 78)

8. Cấu trúc luận văn

3.1. Cách đặt tên nhân vật

Đọc một cuốn truyện bất kì, yếu tố đầu tiên, trực tiếp tác động đến tri giác người đọc và sau đó mỗi khi nhắc đến tác phẩm người đọc nhớ đến đó là tên các nhân vật xuất hiện trong tác phẩm. Hiểu được yếu tố tâm lí này, NNA đã xây dựng cho không chỉ KVH mà nhiều bộ truyện khác của mình một hệ thống tên nhân vật dễ nhớ, ngộ nghĩnh, đôi khi còn rất hài hước.

Trong Chuyện xứ Lang Biang, NNA nghĩ ra những cái tên nghe đến buồn cười bằng cách ghép ngẫu nhiên những cụm từ trong chuyện ăn uống làm tên nhân vật của mình như Hailixiro, Balibia, Balikem, Kemli, Cafeli, Hailibato, Haitobali…Đến KVH, hầu như nhân vật nào của nhà văn cũng đều xuất hiện có tên, tuổi và địa chỉ trường học, lớp học và cả địc chỉ nơi ở của gia đình. Ngoài hơn 30 cái tên của học sinh lớp 8A4 trường Tự Do cộng với những nhân vật mới xuất hiện khi lên lớp 9A4 như Duy Dương, Cẩm Vân, Mỹ Linh... các nhân vật trẻ em khác cũng đều có tên, tuổi đầy đủ. Từ những nhân vật nhỏ tuổi hơn có “quan hệ anh – em” với học sinh lớp 8A4 như nhỏ Diệp em Quý ròm, nhỏ Oanh em Tiểu Long, nhỏ Quỳnh Dao em Quỳnh Như, Tùng em nhỏ Hạnh (cả thằng Bốc, nhỏ Phệ, nhỏ Trang em họ NH nữa), Hưng Vinh em Quới Lương, Triều em của Bá… Đến những nhân vật có “quan hệ bạn bè” như anh em thằng Nở – Xảo sống bên kinh Tàu Hủ; “người bạn lạ lùng” Văn Châu (kèm theo em trai Bạch Kim, chị gái Hồng Lam, Ngọc Diệu, em họ Dũng cò…); bọn thằng Thái, Tâm… ở nhóm Lửa Hồng; Lượm, Tắc kè Bông ở quê của tiểu Long; rồi cả Đạt, Kẹo, Hưng sún… nữa. Việc đặt tên cho hầu hết các nhân vật trẻ em không hẳn là những “lý lịch trích ngang” nhưng chính các yếu tố đó đã làm cho thế giới trong truyện KVH gần với hiện thực hơn. Nhiều bạn đọc nhầm tưởng đó là câu chuyện của những nhân vật có thật

ở một ngôi trường có thật và ở một thành phố có thật nên đã viết thư xin được làm quen hoặc vẽ tranh về từng nhân vật gửi tặng lại cho… nhân vật.

Hầu như nhân vật trẻ em nào trong KVH ngoài cái tên “cúng cơm” ra chúng đều có một “biệt danh” xuất phát từ những “đặc điểm nhận dạng”

cũng như “biệt tài” riêng của mỗi đứa. Cái “biệt danh” được bạn bè gán cho quen thuộc đến nỗi trở thành những cái tên thường gọi còn cái “tên cúng cơm” đầy ý tứ chữ nghĩa được ba mẹ trân trọng đặt cho khi sinh ra dường như bị quên lãng. Ba nhân vật chính của truyện là Quý – Minh Long và Hạnh nhưng ai cũng gọi bộ ba ấy bằng những “biệt danh”. Không một ai lại quên biệt danh “thằng ròm”, “Quý ròm” vì vóc dáng còm nhom của Quý. Nếu cứ gọi là Quý không thôi thì thấy nó thiếu thiếu thế nào mà có khi lại tưởng là Quý nào đó chứ không phải là Quý học lớp 8A4 trường Tự Do, nhưng nếu chỉ cần nhắc đến “Quý ròm” hoặc “ròm” thì đích thị là thằng Quý “thần đồng toán học”, “nhà ảo thuật Elvid Quý” trong KVH rồi. Ngoài cái tật cận thị với biệt danh “Hạnh cận”, nhỏ Hạnh – cây văn số một của lớp thông tuệ kiến thức nên được nhận những biệt danh nghe đến phổng cả mũi như “nhà thông thái”, “cây từ điển biết đi”… Còn “cái tên Tiểu Long đâu phải vô cớ mà thành. Tên thật của nó là Nguyễn Minh Long. Nhưng sau lần nghe nó thổ lộ những ước mơ tương lai, Quý ròm liền hứng chí sửa tên nó thành Tiểu Long. Quý ròm sửa tên nó cốt để chế giễu, nhưng tụi bạn bắt chước gọi theo, riết thành quen miệng. Bây giờ thì ngoài nhỏ Hạnh ra, chẳng đứa nào chịu gọi đúng tên của nó nữa. Tiểu Long chẳng lấy thế làm buồn phiền. Thậm chí nó còn tỏ ra thích thú với biệt danh đầy ấn tượng của mình”[33, tr.85]. Ngoài biệt danh gắn với vóc dáng to lớn của nó là “thằng mập”, sau này Tiểu Long còn được bạn bè tôn vinh với biệt danh “võ sư vô địch đại lực sĩ song phi cước thiết đầu công Tiểu Long”. Đó còn là Quang sứt, Hưng sún, Tâm hô, Dũng lé, Dũng cò, Hải quắn; Hùng đầu đinh, Tần ghẻ, Đặng Đạo ngủ gật,

