6. Bố cục của đề tài
2.2.2. Phân loại hát Đúm
Qua điền dã thực tế và theo các cụ già ở Phục Lễ thì hát Đúm Phục Lễ có 3 loại: Hát Đúm lẻ, hát Đúm hội và hát Đúm hàng với những biểu hiện khác nhau.
Hát Đúm lẻ là hình thức hát ở mọi môi trường, mọi thời điểm khác nhau. Hát trên cánh đồng, trên bến sông, trên biển, gái trai gặp nhau cùng hát tạo cho không khí lao động thêm vui, họ trao đổi tình cảm với nhau qua câu hát tự nhiên. Hát Đúm lẻ hoàn toàn mang tính tự do, tự phát và tùy thuộc vào cảm hứng của người diễn xướng.
Hát Đúm hội là hình thức hát chính thức trong hội chùa làng nhân ngày đầu xuân với mục đích cầu mưa thuận gió hòa, mong cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Hát Đúm hội là hình thức hát đối đáp nam nữ có sự tham gia, trợ giúp của tập thể công chúng. Nghệ thuật hát Đúm hội còn biểu hiện rõ sự thi thố tài
năng giữa bên nam với bên nữ. Hát Đúm hội khuyến khích sáng tạo nghệ thuật cho cả cộng đồng thông qua hai đại diện là giới nam và giới nữ.
Như vậy, hát Đúm lúc đầu chỉ là những bài hát đơn lẻ, tự phát, sau đó được đưa vào hát trong hội chùa nên đã có tên hát Đúm hội.
Hát Đúm hàng là hình thức hát vòng ngoài của hội chùa làng có đặc điểm khác với hát Đúm hội. Hát Đúm hàng mang tính trình diễn nghệ thuật hơn là tính thi thố tài năng nghệ thuật. Xưa kia, khi có hội những người giàu có trong làng và khách thập phương vì say mê tiếng hát, họ đến ngồi ở các hàng quán nhỏ trước sân chùa hoặc hai bên sân chùa sẽ có các cô gái, chàng trai ra hát đối đáp, cầu vui. Nếu hát hay họ sẽ thưởng tiền hoặc khao ăn uống. Theo tác giả Đinh Tiếp trong cuốn “Hát Đúm Hải Phòng” thì hát Đúm hàng ra đời đáp ứng nhu cầu thưởng thức và là thú vui tiêu khiển cho tầng lớp phong kiến, nhất là từ thời Pháp thuộc, hát Đúm Hàng phát triển mạnh, nội dung của nó có tính hạn chế, không phong phú như hát Hội. Nhưng hát Hàng chỉ khác hát Hội ở chỗ nó phục vụ riêng cho một số người nào đó, nó mang tính trình diễn hơn là tính thi thố. Tuy hát Đúm Hàng bị bó hẹp về nội dung đề tài nhưng lại phát triển về nghệ thuật ca hát vì nếu ai hát hay, hát giỏi thì người đó mới được phép mời hát. Hát Đúm Hàng không mang tính phục vụ số đông cộng đồng nhưng lại là cơ sở tốt khuyến khích cho sự phát triển, sáng tạo nghệ thuật cá nhân (người diễn xướng phục vụ theo nhu cầu khán giả)
2.2.3. Nội dung làn điệu hát Đúm ở xã Phục Lễ - Thủy Nguyên - Hải Phòng
2.2.3.1. Hình thức hát Đúm
Hát Đúm là tục hát đối đáp giữa một bên nam và một bên nữ. Nét đặc sắc của hát Đúm là lối ứng khẩu tại chỗ, tuỳ hứng từ những hoàn cảnh cụ thể nên đòi hỏi người hát phải thông minh nhanh trí. Giai điệu của hát Đúm rất đơn giản chỉ gồm ba nốt nhạc, cứ theo một giai điệu quay đi quay lại, chỉ khác nhau ở phần lời. Tuỳ theo giọng của người hát mà ba âm này có thể dịch lên hoặc xuống cho phù hợp với cách bắt giọng vào câu hát. Do làn điệu chỉ tiến hành trên ba âm như vậy nên nhiều trường hợp đã làm biến đổi dấu giọng của
ca từ như: Thanh bằng, thanh sắc. Từ bao đời nay, người dân Thuỷ Nguyên vẫn chấp nhận một lối hát lơ lớ như vậy và coi đây là nét đặc trưng trong nghệ thuật hát Đúm của quê hương mình. Lối tiến hành giai điệu trong hát Đúm không sử dụng luyến láy, không có từ đệm, từ phụ, không có hiện tượng đảo từ, mỗi từ chỉ tương ứng với một nốt nhạc. Trong các câu hát thường sử dụng một loại tiết tấu đồng chất với âm vực hẹp trong phạm vi quãng năm.
