6. Bố cục của đề tài
2.4.1. Giá trị tiêu biểu của hát Đúm
Hát Đúm là một loại hình dân ca giao duyên không chỉ có ở Phục Lễ - Thủy Nguyên - Hải Phòng mà còn có ở các địa phương khác như Cát Hải, Cát Bà, An Hải thuộc Hải Phòng, tuy nhiên mỗi địa phương lại có những nét riêng. Chính nét riêng này là những giá trị tiêu biểu tạo nên bản sắc của thể loại dân ca giao duyên Việt Nam. Hát Đúm ở Thủy Nguyên - Hải Phòng cũng có giá trị nhất định.
Về mặt âm nhạc, khác với các loại hình dân ca nhiều làn điệu khác, hát Đúm Phục Lễ - Thủy Nguyên chỉ có một làn điệu cơ bản. Bởi vậy khi hát người hát phải làm thế nào để trên một làn điệu ấy họ có thể lắp ghép với các lời ca khác nhau. Trải qua quá trình lâu dài, làn điệu hát Đúm đã định hình và có tính cố định, nhờ tính cố định người hát có thể thuộc và nhớ giai điệu một cách dễ dàng. Yếu tố này làm cho hát Đúm trở thành phương tiện thông tin tốt, nó có thể chuyển tải được nhiều nội dung lời ca khác nhau, mang lại những hiểu biết kịp thời cho cộng đồng. Giống như trong hát Trống Quân,
Hát Ví, người hát phải thuộc làn điệu nhạc để trong cuộc hát họ chỉ thay đổi lời ca cho phù hợp với các bước hát.
Về mặt lời ca, bên cạnh lời ca cổ được lưu truyền bằng phương thức truyền miệng còn xuất hiện những lời ca mới được ứng tác làm cho bài luôn mới mẻ, phản ánh được thời đại, phù hợp với đời sống, với người nghe. Trong cuộc hát, trai gái bày tỏ tình cảm với nhau xoay quanh nội dung tình yêu lứa đôi có xen cài các nội dung như Họa, Thư.. Mỗi một bài mang một sắc thái tình cảm khác nhau. Trong cuộc hát qua nhiều bước bên nữ bị thua nên bị bên nam thu khăn, thu nón. Nên phải ứng tác nhanh để xin lại. Giá trị của lời ca ứng tác thể hiện ở chỗ hai bên nam - nữ luôn tạo cho nhau những tình huống bất ngờ, từ đó những bài mới ra đời góp thêm vào kho tàng lời ca hát Đúm Thủy Nguyên ngày thêm đa dạng. Lời ca ứng tác có vai trò quan trọng nó góp phần quyết định cho sự tồn tại và phát triển của loại hình dân ca.
Về mặt văn hóa, là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng thông qua hình thức hát đối đáp nam nữ, hát Đúm luôn là phương tiện giao lưu tình cảm đầy tinh tế và có văn hóa. Nó thỏa mãn được nhu cầu giải trí, thư giãn của hầu hết các tầng lớp nhân dân. Sau thời gian làm việc vất vả, những ngày hội hát Đúm đầu xuân, những cuộc hát diễn ra ở những nơi khác nhau thực sự mang lại cho người dân niềm vui thích, tinh thần sảng khoái và sự hiểu biết thêm về cuộc sống. Những câu ca giản dị chân thật giúp cho mọi người thêm yêu quê hương và làm cho giới thanh niên trẻ trở nên nhẹ nhàng, tế nhị hơn trong giao tiếp, ứng xử với cộng đồng, với bạn cùng trang lứa.
Xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên là vùng đất ven biển thuộc thành phố Hải Phòng đã bảo lưu duy trì và phát triển một loại hình dân ca giao duyên cổ của người Việt đó là hát Đúm. Cùng với tiến trình lịch sử, văn hóa, hát Đúm ở Phục Lễ đã chứa đựng bản sắc địa phương rõ nét, trở thành một tài sản văn hóa có giá trị của người dân vùng biển. Tổng Phục Lễ xưa là cái nôi của nghệ thuật hát Đúm truyền thống đã và sẽ mãi mãi duy trì và phát huy nghệ thuật
hát Đúm để các thế hệ mai sau tiếp tục giữ gìn và kế thừa những tinh hoa mà cha ông ta đã để lại.
Bên cạnh hát Đúm cổ truyền của Phục Lễ còn có phong tục bịt mặt độc đáo, nó vừa là phong tục cổ vừa là nét văn hóa hiếm thấy trên đất nước ta. Hội hát Đúm xưa đã gắn liền với tục “Mở mặt” một sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người dân Phục Lễ - Thủy Nguyên. Bởi vậy, giá trị của hát Đúm ở Phục Lễ không chỉ là làn điệu cổ có âm điệu khác lạ với những làn điệu dân ca quen thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ hay lối hát đối đáp giữa những Đúm (đám) và nghệ thuật ứng tác lời ca nhanh nhạy trong quá trình diễn xướng…mà còn được bổ sung bởi phong tục văn hóa lâu đời độc đáo, tạo nên phong cách, diện mạo văn hóa riêng của người dân vùng đồng bằng ven biển.
Hát Đúm ở Phục Lễ - Thủy Nguyên - Hải Phòng xét trên phương diện lịch sử là một loại hình dân ca giao duyên cổ của người Việt tồn tại và phát triển lâu đời trên vùng đất Phục Lễ - Thủy Nguyên. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, dấu ấn địa phương đã in đậm trong nhiều lời ca, âm điệu, bài bản hát Đúm.
Hát Đúm thường sử dụng thể thơ lục bát và song thất lục bát. Hát Đúm giống như mọi loại hình dân ca một làn điệu cũng có lời ca phong phú đa dạng, nội dung đề cập được nhiều khía cạnh thông qua chủ đề chính là tình yêu nam nữ.
Mặc dù giai điệu chưa thật bay bổng, ca từ chưa thật trau chuốt tinh tế như một số loại hình dân ca phát triển khác, nhưng hát Đúm từ bao đời nay đã là một sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo của người dân Phục Lễ - nơi in dấu bao chiến công của cha ông những năm tháng chống giặc ngoại xâm và là nơi chứa đựng bao dấu tích văn hóa của người Việt cổ.