Dưỡng ba gai, nhỏ Hiền Hoà hát hay, Duy Dương “thỏ đế”, Đỗ Lễ để lỗ, nhỏ Thuỳ Vân tí tách… Nhiều khi biệt danh được gọi thay thế cho tên gọi nên người đọc cũng không biết được (hoặc không quan tâm đến) tên thật của nhân vật ấy là gì như Tắc Kè Bông con riêng thím Năm Sang, là thằng Dế Lửa ở quê Tiểu Long, là “tay chân đảng chim Ưng” như Bò Trổng, Bò Lục, Bò Tứ… và đặc biệt còn có cái “tên có vẻ cờ bạc”[49, tr.235] của thằng Ba Lá…

Nếu trong Quán gò đi lên, bằng cách ghi nhớ cũng như nhận dạng khách hàng của mình, các cô cậu phục vụ ở quán Đo Đo đặt tên cho khách hàng quen là “ông thịt luộc muối tiêu”, “bà Fanta”, “ông Tiger”… gắn với thói quen ăn uống thì ở KVH, dưới con mắt của bọn trẻ, nhiều nhân vật được đặt tên qua hình dạng đặc biệt bề ngoài. Đó là thằng Mặt Mụn, thằng Da Ngăm [74]; thằng mũi hếch, thằng áo ca rô, thằng nhóc áo xanh [60]; là anh chàng tóc rẽ giữa, cô gái đội nón trắng, cô gái mặc áo pull vàng [47]; là thằng tóc xù [73]; là nhỏ áo vàng, nhỏ áo tím [59]; là người đàn ông tóc muối tiêu, người đàn ông mặt rỗ, người đàn ông mũi đỏ, người đàn ông mặt đỏ [58]… Những “tên gọi” này chỉ mang tính chất “lâm thời” ngay trong thời điểm nói nhưng chúng đều thể hiện được đối tượng mà các em cần nói đến là ai. Hơn nữa, việc đặt tên nhân vật theo đặc điểm thị giác bề ngoài còn do tâm lý của trẻ em muốn lột tả nhanh, gọn và chính xác đối tượng cần nói đến để nhận dạng họ trong đám đông trước khi tìm hiểu “lý lịch” tên tuổi họ là gì.

Việc đặt cho nhân vật của mình những cái tên rất hay như tên ca sĩ đến những cái “tên có vẻ cờ bạc”, những biệt danh độc đáo... người đọc thấy hiển hiện sau trang văn của NNA một thế giới đông đúc các nhân vật trẻ em. Ngoài việc nhìn mặt đặt tên, nhà văn còn khắc hoạ chân dung các nhân vật qua những nét vẽ hình dáng bên ngoài.

Việc miêu tả hình dáng bên ngoài của mỗi nhân vật được NNA phát huy tối đa hình ảnh của trí nhớ thị giác. Mỗi nhân vật hiện lên đều có những hình

dáng, vóc dáng riêng hoặc đậm nét hoặc mờ nhạt nhưng đều là những hình hài đi lại, chạy nhảy trong câu chuyện. Không riêng gì chỉ miêu tả các nhân vật chính mà tất cả các nhân vật trẻ con xuất hiện trong truyện, người đọc đều có thể phác hoạ được ít nhất là khuôn mặt chứ chưa kể đến dáng đi, điệu nói, cử chỉ điệu bộ và tính cách. Điều đó không chỉ thấy được sự đông đúc trong thế giới trẻ con mà còn thấy được cái tài của nhà văn trong việc quan sát miêu tả nhân vật trẻ con không đứa nào giống đứa nào.

Một phần của tài liệu Thế giới nhân vật trong kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh (Trang 75 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)