Do những nét đặc trưng như đã nêu, có thể coi hát Đúm là một trong những loại hình dân ca cổ nhất của người Việt từ bao đời nay. Giống như hát quan họ Bắc Ninh, hát Xoan Phú Thọ, hát Ví Dặm Nghệ Tĩnh, hát Đúm ở đây cũng được chia thành các tốp nam nữ hát đối đáp. Nơi mở hội hát Đúm là vườn trước hay sau, tả hay hữu kề sát với đình làng hay hội chùa, thường là đi từ nhà ra ngõ, ra đình, rồi ra chùa. Ngày nay, hát Đúm được trình diễn ngay tại đình làng. Nhóm bạn của hai bên nam nữ cử đại diện bên mình là những chàng trai, cô gái có tài, có sắc, đã nhập tâm nhuần nhuyễn nhiều bài thơ và truyện cổ có vần cả những bài ca dao, tục ngữ nhạy bén mà mượn câu, mượn chữ, trích đoạn, trích từ, ứng vận, đối đáp, các bạn ngồi vây quanh hoặc dàn hàng ngang theo dõi, chuẩn bị sẵn sàng góp phần cùng ứng đáp. Thường mỗi cặp hát, hát qua nhiều bước, mỗi bước hát thường ít nhất qua từ 4 - 6 bài. Trong khi chuyển bước bên nam hoặc bên nữ có những bài xướng (hỏi hay đố) mới lạ, thâm ý khó giải. Người đại diện chính của nam hay nữ đang hát đối đáp chưa tìm được lời đáp thì bạn hát cùng nhóm có thể đỡ lời, nếu bên nào thua phải để lại “vật làm tin” (khăn, áo, mũ, ô, nón) và như vậy càng thôi thúc họ gắng tìm ra lời đáp để chuộc lại “vật làm tin” đó. Các buổi hát luôn được kéo dài từ sáng tới chiều. Rất nhiều chàng trai, cô gái càng hát, càng say, quên ăn, quên mệt, hát hết hôm nay vẫn còn lưu luyến hẹn ngày mai hát tiếp. Đâu đâu từ mờ sáng cho đến tận khuya vẫn còn nghe tiếng hát véo von của những cặp say hát.
Tuy phong trào này có bị mờ nhạt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng gần đây đang được phục hồi lại. Tuy nhiên, hát Đúm chỉ còn tập
trung ở Thủy Nguyên mà chủ yếu là ở Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ và các thôn Nghi Lễ, Đoan Lễ, Du Lễ xã Tam Hưng cùng khu vực lễ hội Tràng Kênh (Minh Đức). Ở khu vực này ban tổ chức lễ hội kê bàn trải khăn, kê ghế băng, có để sẵn ấm trà, đĩa trầu, bày làm hai dãy đối diện, đủ để cho mỗi nhóm từ 5 - 7 người ngồi. Từng tốp nam, nữ đến đăng kí với lễ hội, được sự giúp đỡ sử dụng micro hát qua loa phóng thanh cho mọi người cùng nghe. Nhưng cũng chỉ còn chủ yếu là bảo lưu vốn văn hóa dân gian cổ truyền của địa phương, góp phần cho thần và người cùng chung vui trong lễ hội xuân.
2.2.3.2. Thể lệ hát Đúm
Theo các tiền nhân đi trước truyền lại thì ngay từ khi hình thành hội hát Đúm đã có những quy định, thể lệ chặt chẽ và cụ thể. Trước hết, nhóm hát phải đồng giới (nhóm nam hay nhóm nữ) xấp xỉ cùng lứa tuổi, thường là phải cùng tuổi với nhau, nhất là khi chọn bạn dẫn đầu nhóm hát, như đại diện nhóm bên nam phải hát với nhóm bạn nữ cùng lứa tuổi hoặc ít tuổi hơn.
Khi làm quen để hát mời thì bên nam hát trước nhưng khi ra điều kiện hát thì bên nữ được quyền hát trước. Các chàng trai cô gái hát đối đáp với nhau nhất thiết phải phòng tránh phạm lệ, ngay từ lúc mới gặp nhau các bạn gái thường có những câu chào, hỏi dò tên tuổi họ hàng, quê quán và gia đình nếu thấy hợp lệ mới tiếp tục hát các bước tiếp theo của hát Đúm. Thường thì cả tốp nam, nữ cùng chứng kiến đại diện của “bên mình” hát đối với người “bên kia”.
