6. Bố cục của đề tài
2.4.2. Thực trạng của hát Đú mở xã Phục Lễ Thủy Nguyên Hải Phòng
Hát Đúm ở Phục Lễ là một loại hình dân ca giao duyên của người Việt, ra đời và phát triển rất sớm. Đã từ lâu, hát Đúm chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân lao động. Thông qua hình thức hát đối
đáp giao duyên, người dân lao động đã bộc lộ những tình cảm, những khát vọng về tình yêu cuộc sống.
Ngày nay, hát Đúm ở Phục Lễ so với hát Đúm cổ truyền không còn dành cho lứa tuổi thanh niên trong làng như xưa, trong các cuộc hát dường như thiếu vắng các chàng trai chưa vợ, những cô gái chưa chồng. Ở cuộc hát Hội, chủ yếu thành phần tham gia là các ông, các bà đã có tuổi, thậm chí cuộc hát đối đáp diễn ra giữa các cụ tuổi ngoài bảy mươi. Hát Đúm là dành cho mọi lứa tuổi nhưng hội hát chỉ toàn các cụ cao tuổi mà thanh niên không tham gia thì hát Đúm truyền thống đã mất đi bản chất của nó là dân ca giao duyên dành cho giới trẻ, thể hiện tình yêu đôi lứa. Hiện nay, hát Đúm cổ truyền vẫn được rất đông người hưởng ứng, yêu thích nhưng “trai thanh tân và gái mĩ miều” thì không biết hát hoặc không thuộc lời nên họ chỉ đến hội xuân để nghe mà không tham gia hát.
Tính độc đáo của hát Đúm ở Phục Lễ xưa là cuộc hát có các đúm (đám) vây quanh đôi trai gái đối đáp. Nhưng trong hội ngày nay không thấy xuất hiện các đúm như xưa nữa. Số lượng người tham gia xem hát cũng không đông để có thể tạo thành vòng tròn vây kín. Hình thức hát chủ yếu hiện nay ở hội chùa làng Phục Lễ là người hát ngồi ở hai bên sân chùa, nam một bên, nữ một bên. Bên nam hát một bài, bên nữ đáp lại một bài nhưng không giao lưu bằng động tác, bằng ánh mắt như hình thức diễn xướng cổ xưa. Người thưởng thức ngồi ở sân chùa, chủ yếu nghe tiếng hát được khuếch đại qua hệ thống loa, máy âm thanh điện tử.
Các bài, lời ca cổ có giá trị về văn học, hình tượng nghệ thuật, tính lịch sử nay chỉ còn động lại trong trí nhớ các nghệ nhân và những người cao tuổi. Do đó việc sưu tầm lời cổ hát Đúm để lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau hiện cũng gặp những khó khăn nhất định.
Mặc dù xã Phục Lễ là cái nôi của hát Đúm, nhưng hiện nay cũng hiếm gặp những giọng hát hay. Những người nổi tiếng hát hay xưa kia đã quá già,
không còn sức để hát nữa mà chỉ đọc lời ca. Họ rất muốn truyền dạy cho lớp trẻ, nhưng thanh niên hiện nay, có một số người lại “thờ ơ” với vốn nghệ thuật của cha ông để lại. Họ coi hát Đúm là của những người cao tuổi nên không
chịu tham gia học và luôn nói: “Khó mà có thể học và thích được những bài bản lời ca cổ” [7, tr.155].
Hiện nay ở xã có Câu lạc bộ hát Đúm, thành viên chỉ có số ít là nam nữ thanh niên, còn lại là những người đã có tuổi. Hoạt động chủ yếu là tổ chức truyền dạy lại nghệ thuật hát Đúm cho thành viên trong Câu lạc bộ.
Với “hội Mở mặt”, từ tập tục các cô gái bịt mặt quanh năm, chỉ còn thấy thấp thoáng đôi ba các cô, các chị che mặt dưới nắng nóng khi lao động ngoài đồng ruộng, hoặc trên đường đi chợ, còn như sang xuân vào hội Mở mặt, những nam nữ trẻ bây giờ đi hội là để xem, thưởng thức, còn những người tuổi trung niên tham gia hội hát với những bài ca hầu hết dựa vào những cuốn sổ tay ghi chép sẵn, với thanh khí, ngữ điệu thì đơn giản. So với nhịp sống lao động hiện đại của tuổi trẻ, lối hát này dễ bị nhàm chán, nếu cải biên lời ca đơn thuần phục vụ chính trị, thiếu hẳn nghệ thuật trữ tình, lại càng không còn sức cuốn hút. Nên thanh niên nam nữ, học sinh rất ít tham gia vào hội hát.
Trước đà phát triển của cơ chế thị trường, với trào lưu đô thị hóa, sự đổi mới phương tiện sản xuất, đó là nhu cầu tất yếu khách quan, liên quan mật thiết với đời sống mỗi con người. Song bên cạnh đó cũng không ít tác động tiêu cực của văn hóa ngoại lai khiến cho các giá trị truyền thống tốt đẹp của chúng ta như đạo đức tri ân tri nghĩa, sự chung thủy thực thà cũng có nguy cơ bị mai một.
Với văn hóa, càng đòi hỏi cấp thiết, mỗi người chúng ta phải là gì để nâng cao? Làm bằng biện pháp nào? Tiếp thu văn hóa có chọn lọc ra sao? Để đảm bảo được cái sứ mệnh: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, bởi một dân tộc mất bản sắc văn hóa riêng, thì dân tộc ấy tựa như đã tiêu vong.