Đối với người có vợ hoặc có chồng rồi cũng được tham gia hội hát, nhưng những người này cùng hát với nhau. Mọi người cho rằng thú vị nhất là hát với người làng bên. Đã ra đến hội đi hát thì các ông chồng hay vợ không được ghen khi thấy chồng hay vợ mình cầm tay người khác để hát (vì có tục hát thường nắm cổ tay nhau). Và tiếp tục đối đáp bằng những lời ca mang nội
dung ân ái, mơ ước, hứa hẹn, tình tứ, đằm thắm lứa đôi. 2.2.3.3. Cách thức tạo Đúm
Hát Đúm Thủy Nguyên là lối diễn xướng đối đáp giao duyên nam nữ, nó vừa mang nét chung của dân ca giao duyên người Việt vừa có nét riêng của
dân ca vùng miền. Hát Đúm Thủy Nguyên có hình thức diễn xướng đơn, đơn nam và đơn nữ. Theo những người tham gia hát Đúm lâu năm ở Phục Lễ thì xưa kia khi ra hát ở hội chùa, người ta phải tạo ra các Đúm tức là các đám người tham gia.
Quá trình tạo Đúm: Ngày xưa khi làng mở hội vào dịp đầu năm mới trên sân chùa, các chàng trai ăn mặc chỉnh tề chặn ở cổng chùa. Khi thấy các cô gái làng đi tới liền cử một đại diện hát giỏi ra cầm tay một cô gái có dáng người đẹp, mặc dù chưa biết mặt vì cô gái bịt khăn. Chàng trai hát mấy câu mời cô gái vào tham gia hát trong hội. Lúc đầu do còn bẽn lẽn thẹn thùng, cô gái chưa ưng thuận ngay nên chàng trai hát mời tiếp, nếu cô chưa ưng thuận chàng trai vẫn giữ lấy tay cô và hát tiếp mời cô vào hội cho đến khi cô phải thốt lên: “bỏ tay em ra thì em vào hát”. Lúc này biết cô gái đã ưng thuận, chàng trai cùng đám bạn liền mời cô gái và các bạn cô vào tham gia hát. Người đi hội lúc này đã rất đông, thấy có đôi nam nữ hát đối đáp, họ xúm lại xem và tự nhiên đám người thành vòng tròn vây quanh. Lúc này, cuộc hát đối đáp giao duyên và so tài giữa một chàng trai và một cô gái mới thực sự bắt đầu. Đám thanh niên nam nữ cũng chia nhau ra đứng vây quanh làm cho vòng tròn càng thêm kín.
Với hình thức tạo Đúm như vậy, hát Đúm Phục Lễ - Thủy Nguyên - Hải Phòng đã mang một hình thức diễn xướng riêng, nó biểu hiện sự cố kết cộng đồng, tinh thần cộng cảm của tập thể, tạo sự hưng phấn, khích lệ cho người diễn xướng. Diễn xướng đối đáp diễn ra giữa một cá nhân với một cá nhân bên cạnh đó lại có sự tham gia của cộng đồng vừa thưởng thức vừa trợ giúp. Do đó, hát Đúm Phục Lễ - Thủy Nguyên - Hải Phòng là một chỉnh thể nguyên hợp của sinh hoạt văn hóa nghệ thuật cộng đồng.
2.2.3.4. Trang phục trong hát Đúm
Cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian khác bao giờ cũng có trang phục riêng thì trong làn điệu hát Đúm các chàng trai cô gái cũng có những bộ trang phục riêng thể hiện nét tính cách và phù hợp với làn điệu hát Đúm.
Xưa kia, chàng trai cô gái đều sử dụng các sắc phục truyền thống. Nam áo dài the thâm, hay áo dài phin màu đen, màu gụ, quần trắng, chân đi guốc, đầu quấn khăn nhiễu hay đội khăn xếp, tay cầm ô hay quạt với dáng vẻ thư sinh, lịch thiệp tao nhã. Nữ thường mặc váy lĩnh hay lụa đen, áo tứ thân mớ ba, mớ bảy, yếm trắng hay yếm hồng lưng thắt bao tượng sắc màu rực rỡ, đầu đội khăn mỏ quạ hay vấn tóc bọc nhung đen để vắt đuôi gà vừa mềm mại, tinh nghịch, vừa bay bướm dịu dàng trong khí trời tươi ấm. Tất thảy đều tưng bừng rộn rã tràn đầy nhựa sống lồng vào lời ca tiếng hát
nghe tha thiết yêu thương.
Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 cùng với trào lưu cách tân mở rộng, trang phục truyền thống dần dần biến đổi, nhất là thanh niên đã ảnh hưởng mạnh từ nhà trường về thôn xóm, sự ảnh hưởng của trào lưu cách tân này diễn ra từ thành thị về đến các thôn xóm. Những trang phục đã tiện lợi, gọn ngàng hơn, mới hơn. Nữ đã từ chiếc áo tứ thân yếm hồng, bao lưng hoa lý đã thay bằng chiếc áo dài thướt tha hay chiếc áo cánh. Từ chiếc váy lĩnh, áo lụa đen thay bằng quần trắng hay quần đen trông vẻ gọn gàng và trẻ trung. Nam từ chiếc áo dài thâm hay quần trắng thay bằng áo sơ mi hay bộ com lê, quần âu chỉnh tề, lịch sự. Trang phục cổ truyền ở đây đã hoàn toàn hiện đại hoá, bóng dáng trang phục cổ truyền xưa kia chỉ còn ở các pho tượng hay phù điêu trong đình chùa. Tuy vậy, trang phục cổ truyền vẫn được những người nghệ nhân say mê hát Đúm duy trì, để hội hát thực sự là một nét sinh hoạt văn
hóa dân gian của cư dân Phục Lễ - Thủy Nguyên - Hải Phòng. 2.2.3.5. Nghệ thuật diễn đạt trong hát Đúm
Nét đẹp độc đáo trong hát Đúm không phải ở bước tiến hành làn điệu mà là tài năng nghệ thuật ứng khẩu, ví von, đối đáp linh hoạt với nhiều hình ảnh sinh động khác nhau. Nghệ thuật diễn đạt hát Đúm ở đây chủ yếu họ khéo léo mượn những câu ca dao, tục ngữ, mượn trong cổ tích, mượn truyện tình xưa, mượn cảnh thiên nhiên, mượn hình sản vật, mượn dáng công cụ lao động hay
mượn đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, với những tư duy liên tưởng ứng vật theo ngữ điệu có vần, ví von vào mình vào bạn, lấy tình nói cảnh, lấy cảnh nói tình. Khi hát cứ lần lượt sau mỗi bên nữ rồi đến bên nam, bài ngắn nhất cũng thường là bốn câu lục bát, hoặc dài thì tám đến chín câu cho tới khi hai bên không còn câu hát để đối đáp nữa thì coi như thua cuộc và ra về để chuẩn bị
các câu hát tiếp cho lần gặp sau.
Để đi tới chỗ bén duyên nhau tâm đầu ý hợp của đôi bên thường phải trải qua nhiều câu đố hát, đố ghẹo, có khi kéo dài tới vài ngày liền. Sự tài tình của người hát là biết vận dụng các câu ca dao, tục ngữ, các áng văn chương kim cổ, truyện dân gian. Đặc biệt là khả năng ngẫu hứng, ứng tác, miễn sao các
câu hát đủ ý, đủ lời.
Về học luyện, họ đã nghe quen giai điệu từ lời ru của mẹ, từ học truyền miệng của người hơn tuổi, khi cùng lao động, lúc cùng nghỉ ngơi rảnh rỗi, kể cả khi còn bập bẹ dõi theo chị, nhẩm theo anh từ những hội
xuân từ ngày còn bé.
Với loại hình văn hóa dân gian này, đặc biệt là ở tổng Phục (Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ, một phần xã Tam Hưng) được thể hiện vừa giàu trí tuệ, vừa thỏa mãn với tình cảm đại chúng, vừa cuốn hút tuổi trẻ sôi động. Khi hát Đúm kết hợp với hội xuân, hội Mở mặt của các cô gái đã quanh năm bịt kín đã tạo nên nét văn hóa đặc sắc của văn hóa nơi đây. Nên dù qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm, phải biến đổi nội dung, hoán cải lời ca thích ứng với mỗi thể cảnh của xã hội, nó vẫn được duy trì và phát triển, cùng tồn tại song song với làng nghề Đông Môn gần kề đó, có giáo phường hát ả đào, chuyên thơ ca bác
học, chỉ phục vụ đối tượng danh nhân, danh sĩ, quan liêu và lễ tế thần hoàng.
Hát Đúm ở đây cũng đã thành tục lệ truyền thống, trai gái mới lớn đều say sưa học luyện, họ học qua cách truyền miệng và bạn bè có biết chút ít chữ nghĩa, ghi chép giùm cho những bài hát mẫu, truyền nhau luyện giọng, ngân rung, luyến láy buông thả, nhấn nhá và ngắt mạch chia đoạn, giúp nhau thăng
giáng, đảm bảo có trường độ cao độ khi đối đáp sao cho vừa thanh, vừa ngọt, vừa ấm, vừa vang. Hay đúng ra chỉ là lối nói ngân nga có vần có điệu, sau tiếng gọi vào đầu những bài hát: “Rằng người thương ơi!”, tới cuối bài cũng
lại tiếp tiếng gọi: “Duyên kết bạn tình ơi!”.
Trong tổ chức hội thi hát Đúm, tuy chưa hề thấy có văn bản nào quy định tiêu chuẩn đạt giải. Nhưng dù sao thì mỗi hội hát, ai ai cũng đều thống nhất, xếp giải cao nhất cho người ứng tác nhanh nhạy, hát được nhiều bài, nội dung phong phú đa dạng, giọng hát ấm ngọt, dịu dàng, trong trẻo, âm vang gây